Lực lượng chức năng lấy mẫu thực phẩm để phân tích các chỉ tiêu an toàn của một cơ sở tại Hà Nội. Ảnh: Tùng Nguyễn
Năng lực giám sát ngày một hoàn thiện
Nhằm nâng cao tính chủ động trong quản lý, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm, từ năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thành lập trung tâm chuyên ngành, bố trí nguồn lực để đầu tư mua sắm hơn 100 máy móc, thiết bị. Nhờ đó đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác phân tích, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Hiện, ngành NN&PTNT Hà Nội đang duy trì năng lực Phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 do Bộ KH&CN công nhận trong lĩnh vực sinh - hóa. Đồng thời duy trì cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm do Bộ NN&PTNT chỉ định thuộc lĩnh vực hóa - sinh. Cùng với đó, tiếp tục phát triển phạm vi đăng ký lĩnh vực hoạt động thử nghiệm theo Nghị định số 107/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.
Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đang phát triển năng lực chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt chuẩn ISO/IEC 17065:2013; chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng đạt chuẩn ISO/IEC 17021-1:2015. Đồng thời, duy trì chỉ định của Bộ NN&PTNT chuyên ngành cho các chương trình chứng nhận gồm: VietGAP trồng trọt, VietGAP chăn nuôi, VietGAP thủy sản, nông nghiệp hữu cơ sản phẩm trồng trọt, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) và hệ thống ISO 9001.
Hiện, Sở NN&PTNT Hà Nội đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục và điều kiện phục vụ việc đánh giá lại năng lực phòng thử nghiệm đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2017 và năng lực tổ chức chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn ISO/IEC 17065:2012; dự kiến sẽ phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đánh giá, công nhận lại trong quý III/2022.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực
Theo đánh giá, năng lực phân tích và chứng nhận chất lượng nông sản, thực phẩm của ngành nông nghiệp Hà Nội hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước. Dù vậy, phạm vi đánh giá các sản phẩm hiện chủ yếu mới dừng ở việc phân tích, chứng nhận đối với tiêu chuẩn trong nước.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nhận thức của một bộ phận người dân về sản phẩm được chứng nhận vẫn còn những hạn chế nhất định. Tâm lý đánh đồng giữa sản phẩm thông thường và các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng, được cơ quan quản lý Nhà nước đánh giá, chứng nhận vẫn còn khá phổ biến. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, DN, hợp tác xã… trong việc tiếp cận với các tiêu chuẩn sản xuất tốt.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, xu hướng hội nhập kinh tế, định hướng xuất khẩu hàng hóa, nông sản của TP đòi hỏi năng lực phân tích, chứng nhận phải được cải tiến mạnh mẽ hơn nữa. Theo đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung vào phân tích, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, nhất là tiêu chuẩn dành cho nhóm sản phẩm hữu cơ.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác với một số tổ chức kiểm nghiệm, chứng nhận, đánh giá quốc tế để phát triển nguồn nhân lực cũng được ngành NN&PTNT Hà Nội xem là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Thông qua đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đánh giá, phân tích và chứng nhận, nông sản, hàng hóa của Hà Nội có thể tham gia vào các chương trình chứng nhận mới như: Chứng chỉ quản lý bền vững (FSC), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt của châu Âu (Global GAP) hay ISO 22.000:2018…
Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2022, đơn vị sẽ tập trung hoàn thiện việc chuyển giao cơ sở hạ tầng để bố trí mặt bằng, chuẩn hóa điều kiện phòng thí nghiệm để đáp ứng đầy đủ điều kiện tham gia hệ thống kiểm nghiệm, chứng nhận quốc gia. Đồng thời, duy trì việc tiến hành các đợt kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm, xử lý nghiêm vi phạm đối với các tổ chức chứng nhận.