Ăn đa dạng thực phẩm nhiều màu sắc
Ăn các loại thực phẩm có màu sắc khác nhau vừa kích thích sự thèm ăn, vừa có lợi cho sức khỏe của trẻ. Điều này không có nghĩa là bữa ăn nào cũng phải có nhiều màu sắc. Nhưng cha mẹ nên cố gắng kết hợp nhiều loại trái cây và rau củ có màu sắc khác nhau vào chế độ ăn uống của trẻ, từ đỏ, xanh lục, cam đến vàng, xanh lam và trắng.
Không bỏ bữa sáng
Tạo thói quen về giờ ăn đều đặn trong thời thơ ấu có thể giúp bé tiếp tục giữ thói quen tốt này khi chúng lớn hơn. Dạy con hiểu rằng một bữa sáng lành mạnh giúp khởi động năng lượng và trí não cho ngày mới, ngăn chặn các bệnh mạn tính. Theo trường Y Harvard, việc không ăn sáng có thể làm tăng khả năng béo phì gấp 4 lần. Lượng chất xơ cao trong nhiều loại ngũ cốc ăn sáng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim, nhưng cần chú ý lượng đường trong sản phẩm.
Ăn đa dạng các loại thực phẩm nhiều màu sắc rất tốt cho sức khỏe của trẻ. Ảnh: Freepik
Chọn hoạt động thể chất thú vị
Không phải đứa trẻ nào cũng yêu thích thể thao, một số có thể sợ tiết thể dục. Nhưng nếu chúng tìm thấy các hoạt động thể chất yêu thích thì việc rèn luyện và tăng cường sức khỏe sẽ trở nên dễ dàng.
Nếu con vẫn chưa tìm thấy môn thể thao thích hợp, cha mẹ hãy khuyến khích bé tích cực thử nhiều hoạt động khác nhau. Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động thể chất như bơi lội, bóng rổ, bóng đá, khiêu vũ, thể dục dụng cụ... để trẻ tìm thấy thứ chúng thích.
Hạn chế xem tivi, điện thoại
Theo Mayo Clinic , trẻ em xem tivi hơn 1-2 tiếng mỗi ngày có nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe, bao gồm: giảm khả năng tập trung, béo phì hoặc thừa cân, giấc ngủ không đều, ít vận động, gặp các vấn đề về cảm xúc xã hội và rối loạn chú ý. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ ra ngoài chơi để tăng cường hoạt động và hạn chế tình trạng "nghiện" công nghệ.
Đọc mỗi ngày
Phát triển các kỹ năng đọc là một yếu tố cần thiết cho sự thành công của trẻ trong tương lai. Theo Cleveland Clinic , đọc sách giúp trẻ trở nên tự tin, tăng khả năng hiểu biết, xây dựng mối quan hệ với cha mẹ và những người khác. Cha mẹ có thể biến việc đọc sách thành một thói quen trong lúc rảnh rỗi hoặc trước khi đi ngủ của trẻ. Cleveland Clinic cũng gợi ý rằng việc đọc sách hàng ngày cho trẻ có thể bắt đầu ngay từ khi 6 tháng tuổi. Cha mẹ chọn những cuốn sách mà bé thích để kích thích trí tò mò và sự yêu thích.
Cùng con đọc sách mỗi ngày kích thích sự phát triển trí não của bé. Ảnh: Freepik
Uống nước, không phải nước có gas
Người lớn nên giải thích cho bé rằng nước có lợi cho sức khỏe, nước ngọt không lành mạnh. Ngay cả khi trẻ không hiểu tất cả lý do tại sao quá nhiều đường có hại cho chúng, cha mẹ có thể giúp con hiểu những điều cơ bản. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), đường trong nước ngọt không cung cấp chất dinh dưỡng mà chứa nhiều calo có thể dẫn đến tăng cân, béo phì. Ngược lại, nước là một nguồn tài nguyên quan trọng mà con người không thể thiếu.
Kiểm tra nhãn thực phẩm
Cha mẹ chỉ cho trẻ thấy những thông tin dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm đóng gói yêu thích của chúng, tập trung vào các thành phần chính như: calo, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, lượng đường. Bằng cách này có thể hình thành thói quen chọn sản phẩm dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ.
Ăn tối cùng gia đình
Cuộc sống bận rộn khiến nhiều gia đình khó có thời gian cùng nhau ăn cơm. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Đại học Florida cho thấy, bữa ăn gia đình giúp mối quan hệ giữa các thành viên trở nên bền chặt hơn, trẻ em được bồi đắp tình cảm, ăn uống dinh dưỡng hơn, ít có nguy cơ bị thừa cân béo phì.
Ăn tối cùng gia đình kích thích trẻ ăn ngon miệng, gắn kết tình cảm gia đình. Ảnh: Freepik
Dành thời gian cho bạn bè
Theo nghiên cứu được công bố bởi tạp chí Clinical Child and Family Psychology Review , tình bạn rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ trong độ tuổi đi học. Chơi với bạn bè dạy cho trẻ các kỹ năng xã hội giá trị như giao tiếp, hợp tác và giải quyết các vấn đề. Bạn bè cũng có thể ảnh hưởng đến thành tích của trẻ ở trường.
Lạc quan
Trẻ rất dễ nản lòng khi mọi thứ không theo ý mình. Cha mẹ nên giúp bé học cách đối mặt khi gặp thất bại, phát triển lòng tự trọng lành mạnh, tư duy tích cực bằng cách dạy rằng con rất đáng yêu, có khả năng là duy nhất, bất kể chúng gặp phải thử thách gì.
Châu Vũ (Theo Healthline )
Những mẹo giúp trẻ tăng cân lành mạnh
Cách phát triển trí thông minh cảm xúc ở trẻ