Trang Chủ > Sức khỏe > Những nguyên nhân khiến trẻ đau bụng

Những nguyên nhân khiến trẻ đau bụng

VnExpress
01/07/2022 11:28:08

Khó tiêu và đầy hơi

Trẻ em có thể bị khó tiêu do ăn một số loại thực phẩm như đồ ăn béo, nhiều dầu mỡ, có tính axit hoặc do ăn quá nhanh, uống nước có gas. Các triệu chứng của khó tiêu bao gồm: ợ hơi; đầy hơi; cảm thấy quá no; trào ngược hoặc ợ ra chất lỏng, thức ăn; buồn nôn; đau bụng.

Táo bón

Táo bón có thể khiến trẻ bị chuột rút ở bụng dưới, bụng đầy hơi hoặc chướng, không thể đi vệ sinh. Trong một số trường hợp, thậm chí bé có thể bị tiêu chảy, điều này xảy ra khi phân mềm hơn hình thành xung quanh phân cứng. Các biểu hiện của táo bón bao gồm: đi tiêu ít hơn hai lần một tuần; phân vón cục, khô hoặc cứng; căng thẳng khi đi vệ sinh; nhịn đi tiêu.

Viêm dạ dày ruột và ngộ độc thực phẩm

Một số loại virus, vi khuẩn (như norovirus) có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc viêm dạ dày ruột. CDC Mỹ cho biết, bệnh này rất dễ lây lan, có thể lây truyền qua đường tiếp xúc với người có virus, uống nước hoặc ăn thực phẩm bị ô nhiễm, chạm vào bề mặt bị ô nhiễm.

Virus gây bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính có thể khiến trẻ cảm thấy buồn nôn hoặc nôn. Bé cũng có thể bị đau quặn bụng dưới kèm tiêu chảy. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng hoặc chuột rút, sốt, đau đầu, nhức mỏi cơ thể, mất nước (giảm đi tiểu, khô miệng, chóng mặt).

Những nguyên nhân khiến trẻ đau bụng-1

Trẻ bị đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân. Ảnh: Freepik

Không dung nạp thực phẩm

Không dung nạp thức ăn xảy ra khi trẻ gặp khó khăn trong việc tiêu hóa một loại thức ăn cụ thể, khác với dị ứng thực phẩm. Trẻ có thể cáu kỉnh, bị trào ngược axit hoặc đầy hơi do không dung nạp thức ăn. Tình trạng này gây ra các triệu chứng khó chịu nhưng không nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.

Một số thực phẩm phổ biến có thể gây ra phản ứng không dung nạp thức ăn bao gồm: sữa, các sản phẩm từ sữa, sôcôla, chất phụ gia như bột ngọt, cà chua, trứng, cam quýt, dâu tây, đậu nành, quả hạch, lúa mì, cá. Theo Healthy Eating Advisory Service , trẻ có thể không bị đau từ vài tiếng đến hai ngày sau khi ăn thực phẩm gây kích thích. Mức độ khó chịu của trẻ có thể liên quan đến lượng thực phẩm kích thích mà chúng tiêu thụ. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như ợ óng, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, khó ngủ, các vấn đề về da (phát ban, nổi mề đay, bệnh eczema).

Căng thẳng

Trẻ cũng có thể bị đau bụng trong lúc căng thẳng. Trên thực tế, bất kỳ cảm xúc kích thích nào cũng có thể làm bé khó chịu như buồn bã, tức giận, hạnh phúc, lo lắng. Trẻ có thể mô tả chung chung cảm giác khó chịu ở bụng hoặc buồn nôn khi cảm thấy căng thẳng. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: đau đầu, khó ngủ, cảm thấy lo lắng, tức giận hoặc khó chịu, không tham gia các hoạt động từng làm trước đó.

Đau bụng kinh

Độ tuổi trung bình một bé gái có kinh nguyệt là 12-13. Nếu con đang trong độ tuổi dậy thì, có những cơn đau quặn bụng dưới từ nhẹ đến trung bình, đó có thể là dấu hiệu của kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng khác của kỳ kinh nguyệt có thể bao gồm: căng ngực, chuột rút ở bụng dưới hoặc lưng dưới, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy. Trẻ cũng có thể bị đau bụng kinh dữ dội hơn, liên quan đến bệnh lý như lạc nội mạc tử cung.

Đau háng

Cơ háng nằm giữa bụng, chân. Đau ở khu vực này có thể do căng cơ, rách cơ, nâng vật nặng hoặc một số chấn thương khác. Cảm giác khó chịu có thể từ nhẹ đến đau nhói. Các triệu chứng khác có thể bao gồm: đau khi nâng, duỗi chân, sưng tấy, bầm tím, khó đi lại, cơn đau lan xuống chân.

Viêm ruột thừa

Ruột thừa là một túi nhỏ được gắn vào ruột kết. Nó có thể bị viêm, gây viêm ruột thừa. Nếu không điều trị, ruột thừa bị viêm có thể vỡ ra, dẫn đến các biến chứng khác. Đau bụng khi bị viêm ruột thừa có xu hướng bắt đầu đột ngột xung quanh rốn. Sau đó, cơn đau di chuyển xuống vùng hạ sườn phải của bụng. Vì vậy, nếu trẻ bị đau nhói, đau cục bộ, di chuyển sang bên phải, cha mẹ cần theo dõi các biểu hiện để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.

Các triệu chứng khác của viêm ruột thừa có thể bao gồm: cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi cử động, ho và hắt hơi; cơn đau dữ dội hơn những loại khác mà trẻ từng trải qua trước đây; không thèm ăn; buồn nôn, nôn mửa; sốt; sưng bụng.

Tắc ruột

Tắc ruột là tình trạng ruột bị tắc nghẽn, ngăn cản sự di chuyển bình thường của các sản phẩm tiêu hoá, khiến chúng bị tích tụ lại gây bít tắc, không đào thải ra ngoài cơ thể. Tắc ruột có thể do các nguyên nhân khác nhau như: đồ vật bị nuốt, dị tật của ruột, bệnh viêm ruột. Nếu không được điều trị, tắc nghẽn có thể tiến triển và gây tử vong trong vòng 2-5 ngày.

Các triệu chứng của tắc ruột có thể bao gồm: buồn nôn, nôn ra mật xanh, kéo chân vào ngực, đi ngoài ra máu, khó chịu, bứt rứt, cơn đau đến và đi hoặc đau quặn thắt.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu khá phổ biến ở trẻ em. Một đánh giá năm 2021 cho thấy, phần lớn trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn E.coli gây ra. Trẻ có thể bị đau nhói hoặc đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, xung quanh bàng quang, thận hoặc hạ sườn.

Các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường tiết niệu có thể bao gồm: sốt, nước tiểu có mùi hôi, máu trong nước tiểu, đau khi đi tiểu, tiểu gấp. Trẻ sơ sinh có thể có biểu hiện khác nhau khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu với các dấu hiệu như sốt, nôn mửa, vàng da, nhiễm khuẩn huyết.

Nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng khác nhau cũng có thể gây đau bụng ở trẻ. Chẳng hạn, viêm họng liên cầu khuẩn có thể gây buồn nôn, nôn mửa hoặc khó chịu ở dạ dày. Cảm giác có thể là một cơn đau mơ hồ, đau nhói hoặc tổng quát. Các dấu hiệu nhiễm trùng khác có thể bao gồm: sốt, sưng hạch bạch huyết, đau đầu, hôn mê, viêm họng.

Sốc phản vệ

Khác với không dung nạp thực phẩm, dị ứng thực phẩm có thể đe dọa tính mạng nếu dẫn đến sốc phản vệ. Các biểu hiện ban đầu có thể nhẹ nhưng mọi thứ nhanh chóng diễn tiến thành các triệu chứng nghiêm trọng hơn, ngay cả khi tiếp xúc với một lượng chất nhỏ gây dị ứng. Trẻ có thể buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc đau bụng, nhưng cha mẹ cần quan sát thêm các triệu chứng khác. Sau khi xác định được điều gì đang xảy ra, hãy gọi cấp cứu.

Các triệu chứng sốc phản vệ bao gồm: phát ban, da đỏ bừng hoặc nhợt nhạt; khó nuốt hoặc cảm thấy như vướng trong cổ họng; thở khò khè hoặc khó thở; khàn tiếng khi nói chuyện; chảy nước mũi hoặc hắt hơi; sưng môi hoặc lưỡi; tăng nhịp tim; chóng mặt hoặc choáng váng; mất ý thức.

Các vấn đề đường ruột (thoát vị bẹn)

Thoát vị bẹn có thể gây đau tương tự chấn thương ở háng, nhưng theo Viện Phẫu thuật Chỉnh hình Mỹ, cơn đau có thể trầm trọng hơn. Sự khác biệt là chấn thương không chỉ xảy ra đối với cơ, thoát vị bẹn xảy ra khi ruột ép qua vùng cơ bị suy yếu hoặc mô liên kết ở bẹn.

Các triệu chứng có thể bao gồm: phồng hoặc sưng ở khu vực thoát vị bẹn; cơn đau sẽ thuyên giảm khi nghỉ ngơi; cơn đau trở nên tồi tệ hơn khi vặn người hoặc cử động.

Đau dạ dày mạn tính

Cha mẹ có thể nhận thấy con bị đau bụng liên tục hoặc dường như không bao giờ hết. Đau bụng mạn tính có thể gây khó chịu cho trẻ em và phụ huynh, vì vậy cần phải thăm khám bác sĩ nhi khoa để xác định nguyên nhân gốc rễ và quá trình điều trị. Một đánh giá năm 2018 xác định, đau bụng mạn tính là cơn đau xảy ra trong ít nhất ba đợt trong khoảng ba tháng, làm gián đoạn các hoạt động thường ngày của trẻ.

Tóm lại, đau bụng nhẹ không phải là lý do đáng ngại, nhưng nếu xuất hiện các dấu hiệu khác có nghĩa là trẻ cần được trợ giúp y tế. Trẻ nhỏ có thể không nói rõ cho cha mẹ biết tình trạng sức khỏe của mình. Do đó, người lớn nên quan sát tâm trạng và các biểu hiện của con để quyết định việc thăm khám bác sĩ.

Châu Vũ (Theo Healthline )

Cách loại bỏ đờm nhớt cho trẻ bị bệnh hô hấp

Sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ bị sốt

8 cách phòng tránh đuối nước cho trẻ khi đi du lịch hè