Sự khác nhau về dinh dưỡng của nước ép và sinh tố
- Vitamin và khoáng chất
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), vì cần một lượng lớn quả mọng nước mới cho ra một ly nước ép nên nước ép luôn chứa nhiều vitamin và khoáng chất hơn. Ngoài ra, lượng dinh dưỡng trong nước ép còn ở thể lỏng, dễ tiêu hóa, không mất nhiều thời gian hấp thu nên sẽ cực kỳ thích hợp cho người đang bị ốm, cần bồi bổ ngay lập tức.
Trong khi đó, sinh tố lại chứa một lượng rất nhỏ các vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe.
- Chất xơ
Với bản chất là sự pha trộn thực phẩm, sinh tố chứa trọn dưỡng chất của trái cây bao gồm cả chất xơ, giúp ngăn sự tăng đột biến của đường trong máu và chống táo bón.
Ngược lại, nước ép chỉ giữ nước cốt và loại bỏ gần như hoàn toàn chất xơ.
- Đường
Cả hai thức uống đều chứa một lượng đường nhất định. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên sử dụng quá nhiều quả như cà rốt, củ cải… khi làm nước ép. Đây đều là thực phẩm có lượng đường cao, đôi khi cao hơn cả nước ngọt có ga, rất dễ gây béo phì và ảnh hưởng đến răng, đặc biệt ở trẻ.
- Chất chống oxy hóa
Trong sinh tố, bên cạnh chất xơ còn chứa chất chống oxy hóa.
- Các chất dinh dưỡng khác
So với sinh tố, rất khó để kết hợp nước ép với nhiều loại thực phẩm khác. Sinh tố khi xay cùng sữa, sữa chua, hạnh nhân, hạt chia, quế… lại mang đến thêm nhiều chất dinh dưỡng.
Nên chọn sinh tố hay nước ép?
Nước ép
Nước ép trái cây chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Những chất dinh dưỡng này rất quan trọng đối với nhiều chức năng của cơ thể để duy trì sức khỏe lâu dài tối ưu.
Ngoài ra, nước ép có thể ít đường hơn so với sinh tố - nhưng điều này rất khác nhau tùy thuộc vào thành phần. Ví dụ, nước ép có chứa rau xanh và táo thường sẽ có ít đường hơn sinh tố trái cây làm từ chuối - ngay cả khi sinh tố có các thành phần khác như hạt hoặc bột protein để làm cho nó cân bằng hơn.
Theo The Wellness , lợi ích của nước ép ít đường hơn so với sinh tố là chúng vẫn cung cấp vitamin và khoáng chất trong khi giảm thiểu lượng đường nạp vào cơ thể. Nếu một trong những mục tiêu sức khỏe của bạn là giảm hoặc loại bỏ đường khỏi chế độ ăn uống, nước ép trái cây có thể là lựa chọn tốt hơn cho bạn.
Điểm trừ là vì quá trình ép trái cây loại bỏ phần thịt và cùi xơ của trái cây, nên nước ép trái cây thiếu chất xơ. Chất xơ là một trong những đặc điểm dinh dưỡng quan trọng của trái cây và rau quả vì nó giúp bạn no lâu hơn và có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa.
Một điểm trừ khác của nước ép trái cây là không giống như sinh tố, nước trái cây không thể thay thế đầy đủ các bữa ăn. Chỉ riêng uống nước ép không cung cấp đủ calo, protein, carbs hoặc chất béo mà cơ thể bạn cần. Cuối cùng bạn có thể giảm cân (do thiếu hụt calo), nhưng phương pháp này không tốt cho sức khỏe và cũng không bền vững để quản lý cân nặng.
Sinh tố
Hai trong số những lợi ích chính của sinh tố là tính linh hoạt và khả năng cân bằng dinh dưỡng.
Với sinh tố, bạn có thể dễ dàng bổ sung protein và chất béo lành mạnh để thúc đẩy cảm giác no. Sử dụng thịt của trái cây hoặc rau củ cũng giữ được chất xơ, giúp bạn no lâu hơn. Với sự pha trộn phù hợp của các thành phần, sinh tố có thể tạo cảm giác no và thậm chí có thể thay thế một bữa ăn.
Tuy nhiên, có một điểm bạn cần lưu ý là nhiều công thức sinh tố có lượng đường gần như nước soda. Vì thế, để làm một ly sinh tố lành mạnh cho dù là một món ăn nhẹ hay thay thế bữa ăn thì sự cân bằng là chìa khóa.
Kết luận
Nước ép hay sinh tố đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, cũng như lượng dinh dưỡng khác nhau. Lựa chọn tốt nhất cho bạn cuối cùng sẽ phụ thuộc vào mục tiêu sức khỏe của bạn. Bạn nên kết hợp cả hai, đây cũng là cách đa dạng khẩu vị, hấp thụ đầy đủ cả vitamin, khoáng chất lẫn chất xơ.
Có thể nói sinh tố tốt cho sức khỏe hơn nước ép. Nó có chất xơ mà nước ép thiếu, uống sinh tố cũng tạo cho bạn cảm giác no lâu.
Dù vậy, vẫn có những lợi ích sức khỏe của nước ép, vì vậy bạn không nên cắt bỏ hoàn toàn nó. Thay vào đó, bạn nên thêm chúng vào một bữa ăn cân bằng để thúc đẩy cảm giác no và hấp thụ hiệu quả hơn các chất dinh dưỡng.
Một điểm cần lưu ý là bạn không nên uống nước ép thay thế bữa ăn để giảm cân. Ngoài ra, khi làm nước ép, bạn có thể thêm gừng tươi hoặc nghệ để tăng cường chống viêm. Đồng thời kết hợp các loại rau vào nước ép trái cây chẳng hạn như cải xoăn, cải Thụy Sĩ, cà rốt và củ cải đường. Mặc dù chúng có vẻ không ngon bằng nước ép trái cây nguyên chất, nhưng chúng cung cấp một loạt các chất dinh dưỡng quan trọng mà một số loại trái cây thiếu.