Biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron đang trở nên phổ biến ở Mỹ và đã được xác nhận là có khả năng né tránh miễn dịch từ vaccine cũng như ở những người từng mắc Covid-19. Điều này khiến nhiều người lo ngại các thiết bị test nhanh kháng nguyên cũng kém hiệu quả hơn trong việc phát hiện virus.
Trước đó, khi Omicron xuất hiện hồi năm 2021, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã xác nhận test nhanh kháng nguyên vẫn có hiệu quả phát hiện ca bệnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng mới khiến độ nhạy của thiết bị này giảm xuống.
Hiệu quả của test nhanh với BA.5
Thời gian qua, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về mức độ hiệu quả của test nhanh đối với biến chủng Omicron. Kết quả cho thấy test nhanh vẫn có thể phát hiện SARS-CoV-2 biến thể BA.5. Tuy nhiên, người dân sẽ cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo độ chính xác.
Giáo sư Phyllis Kanki, trường Y tế Công cộng Havard T.H. Chan (Mỹ), cho biết các xét nghiệm kháng nguyên vẫn duy trì hiệu quả trong khả năng phát hiện biến chủng Omicron với sự có mặt của BA.5.
“Về mặt lý thuyết, BA.5 vẫn là một dạng của Omicron”, ông lý giải.
Test nhanh vẫn có hiệu quả với biến chủng mới. Ảnh minh họa: Rod_long .
Đồng quan điểm, tiến sĩ Nathaniel Hafer, Đại học Y khoa Massachusetts, cho biết thêm các test nhanh kháng nguyên có thể phát hiện BA.5 do cấu tạo của biến thể phụ này.
Theo đó, trong các thiết bị test nhanh có chứa kháng thể được sản xuất ở phòng thí nghiệm. Hợp chất này tương tự kháng thể bên trong cơ thể người, từ đó nhận ra hợp chất lạ.
“Những kháng thể này được tạo ra để liên kết với các bộ phận của virus. Bộ phận phổ biến nhất là protein có tên gọi nucleocapsid. Trong khi các protein khác trên SARS-CoV-2 đã đột biến với các biến thể phụ của Omicron, nucleocapsid có xu hướng đột biến với tỷ lệ thấp hơn. Nói cách khác, test nhanh vẫn có thể phát hiện nucleocapsid trong BA.5”, vị chuyên gia giải thích.
Cách đảm bảo độ chính xác khi test nhanh
Dù các nghiên cứu đều chỉ ra rằng test nhanh Covid-19 tại nhà vẫn có thể phát hiện BA.5, chuyên gia vẫn lưu ý người dân nên điều chỉnh một số vấn đề nhằm đảm bảo độ chính xác.
Cụ thể, với sự xuất hiện của biến chủng mới, một số trường hợp có triệu chứng của Covid-19 nhưng kết quả test nhanh vẫn âm tính trong nhiều ngày liên tục trước khi nhận kết quả dương tính.
TS Hafer giải thích: “Lý do đầu tiên có thể là SARS-CoV-2 sẽ mất một thời gian nhất định để phát triển trong cơ thể”.
Vị chuyên gia này cho hay trong khoảng thời gian đầu nhiễm virus, nồng độ SARS-CoV-2 trong cơ thể chưa đủ lớn để test nhanh có thể phát hiện, nhất là ở người lần đầu xuất hiện triệu chứng của bệnh lý này hoặc vừa tiếp xúc với ca bệnh.
Yếu tố quan trọng để đảm bảo độ chính xác khi test nhanh là làm đúng hướng dẫn. Ảnh minh họa: annie_spratt .
BA.5 có khả năng lây truyền mạnh và có thể chuyển từ người này sang người khác trước khi họ xuất hiện triệu chứng. Do đó, có thể cần vài ngày trước khi bệnh nhân phát hiện triệu chứng và xét nghiệm.
Một nguyên nhân khác là vị trí của SARS-CoV-2 trong cơ thể. TS Hafer cho rằng biến chủng Omicron nằm ở cổ họng bệnh nhân nhiều hơn mũi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kỹ thuật lấy mẫu test nhanh.
Điều này cũng lý giải vì sao các nhà khoa học đánh giá mẫu bệnh phẩm miệng - mũi có thể giúp tăng độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Liên quan vấn đề lấy mẫu, GS Kanki khẳng định với bất cứ biến chủng nào của SARS-CoV-2, độ chính xác sẽ đòi hỏi người thực hiện tuân thủ hoàn toàn hướng dẫn khi test nhanh.
Ngoài ra, TS Hafer cho rằng việc thực hiện nhiều lần test nhanh cũng có thể cải thiện độ chính xác. Mỗi lần test nên cách nhau khoảng 24-48 giờ.
“Sau khi test nhanh và có kết quả, bạn nên đợi từ 24 đến 48 giờ để test lần thứ 2. Hai lần xét nghiệm sẽ có độ chính xác cao trong nhiều trường hợp”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Mặt khác GS Kanki cho hay các test nhanh tại nhà rất hiệu quả trong việc phát hiện SARS-CoV-2 ở giai đoạn cao điểm nhất của quá trình virus nhân lên. Thời điểm này thường là khi người bệnh xuất hiện triệu chứng.