“Không sợ hãi” với phong cách phim tài liệu điện ảnh trực tiếp tập hợp những câu chuyện truyền cảm hứng của không chỉ nhân viên y tế mà còn những người rất đỗi bình thường, sẵn sàng cống hiến, giúp đỡ người khác vượt qua dịch bệnh.
Được thực hiện tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận vào tháng 7 năm 2021, mỗi tập phim của “Không sợ hãi” thể hiện một hành trình mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã theo chân các bác sĩ, tình nguyện viên và bệnh nhân ngay giữa tâm dịch.
Chia sẻ về hành trình thực hiện cũng như nội dung của bộ phim, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng bộ phim này đã chọn mình khi mà cách đây đúng 1 năm, vào ngày 27/7/2021 tôi đang có mặt tại Bình Dương. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các nhân vật: các y bác sĩ, tình nguyện viên, những nhân chứng của Covid mà tôi gặp đã giúp tôi thực hiện nên bộ phim này. Tôi biết cuộc sống vào thời điểm đó có thể khốc liệt hơn những gì mà tôi đã chọn lọc để thể hiện trong bộ phim “Không s ợ h ãi”. Nhưng tôi nghĩ mọi người đã mệt mỏi quá với những thực tại lúc đó nên tôi không muốn nhắc lại những điều đó nữa. Tôi muốn mang đến một tinh thần tích cực cho mọi người. Nếu chúng ta bớt sợ hãi đi thì chúng ta sẽ có thể đối mặt với nhiều đại dịch sau này.”
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng bộ phim này đã chọn mình"
Trong buổi công chiếu sớm, những thước phim trong “Không sợ hãi” để lại cho người xem sự xúc động tột độ khi chứng kiến một Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận… kiên cường nhưng vắng lặng, người dân chịu những mất mát đau thương chưa từng có. Bên cạnh những hoàn cảnh mất mát đau thương, là những con người không vô cảm, không chạy trốn, họ lựa chọn đối diện và chiến thắng sự sợ hãi của mình.
“Bạn đã đối diện với đại dịch Covid-19 như thế nào?” Trực tiếp xem lại những sự kiện mà mình là nhân vật chính trong đó, nhân vật Phạm Phương Linh - Sáng lập nhóm Oxy Sài Gòn bày tỏ sự xúc động: “ Tên phim là Không sợ h ãi nhưng thực tế mọi thứ rất sợ hãi, sợ kinh khủng. Mọi người hy sinh mình, không vắc-xin, không thuốc chữa, dịch lây nhanh. Sợ lây bệnh cho người nhà nên quyết định ăn uống tại chỗ, rất ám ảnh, rất đáng sợ. Nhóm mình chỉ suy nghĩ là làm từ thiện thôi, mình giúp được gì thì giúp hết mình. Cảm ơn anh Chuyên có những thước phim tài liệu này”.
Hình ảnh các lực lượng đi chống dịch trong phim
Những ám ảnh tang thương đỉnh dịch
Cận kề bệnh nhân trong các bệnh viện
Đỉnh dịch đau thương với số lượng bệnh nhân lớn chưa từng có
Là một trong những khán giả xem buổi công chiếu sớm của “Không sợ hãi”, Hoa hậu Hương Giang bày tỏ cô rất cảm động về tình người trong suốt mùa dịch được thể hiện trong bộ phim: “Các cảnh quay đều làm cho mình hình dung ra thời khắc lịch sử đó của Việt Nam, sự đồng lòng của tất cả người dân Việt Nam, từ các vị lãnh đạo đến các bác sĩ. Hình ảnh làm cho Giang thấy cảm động nhất là câu chuyện của hai người con, họ đã phải hy sinh hết tất cả, để vào bệnh viện làm tình nguyện viên, để có thể gần bố của mình. Bên cạnh đó, đạo diễn cũng rất là tài tình khi lồng ghép cuộc đời đối lập như câu chuyện của cô bé 17 tuổi, cô bé mất hết bố mẹ, thế nhưng cũng có một đôi vợ chồng già, họ đã vượt qua tất cả để có thể trở về với nhau. Họ đều không bỏ cuộc”.
Nhà thơ, nhà phê bình phim Nguyễn Phong Việt chia sẻ: “ Thông qua bộ phim này, mình thấy được cái tình người, chia sẻ, mình thấy được sự bao dung dang tay ra giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn của các y bác sĩ, của những người có điều kiện, của những người tình nguyện viên. Nhưng trên hết, tôi nghĩ bộ phim này đánh động về mặt cảm xúc. Có thể vào thời điểm này, chúng ta đã đi qua những ngày căng thẳng nhất của đại dịch rồi, nhưng những câu chuyện trong phim cũng là một cách để chúng ta nghĩ về cuộc sống, nghĩ về những điều tốt đẹp, chúng ta có thêm những điều ý nghĩa để chia sẻ, và giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn”.
Thông điệp chính của bộ phim về tình người trong "bão" COVID-19.
5 tập của “Không sợ hãi” sẽ chính thức công chiếu kể từ 9/7.