Trang Chủ > Sức khỏe > Nhớ những mùa trăng đi chân trần, rước đèn lồng tự chế

Nhớ những mùa trăng đi chân trần, rước đèn lồng tự chế

Sức Khỏe và Đời Sống
11/09/2022 08:44:09

“Nhạt nhẽo” - đó là từ tôi dùng để diễn tả cái Tết Trung thu thời nay. Đối với tôi bây giờ, Trung thu chỉ là những ngày tất bật đặt bánh tặng người thân, tặng các mối quan hệ trong công việc, đó mới là việc quan trọng. Nó không còn đúng nghĩa là một “ngày hội cho thiếu nhi” mà ông bà tôi đã gọi vào những ngày trước. Tết với Trung thu ngày xưa tuy giản dị nhưng ấm cúng hơn bây giờ rất nhiều.

Nhớ lại tuổi thơ, cứ qua rằm tháng 7 vài ngày thôi là mấy đứa trẻ trong xóm chúng tôi đã nôn nao chờ đợi bố mẹ mua cho những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, những chiếc đèn ông sao, hay những chiếc đèn lồng giấy… Bởi tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo nên chỉ những món quà đơn giản vậy cũng đủ làm tôi vui sướng đến tột cùng.

Nhớ những mùa trăng đi chân trần, rước đèn lồng tự chế-1

Trung thu xưa dù xa nhưng vẫn còn đọng mãi trong ký ức.

Ngày ấy, nhà tôi nghèo khó, đâu phải thích món đồ chơi Trung thu nào thì bố mẹ cũng đáp ứng. Năm nào tài chính không dư dả, bố lại tự tay làm cho tôi một chiếc đèn ông sao từ tre nứa và trang trí bằng những tờ giấy màu sắc thật đẹp. Tôi sung sướng cầm nó đi khoe khắp làng như thể mình vừa lập được một chiến tích vậy.

Ngày xưa khó khăn lắm. Có những năm, khi chiếc đèn ông sao đã chơi xong, bố tôi bảo giữ lại, ông mang gói gém gọn gàng để Trung thu năm sau cho tôi dùng tiếp. Nhưng tôi vẫn vui vẻ. Tôi hiểu cho bố mẹ tôi vất vả, nhà đông con, nên tôi không đòi hỏi nhiều.

Hồi ấy, tôi còn theo mấy đứa con trai trong xóm đi lượm lặt lon bia cũ mang về mày mò, tự cắt, tự thiết kế thành những chiếc đèn lồng xinh xinh. Lon bia thì sắc, loay hoay mãi, thế nào cũng bị cứa vào tay chảy máu. Nhưng hồi ấy tôi không biết đau. Chúng tôi cứ thế dành cả ngày tập trung mà làm, làm thật nhanh để hoàn thành những chiếc đèn tự chế “độc nhất” mang “thương hiệu” của riêng mình.

Có thể bây giờ, đời sống khá giả hơn nên tụi trẻ không cần phải mong ước như chúng tôi hồi bé. Thích gì là được nấy. Nhưng vậy cũng đâu có vui, cái niềm khao khát, cái mòn mỏi mong chờ xem Trung thu năm nay có được mua một món đồ chơi nào không nó xao xuyến đến kỳ lạ. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ của những đứa trẻ miền quê nghèo mà tôi chắc rằng không một đứa trẻ nào bây giờ có thể cảm nhận được. Giờ thì hiện đại quá rồi, nhiều đồ chơi điện tử cũng ra đời. Cảm giác tụi nhỏ bây giờ mất đi cái gọi là tuổi thơ thật sự.

Hồi tưởng lại, ngày đó vui nhất là đêm Trung thu. Lũ trẻ chúng tôi được tụ tập ở một khoảng sân rộng của nhà văn hóa thôn để nhận những cái bánh, cái kẹo và cùng nhau phá cỗ đêm rằm. Bánh kẹo thì quý giá vô cùng. Cầm được một bịch về, kiểu gì cũng phải để dành ăn từ từ. Đứa nào đứa nấy mặt mày hớn hở, chân đất nhem nhuốc, quần áo lấm lem, vậy mà vẫn cứ vui trọn vẹn niềm vui trong cái tết của riêng mình.

Rồi khi ánh trăng tròn vành vạnh lên đến nơi cao nhất, sáng nhất trên bầu trời, cả xóm tắt điện, chỉ còn những ánh nến lung linh xanh, đỏ, tím, vàng, hoà cùng nhau chiếu sáng cả vùng quê nghèo. Cả đám trẻ con chúng tôi nô nức đi rước đèn, đốt đuốc, gọi nhau í ới, vừa đi vừa hát nghêu ngao: “Tết Trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm…”. Tiếng nói cười rôm rả của chúng tôi cùng tiếng chó sủa làm huyên náo cả một góc trời.

Đêm trăng rằm ngày ấy, chúng tôi chơi tới khuya, mệt lả mới chịu về. Không có điện thoại, không cần check in sống ảo, không cần đăng ảnh lên mạng xã hội khoe khoang, nhưng ai cũng vui vẻ.

Năm nay, Trung thu lại đến, một mình ở phố thị xa nhà, lặng lẽ nhìn những đứa trẻ rước đèn tháng 8, trong tôi lại ùa về đủ mọi cung bậc cảm xúc. Miền ký ức lại nhức nhối những nhớ thương. Tôi nhớ về một tuổi thơ ngọt ngào với những mùa Trung thu đi qua bên bạn bè, bên gia đình, bên người thân. Khi ấy, tôi lại chỉ biết mỉm cười. Tôi đã từng có những cái Tết Trung thu vui đến như vậy! Và Trung thu xưa dù đã xa nhưng không bao giờ phai nhoà trong ký ức của tôi.