Sau khi thường xuyên phải nghe những đoạn quảng cáo tràn lan “nhà tôi 3 đời trị tiểu đường”, “nhà tôi 3 đời chữa khỏi xương khớp”, nhiều người cảm thấy ác cảm cụm từ này. Nó cũng trở thành lời bông đùa trong những câu chuyện phiếm.
Thế nhưng, khi cận kề ngày Gia đình Việt Nam (28/6), tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, câu nói “nhà tôi 3 đời” lại được nhắc tới với niềm tự hào cùng ý nghĩa tốt đẹp.
“Tôi mong con gái cũng sẽ biết quan tâm tới mọi người xung quanh”
Sáng thứ bảy, giữa thời tiết oi nồng của Hà Nội những ngày cuối tháng 6, không lựa chọn đi dã ngoại hay ăn uống tại một nhà hàng để xả stress như nhiều gia đình khác, chị Vũ Thị Kim Ngân (30 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) cùng chồng và con gái xuất hiện ở buổi gặp mặt kết hợp hiến máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Bé Mít (tên thật là Trần Minh Hương, 2 tuổi) lon ton chạy theo bố mẹ đến hiến máu với gương mặt lộ rõ sự lạ lẫm. Giây phút mẹ Ngân ngồi xuống ghế hiến máu, Mít bám chặt vào thành ghế, tò mò nhìn không dứt vào ống truyền chuẩn bị cắm vào tay mẹ. Ánh mắt bé gái 2 tuổi không giấu nổi sự lo lắng.
Bé Mít lo lắng đứng cạnh khi mẹ chuẩn bị hiến máu. Ảnh: Quốc Toàn .
“Mẹ không sợ đâu, bình thường ấy mà”, chị Ngân nhìn con gái, cười thật tươi để bé bớt lo.
Hiến máu lần đầu tiên vào năm 2013 trong một chương trình vận động của trường đại học, tính cả lần này, chị Ngân đã hiến máu tổng cộng 10 lần. Không rõ có phải duyên số hay không, người chồng đồng hành cùng chị, anh Trần Văn Hùng (30 tuổi) cũng có cho riêng mình 3 lần hiến máu. Hai người nhiều lần hẹn nhau cùng đi hiến máu nhưng đến nay mới có cơ hội đầu tiên.
“Tôi vẫn luôn nghĩ máu rất quan trọng với mọi người. Trong một số tình huống đặc biệt, máu còn trở nên quan trọng hơn. Suy nghĩ đơn giản như vậy nên tôi cũng muốn dành máu của mình cho những người đang cần”, chị Ngân tâm sự.
Người mẹ trẻ cũng tự nhận bản thân luôn muốn tham gia các hoạt động thiện nguyện, từ đó, lan tỏa những điều tốt đẹp tới người xung quanh. Trong các lần hiến trước, chị Ngân không chủ động hiến tặng một cá nhân cụ thể và chỉ đơn thuần mong muốn máu của mình đến với bệnh nhân thực sự cần.
“Tôi cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa và muốn lan tỏa nó tới cả gia đình, đặc biệt là em bé. Tôi muốn bé biết nhiều thứ hơn kiến thức được học ở trường, biết yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh”, chị Ngân nói rồi quay sang nhìn Mít.
Hơn cả “3 đời”
Ông Nguyễn Xuân Quán (65 tuổi, ngụ Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng có mặt rất sớm tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương trong sáng 25/6. Gia đình ông Quán đã có tổng cộng hơn 40 lần hiến từ 8 thành viên gồm vợ chồng ông Quán, 2 người con trai cùng vợ và 2 cháu.
Không chỉ riêng gia đình, ông Quán cùng vợ đã thường xuyên, tích cực vận động những người xung quanh tham gia hiến máu suốt 10 năm qua khi hiện tại, vợ chồng ông đã quá tuổi hiến.
Ông Nguyễn Xuân Quán có mặt từ sớm tại buổi gặp mặt gia đình hiến máu tiêu biểu năm 2022. Ảnh: Quốc Toàn .
“Tôi đã có cơ hội và tham gia hiến máu liên tục trong khoảng 15 năm trước khi phải dừng cống hiến từ năm 60 tuổi. Sau khi về hưu, tôi tham gia hội cựu chiến binh ở phường và quận. Vợ tôi cũng tham gia chi hội phụ nữ ở địa phương. Nhờ đó, tôi cùng vợ có thêm cơ hội để vận động, không chỉ con, cháu trong nhà, mà cả các gia đình khác, những cháu sinh viên thuê trọ ở gần đó tham gia hiến máu”, ông chia sẻ.
Trên thực tế, việc vận động của ông Quán gặp nhiều khó khăn khi nhiều người vẫn có quan niệm hiến máu có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, nhất là những bạn sinh viên trẻ, chưa có nhiều hiểu biết về vấn đề này.
Ông kể: “Những lúc đó, tôi phải cố gắng giải thích việc hiến máu còn giúp cơ thể tái tạo dòng máu mới, từ đó thể lực tốt hơn. Tôi khuyên các cháu cứ hiến thử xem sao. Sau khi trở về, thấy sức khỏe tốt, các cháu cũng phấn khởi, tôi cũng vui lây”.
Từ khi nhận thức được việc hiến máu nhân đạo có lợi cho mọi người, ông Quán tự nhủ bản thân cũng như gia đình, thậm chí cả xã hội, nên có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
“Phải làm sao khi người ta gặp hoạn nạn nhưng vượt qua được, đó là niềm hạnh phúc của mình và cả họ. Nếu chúng ta vô cảm, tôi nghĩ cuộc sống sẽ không còn hạnh phúc. Mỗi giọt máu cho đi là một con người ở lại. Đó thực sự là điều tuyệt vời với cá nhân và nhân loại”, ông Quán cười tươi.
Tương tự ông Quán, gia đình ông Lê Đình Duật và bà Lê Thị Kim Dinh (76 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) thậm chí đã có tới hơn 500 lần hiến với tổng cộng 7 thành viên tham gia gồm vợ chồng ông, 2 người con gái, một người con trai, một con dâu và một cháu ngoại.
Ông Lê Đình Duật tự hào khoe tấm ảnh chụp cả gia đình hiến máu của mình. Ảnh: Quốc Toàn .
Ngoài gia đình, gia đình ông cũng đã vận động được 1.076 người hiến máu trong suốt 22 năm qua với 989 đơn vị máu an toàn.
Ông Duật tự hào: “Hiện tại, tôi có trong tay danh sách của khoảng 60 người sẵn sàng hiến máu khi cần, như một đơn vị hiến máu thu nhỏ dự bị cho bệnh viện và chuẩn bị hướng tới mốc 1.000 đơn vị máu an toàn được hiến”.
Liên quan vấn đề này, tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, khẳng định ở những thời điểm khó khăn nhất, đặc biệt là dịch Covid-19 vừa qua, viện đã luôn nhận được sự đồng hành của những cá nhân, gia đình nhân ái.
“Trong số những đơn vị máu Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận hàng năm, rất nhiều gia đình đóng vai trò như những hạt nhân, những người tiên phong, người lan tỏa truyền cảm hứng đi hiến máu tình nguyện”, TS Quế nói.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia. Ảnh: BVCC .
Theo vị lãnh đạo, số lượng gia đình hiến máu và hiến máu thường xuyên ngày càng tăng lên đã cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng của các gia đình ngày càng lớn.
“Nhờ có lượng máu tiếp nhận được từ đây, chúng tôi cơ bản đáp ứng được nguồn máu phục vụ cho người bệnh điều trị, đặc biệt là trong những giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19”, ông chia sẻ.