Lợi ích của việc quản lý: nhìn từ nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn
Từ lâu, trên thế giới, thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) đã không còn… mới. Rất nhiều quốc gia tiên tiến đã sớm công bố bộ tiêu chuẩn quốc gia cho các sản phẩm này, bao gồm châu Âu (Anh, Pháp, Đức…), châu Mỹ (Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Argentina…), các nước Liên Xô cũ (Nga, Ukraina, Kazakhstan…), các nước Trung Đông (Ai Cập, Jordani, Israel…). Tại châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philipinnes, Malaysia, Indonesia,… đều đã quản lý TLTHM từ sớm.
Thuốc lá điếu đốt cháy độc hại nhất cần sớm được thay thế dần.
Tiên phong trong việc đưa TLTHM vào quản lý, nhằm đạt được mục tiêu góp phần kiểm soát thuốc lá toàn diện, cải thiện sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ giới trẻ, có thể kể đến trường hợp của Hoa Kỳ. Sau nhiều nghiên cứu, kiểm định khắt khe, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xác định thuốc lá điếu đốt cháy là sản phẩm gây hại cao nhất, cần được thay thế dần bởi các sản phẩm giảm tác hại hơn. Do vậy, FDA Hoa Kỳ đã lần lượt cấp phép kinh doanh cho các sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ, giảm phơi nhiễm với các chất gây hại lên cơ thể, bao gồm một sản phẩm thuốc lá làm nóng (TLLN), một loại TLĐT hệ thống đóng, và một số sản phẩm thuốc lá sử dụng qua đường uống (oral tobacco) khác.
Các quốc gia châu Âu như Anh, Thuỵ Điển, Na Uy cũng áp dụng chính sách khuyến khích người hút thuốc lá điếu chuyển sang các sản phẩm ít độc hơn như TLĐT, thuốc lá ngậm snus… Các nghiên cứu sau đó đều cho thấy, nhờ sớm đưa các sản phẩm này vào quản lý, tỷ lệ tử vong của nam giới, phụ nữ do thuốc lá đốt cháy giảm đáng kể, đồng thời tỷ lệ thanh thiếu niên tiếp cận với TLTHM lậu cũng rất thấp.
Tại Châu Á thì Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc… đều hợp thức hóa các sản phẩm TLTHM đã qua kiểm nghiệm như một giải pháp giảm tác hại thuốc lá điếu, và là công cụ bổ trợ cho chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá toàn diện của quốc gia. Điển hình là trường hợp của Nhật Bản, xếp TLĐT có chứa nicotine như một loại dược phẩm, chịu sự quản lý của Bộ Y tế, còn TLLN là sản phẩm thuốc lá vì chứa nguyên liệu thuốc lá thì đặt dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính với những quy định quản lý ít nghiêm ngặt hơn so với thuốc lá điếu thông thường.
Nguy cơ từ năng lực quản lý, giải quyết được không?
Hiện nay, tiến trình xây dựng chính sách quản lý TLTHM đang được Bộ Công Thương tích cực thúc đẩy và theo dõi. Tuy nhiên, vẫn còn một số quan ngại cho rằng, nếu quản lý không tốt, có thể tạo ra một thế hệ mới nghiện TLTHM, hoặc nghiện đồng thời cả thuốc lá điếu và TLTMH, nhất là ở giới trẻ.
Phản hồi vấn đề này, tại tọa đàm Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam do báo điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội y học Việt Nam tổ chức đầu tháng 8 vừa qua, các chuyên gia y tế đầu ngành đều cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đưa TLTHM vào quản lý dưới luật hiện hành. Việc này không chỉ nhằm hạn chế sự mất kiểm soát của thị trường buôn lậu làm phát sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng và cộng đồng, mà còn cung cấp thêm cho người hút thuốc lá điếu chưa hoặc không cai được, nhất là người bệnh, có thêm lựa chọn nhân văn hơn.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc phản biện: “Chúng ta phải quản lý TLTHM và tham khảo những chính sách quản lý tốt trên thế giới. Vấn đề quản lý chặt chẽ chừng nào là do trình độ của chúng ta”.
ThS.BS Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện Pháp Việt (FV) cũng cho rằng, cần nâng cao năng lực quản lý để giải bài toán TLTHM, và dẫn chứng trường hợp: “Nếu thừa nhận TLLN như cách chúng ta chấp nhận methadone (giải pháp thay thế heroin) và quản lý nó tốt, thì sẽ rất có lợi cho cộng đồng, cho người bệnh và giải quyết được vấn đề sử dụng sai mục đích”.
Có thể thấy rằng, trong bất cứ quá trình hoạch định chính sách nào, đặc biệt là chính sách có liên quan đến sức khoẻ con người, bên cạnh đánh giá lợi ích cũng nên cân nhắc đến nguy cơ. Tuy nhiên, nếu đánh giá rủi ro là thấp hơn so với kết quả đạt được thì một khung pháp lý phù hợp đối với TLTHM là điều các cơ quan quản lý cần thiết phải làm để cùng góp phần thúc đẩy sự phát triển và điều hòa các quan hệ xã hội.
Các chuyên gia khẳng định, không có sản phẩm thuốc lá nào là an toàn, và việc thay thế thuốc lá điếu bằng các sản phẩm TLTHM không thể tốt bằng việc cai triệt để thuốc lá. Nhưng cần nhìn nhận một thực tế rằng, tỷ lệ cai thuốc lá thành công trên toàn cầu nói chung và riêng tại Việt Nam nói riêng còn thấp xa so với kỳ vọng. Theo thống kê năm 2020 của Ngân hàng Hoa Kỳ, Việt Nam từ vị trí top 15, đã nhảy vọt lên top 9 các thị trường tiêu thụ thuốc lá lớn nhất toàn cầu chỉ sau vài năm. Đây là hồi chuông báo động, rằng nên nhìn nhận vai trò giảm thiểu tác hại khói thuốc lá và việc đưa các sản phẩm TLTHM vào quản lý như một công cụ bổ trợ chiến lược quốc gia quan trọng không thể tiếp tục trì hoãn.