Trong giai đoạn mang thai, mẹ bầu thường bị thiếu canxi. Nên bổ sung như thế nào cho đúng để bảo đảm sức khoẻ cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ?
Vai trò của canxi đối với phụ nữ mang thai
Canxi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nên xương, răng và đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nhiều chị em bị thiếu canxi khi mang bầu. Trong suốt thai kỳ, nhu cầu canxi tăng lên liên tục theo từng giai đoạn, cụ thể như sau:
- 3 tháng đầu, nhu cầu canxi rơi vào khoảng 800mg/ngày.
- Giai đoạn 3 tháng giữa của thai kỳ, nhu cầu là 1.000mg/ngày.
- Vào 3 tháng cuối thai kỳ và khi nuôi con bú, lượng canxi cần thiết tăng lên đến 1.500mg/ngày.
Trong thời kỳ có thai, mặc dù cơ thể của mẹ bầu đã phân giải phần nào hợp chất canxi có trong xương và phóng thích vào máu để đáp ứng nhu cầu tăng cao nhưng sự đáp ứng này thường là chưa đủ. Trên thực tế, phụ nữ mang thai cần nhiều canxi hơn thế và nhu cầu bổ sung canxi cho bà bầu càng tăng cao khi càng về những tháng cuối thai kỳ. Nếu không được đáp ứng đầy đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi không thể tránh khỏi những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển sau này như: hiện tượng chậm phát triển, bệnh còi xương bẩm sinh, chứng khò khè, dị dạng xương,...
Ảnh minh hoạ.
Canxi không chỉ quan trọng trong thời kỳ mang thai mà giai đoạn cho con bú cũng cần thiết không kém. Trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ, nếu không được bổ sung canxi, sữa mẹ sẽ kém chất lượng. Khi đó, trong 100ml sữa mẹ không có đủ 34mg canxi. Trẻ sơ sinh bị thiếu canxi sẽ có các biểu hiện như dễ bị giật mình, hay quấy khóc và ngủ không yên. Những biểu hiện này ngày một rõ, thường xuất hiện sau vài ba ngày, vài tuần hay thậm chí một tháng sau khi sinh.
Những biểu hiện cho thấy mẹ bầu đang bị thiếu hụt canxi
Mẹ bầu thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến cả cơ thể mẹ và thai nhi. Với mẹ, khi cơ thể không được bổ sung canxi kịp thời sẽ gây ra mệt mỏi và một số triệu chứng điển hình sau:
- Đau nhức các khớp : Khi mẹ bầu thiếu canxi có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức bắp cơ, tê chân, đau lưng, đau khớp, răng lung lay, chuột rút. Thậm chí mẹ sẽ bị co giật do hạ canxi huyết quá mức mà biểu hiện đặc trưng là co giật các cơ mặt và chi trên với bàn tay co rúm, các ngón tay chum lại giống như bàn tay người đỡ đẻ.
- Móng tay bị gãy: Đây là dấu hiệu dễ thấy nhất của việc thiếu canxi. Tương tự xương, móng tay cũng cần canxi để duy trì độ chắc khỏe. Ở mức độ này, sự thiếu hụt thể hiện rõ ràng khi móng tay trở nên ố vàng, có các vết nứt, móng tay mỏng đi và dễ gãy khi va chạm mạnh.
Ảnh minh hoạ.
- Răng và xương yếu: Canxi có vai trò chính trong việc phát triển hệ xương và răng của cơ thể. Do đó nếu thiếu canxi cơ thể sẽ phải lấy chất này từ xương bạn để cung cấp cho em bé, lâu dài sẽ gây ra tình trạng kém phát triển ở bé và loãng xương ở mẹ.
- Sữa mẹ kém chất lượng : Để chuẩn bị cho quá trình cho con bú, cơ thể người mẹ sẽ tích trữ canxi để phục vụ cho cơ chế tạo sữa. Thiếu canxi trong quá trình mang thai sẽ cản trở quá trình này.
- Với thai nhi, nếu mẹ bầu thiếu canxi thì rất có thể bé sẽ bị suy dinh dưỡng ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Mẹ thiếu canxi sẽ khiến hệ xương, răng của bé kém phát triển, hệ thần kinh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
- Ngoài ra, để xác định chắc chắn bản thân có thiếu canxi hay không, mẹ bầu nên đến bệnh viện làm kiểm tra xét nghiệm máu và nhận lời khuyên từ bác sĩ để kịp thời bổ sung canxi cần thiết hoặc dừng uống canxi nếu cơ thể đã thừa chất này.
Những lưu ý khi bổ sung canxi cho mẹ bầu
- Canxi có trong thực phẩm ăn uống hàng ngày và các thuốc bổ khác. Chính vì vậy, bà bầu cần chú ý hàm lượng canxi bổ sung vào cơ thể không được vượt quá 2.500mg/ngày để tránh quá liều, gây tăng canxi máu.
- Nếu cần thiết phải bổ sung canxi cho bà bầu dưới dạng thuốc qua đường uống, thuốc gì và liều lượng thế nào phải do bác sĩ quyết định. Bởi vì việc này đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ về y khoa.
- Ở những phụ nữ thiếu hụt canxi từ trước khi mang thai, việc bổ sung canxi còn giúp phòng ngừa nguy cơ tiền sản giật, đặc biệt ở những người thuộc nhóm nguy cơ cao bị tăng huyết áp.
Ảnh minh hoạ.
- Thường khi bổ sung canxi cho bà bầu, bác sĩ sẽ chỉ định kèm thêm vitamin D để tăng cường hiệu quả hấp thụ canxi. Tương tác giữa sắt và canxi có thể xảy ra khi bổ sung cùng lúc. Vì vậy, các bác sĩ thường khuyến cáo mẹ bầu nên sử dụng hai chất dinh dưỡng này cách nhau vài giờ thay vì đồng thời. Để thuận tiện, canxi có thể được bổ sung trong bữa ăn (từ thức ăn) và viên sắt có thể uống giữa các bữa ăn.
- Khi bổ sung canxi cho mẹ bầu, lưu ý không nên phối hợp cùng lúc với những thực phẩm như chocolate, trà, ca cao. Bởi vì những tương tác xảy ra có thể sẽ làm giảm hấp thụ canxi.
Bà bầu thiếu hụt canxi nên ăn gì?
Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa là nguồn cung cấp canxi dễ dàng và phổ biến ở mọi lứa tuổi. Một ly sữa vào buổi sáng là cách tốt nhất để mẹ bầu bắt đầu ngày mới. Ngoài ra, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai... cũng là nguồn cung cấp canxi dồi dào. Ngoài ra, phô mai và sữa chua có thể giúp tăng khả năng miễn dịch, hạ huyết áp, giúp duy trì cân nặng, giảm nguy cơ tiểu đường và một số bệnh khác.
Mẹ bầu cũng cần lưu ý không nhất thiết phải uống sữa dành riêng cho bà bầu. Bởi với nhiều mẹ bầu, loại sữa này khá khó uống. Mẹ có thể sử dụng sữa tươi, sữa hạt... để thay thế, miễn sao bổ sung sữa cho mình lúc mang thai.
Sữa rất giàu canxi cho bà bầu.
Các loại hải sản
Trong hải sản chứa rất nhiều chất, một trong số đó chính là canxi. Nếu bạn không bị dị ứng hải sản, hãy đa dạng bữa ăn của mình với tôm, cua, cá... thay vì ăn quá nhiều thịt. Mẹ bầu nên ăn hải sản thường xuyên để bổ sung lượng canxi thiếu hụt cho bản thân.
Các loại rau lá xanh
Lượng canxi trong các loại rau màu xanh (xanh đậm) không quá nhiều nhưng cũng là một cách bổ sung hợp lý. Ví dụ như rau chân vịt, cải xoăn... Đặc biệt súp lơ có hàm lượng calo thấp, dồi dào chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng như canxi và protein. Loại rau này còn có đặc tính giúp hạ huyết áp cao mà thai phụ thường hay gặp phải trong tam cá nguyệt thứ ba.
Rau có lá xanh cũng là thực phẩm bổ sung canxi.
Một số loại quả như kiwi, dâu tằm, chà là
Kiwi là một loại trái cây giàu canxi, không có cholesterol, ít đường và chất béo. Loại trái cây này rất giàu vitamin C, đó là lý do tại sao mẹ bầu nên tiêu thụ nó trong thai kỳ. Kiwi còn giúp ngăn ngừa các vấn đề về đường tiêu hóa, tiểu đường và các bệnh về tim mạch.
Theo khảo sát, 140g dâu tằm cung cấp cho cơ thể 55mg canxi. Bên cạnh đó, dâu tằm còn có hoạt tính chống tiểu đường và chống tăng lipid máu, giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ và xơ vữa động mạch (do lượng lipid cao).
Quả chà là có vị ngọt rất tốt cho sức khỏe. Chà là không chỉ giàu canxi mà còn có đa dạng các chất dinh dưỡng khác như sắt, magie và kali. Theo khảo sát, mỗi quả chà là chứa khoảng 15mg canxi.
Các sản phẩm từ đậu
Đậu phụ là một trong những thực phẩm giàu canxi mà mẹ bầu nên bổ sung trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, sữa đậu nành, chè đậu đen hay đậu hũ đều chứa hàm lượng canxi cao. Chính vì thế, đây cũng là một cách nạp canxi hiệu quả cho các mẹ bầu.
Các sản phẩm từ đậu cũng là nguồn bổ sung canxi.
Các loại thức ăn chứa vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể hấp thu canxi, mẹ bầu thiếu canxi nên tích cực ăn những thực phẩm giàu vitamin như bơ, gan, đặc biệt là lòng đỏ trứng...
Ngoài các món ăn, mẹ bầu nên bổ sung thêm thực phẩm chức năng theo lời khuyên từ bác sĩ nhé.
(Tổng hợp)
https://afamily.vn/nhung-bieu-hien-cho-thay-me-bau-dang-bi-thieu-canxi-nen-an-gi-de-bo-sung-canxi-kip-thoi-20220615103724366.chn
Theo afamily.vn