Giảm huyết áp
Theo một phân tích tổng hợp năm 2020 của các nghiên cứu, bổ sung kẽm làm giảm huyết áp tâm thu. Lưu ý rằng thiếu kẽm có liên quan đến huyết áp cao trong các nghiên cứu trên động vật.
Giúp vết thương mau lành
Những người bị loét da và có lượng kẽm thấp có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung kẽm qua đường uống. Bôi kẽm tại chỗ có thể giúp vết thương mau lành bằng cách khuyến khích sản xuất collagen và hình thành các tế bào da mới, các chuyên gia cho biết.
Cải thiện khả năng miễn dịch
Kẽm là một chất dinh dưỡng được tìm thấy khắp cơ thể, giúp ích cho hệ thống miễn dịch và chức năng trao đổi chất của bạn. Bằng chứng cho thấy rằng nếu uống viên ngậm hoặc xi-rô kẽm trong vòng 24 giờ sau khi các triệu chứng cảm lạnh bắt đầu, chất bổ sung có thể giúp rút ngắn thời gian bị cảm lạnh.
Một lưu ý: Sử dụng thuốc xịt mũi có chứa kẽm không còn được khuyên dùng nữa - cách làm này đã khiến một số người mất khứu giác tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Với những đặc tính vốn có, kẽm sẽ giúp bạn cải thiện các triệu chứng ho, sốt, cảm lạnh...đem lại một hệ thống miễn dịch tốt. Ảnh: Ebh
Giữ làn da trẻ trung
Các loại kem dưỡng ẩm và kem chống nắng có chứa oxit kẽm được các bác sĩ da liễu khuyên dùng để ngăn ngừa tác hại của ánh nắng mặt trời, có thể gây lão hóa da sớm và thay đổi tế bào có thể dẫn đến ung thư da.
Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày với kem chống nắng khoáng chất (chẳng hạn như những loại có chứa kẽm hoặc titanium dioxide) được xếp hạng 30 SPF hoặc cao hơn.
Làm chậm quá trình thoái hóa điểm vàng
Các bác sĩ có thể khuyên bạn nên dùng kẽm để làm chậm bệnh về mắt AMD (thoái hóa điểm vàng do tuổi tác), xảy ra khi một phần võng mạc về thị lực bắt đầu suy giảm.
Nghiên cứu về bệnh mắt liên quan đến tuổi tác cho thấy những người bị thoái hóa điểm vàng có thể làm chậm tổn thương bằng cách bổ sung 80 mg kẽm, cùng với vitamin C, vitamin E, beta-carotene và đồng.
Hãy hỏi bác sĩ nếu bạn lo lắng về thị lực của mình và liệu việc bổ sung kẽm có thể hữu ích hay không.