Chưa thể cai, người hút thuốc lá điếu ngày càng tìm đến các sản phẩm thuốc lá không khói
Hiểu rõ thuốc lá điếu là sản phẩm gây hại nhất, những người hiện đang hút thuốc lá điếu trên toàn cầu có xu hướng chuyển đổi dần sang những sản phẩm có hàm lượng các chất gây hại thấp hơn để thay thế và sau cùng tiến đến việc dừng hẳn hút thuốc lá điếu: liệu pháp nicotin thay thế gồm dán, xịt, kẹo nicotin và những sản phẩm thuốc lá không khói như thuốc lá ngậm snus, TLLN, TLĐT, v.v.
TLĐT: Gồm một thiết bị điện tử có chức năng hóa hơi thành phần dung dịch dành riêng cho thuốc lá điện tử, tạo ra làn hơi có bản chất là sol khí (aerosol) có chứa nicotin. TLĐT có hai dạng là hệ đóng và hệ mở. Trong sản phẩm TLĐT hệ mở, người dùng có thể bổ sung các hợp chất theo ý muốn. Đối với TLĐT hệ đóng, người dùng phải sử dụng đầu chứa dung dịch được nhà sản xuất thiết kế dành riêng cho thiết bị mà không thể thêm bớt hay điều chỉnh thiết bị, do đó tránh được các nguy cơ mất an toàn.
TLLN: Cũng có sử dụng thiết bị điện để làm nóng nguyên liệu thuốc lá thật để tạo ra nicotin cho người dùng, mà không diễn ra quá trình đốt cháy, không tạo khói, khi sử dụng thì thải ra phần lớn hơi nước, không chứa các phân tử chất rắn. TLLN khác biệt so với TLĐT ở hai điểm mấu chốt. Thứ nhất TLLN chứa hoàn toàn nguyên liệu thuốc lá và thứ hai là người dùng không thể tự ý thay đổi thành phần cấu tạo hay trộn bất cứ thứ gì khi đưa sản phẩm thuốc lá vào trong thiết bị để làm nóng.
Các chuyên gia dẫn chứng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra thành phần các chất độc hại trong sol khí của TLĐT và TLLN ít hơn từ 95% so với khói của thuốc lá điếu (nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Liên bang Đức về Đánh giá Rủi ro (Federal Institute for Risk Assessment - BfR) được tiến hành năm 2017; nghiên cứu của cơ quan Y tế Cộng đồng Anh (Public Health England) tháng 4.2018).
Thuốc lá ngậm snus: Không mùi và có thể được tẩm thêm hương vị. Loại thuốc lá này có nguồn gốc từ Thụy Điển. Có một số bằng chứng cho thấy những người dùng thuốc lá snus có ít nguy cơ mắc ung thư miệng, bệnh tim, ung thư phổi, đột quỵ, khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính hơn so với việc hút thuốc lá điếu thông thường.
Những người hút thuốc ngày càng hiểu rõ tính chất gây hại của thuốc lá điếu và từ đó chuyển đổi sang các sản phẩm với hàm lượng các chất gây hại thấp hơn.
Nhiều nước tiên phong dùng thuốc lá không khói để đạt mục tiêu “môi trường không khói thuốc”
Năm 2020, chính phủ New Zealand đã thông qua những quy định kiểm soát hoạt động kinh doanh và cung ứng các sản phẩm giảm tác hại bao gồm TLLN và TLĐT để thay thế cho thuốc lá điếu.
Theo đó, đạo luật mới của Nghị viện sẽ sửa đổi luật hiện hành về môi trường không khói thuốc, bao gồm việc hỗ trợ người hút thuốc chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm ít có hại hơn đáng kể được kiểm soát theo luật định.
Bộ Y tế New Zealand khẳng định: “Các sản phẩm TLĐT có tiềm năng đóng góp vào mục tiêu kiến tạo Tương lai Không khói thuốc vào năm 2025 và có thể phá vỡ sự bất bình đẳng nghiêm trọng hiện nay”.
Trước đó năm 2018, đảo Astypalea của Hy Lạp đã chính thức trở thành hòn đảo không khói thuốc. Cư dân và các khách du lịch đều được khuyến khích cai thuốc lá hoặc dùng các sản phẩm thay thế không khói thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế Hy lạp cũng đã sát cánh cùng chính phủ trong việc ủng hộ các giảm pháp giảm tác hại bằng những sản phẩm thay thế thuốc lá điếu một cách mạnh mẽ thông qua việc đưa ra các chính sách bảo vệ cả những người hút thuốc và cả những người không hút thuốc.
Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá không khói đang phổ biến và lan rộng trong cộng đồng từ nhiều năm nay thông qua đường xách tay, buôn lậu. Riêng TLĐT lậu đang có mặt ở thị trường Việt Nam hiện nay đa phần xuất xứ từ Trung Quốc đều là những sản phẩm thuộc hệ thống mở, chứa nhiều rủi ro nguy cơ với sức khỏe người dùng, cũng như gây ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng về khả năng giảm tác hại của TLĐT nói riêng, và cả ngành hàng về thuốc lá không khói nói chung.
Trong một bài viết mới đây, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho rằng, so với hút thuốc lá truyền thống thì TLĐT đúng là ít gây hại hơn. Tuy vậy, TLĐT, hay vape, mới phổ biến trong thời gian gần đây (thuốc lá điện tử được phát minh vào năm 2003) nên chưa có đủ thời gian để nghiên cứu về ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Tốt nhất không phải là người đang hút thuốc lá thì đừng bắt đầu dùng vape.
Để được FDA cấp phép, các công ty sản xuất TLLN, TLĐT phải chứng minh được sản phẩm của họ có lợi cho sức khỏe cộng đồng.
Trước sự tràn lan của thị trường lậu, theo BS. Khuất Thị Hải Oanh cần các cơ quan quản lý thị trường quản lý chặt sản phẩm này theo đúng các quy định như đối với sản phẩm thuốc lá, kiểm soát nguồn gốc, nhãn mác, các đơn vị được phép mua bán và đối tượng được mua. “Tất cả các sản phẩm chứa nicotin cần được dán nhãn cảnh báo gây nghiện trên bao bì và cần có các biện pháp để bảo vệ trẻ vị thành niên trước tác hại của thuốc lá” – BS. Oanh nhấn mạnh.