Nhiều người mắc cúm A, B ở Hà Nội có các biểu hiện đau đầu dữ dội, nóng lạnh thất thường, cắt sốt được vài tiếng lại sốt lại.
Bác sĩ khám cho bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm
Sợ cúm A, B hơn Covid-19, nhiều người tự điều trị cúm A tại nhà không khỏi phải nhập viện
Những ngày vừa qua số ca mắc cúm A,B tại Hà Nội liên tục tăng mạnh. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tháng 7, thành phố tiếp tục ghi nhận thêm gần 900 ca mắc cúm, nâng tổng số ca cúm trong 2 tháng 6 và 7 lên hơn 1.700 ca, xấp xỉ tổng số ca cúm 5 tháng trước đó cộng lại. Nhu cầu tiêm vaccine cúm của người dân tăng cao, tuy nhiên, vaccine này tại nhiều đơn vị tiêm chủng đang trong tình trạng hết hàng, khan hiếm.
Mắc cúm 2 tuần, chị Thái Hà (28 tuổi, tại Long Biên, Hà Nội) vẫn còn "hãi" khi nhớ lại những ngày bị cúm "hành". Chị Hà cho biết chị phát hiện bị cúm vào đầu tháng 7. Sáng dậy chị xuất hiện các triệu chứng ho và hắt xì nhiều nhưng vẫn đi làm.
Đến trưa, chị thấy trong người ấm nóng dần, đến chiều thì mệt không đi lại nổi. Chị sốt suốt 2 ngày sau đó. Chị test Covid-19 âm tính nên gọi dịch vụ test cúm A tại nhà và được xác định dương tính với cúm A.
Những ngày vừa qua nhiều người mắc các bệnh cúm, sốt xuất huyết gia tăng ở Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm
Hai ngày đầu, chị Hà sốt 38,5 độ nên rất mệt, nằm trên giường cả ngày. Chị uống thuốc hạ sốt nhưng khoảng 2 tiếng lại sốt tiếp. Cứ thế một ngày, chị Hà uống tới 4 lần hạ sốt (liều tối đa). Song song với đó, chị bị đau đầu và ho rất nhiều, ho nhiều tới nỗi đau ngực. Chị dùng viên ngậm và bổ phế để trị ho.
Đặc biệt là lúc nào chị Hà cũng thấy lạnh dù đắp nhiều chăn, trong người sốt nóng nhưng bên ngoài lại thấy ớn lạnh rất khó chịu. Chị cũng uống điện giải oresol và nước cam, nước dừa liên tục.
bệnh nhân mắc cúm A liên tục sốt cao trong nhiều ngày. Ảnh: NVCC
Trong những ngày cúm, chị cũng cách ly người nhà, ai vào phòng cũng phải đeo khẩu trang nếu tiếp xúc. "Sau 1 tuần điều trị, mặc dù đã âm tính với cúm nhưng vẫn còn ho và sổ mũi, người vẫn mệt mỏi, thấy còn mệt và dai dẳng hơn cả đợt bị Covid-19. Đặc biệt là dù không mất vị giác nhưng ăn uống không thấy ngon miệng, không muốn ăn gì", chị Hà nhớ lại.
Tương tự như chị Hà, trao đổi với
PV Báo
, chị Triệu Thị T. (26 tuổi) hiện đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ, chị bị cúm A sốt dai dẳng 1 tuần, dù có uống hạ sốt cũng không hạ bao nhiêu và còn sốt rét nên khó chịu hơn nhiều so với sốt do Covid-19.
Đơn thuốc bác sĩ kê cho chị T. khi mắc cúm A. Ảnh: NVCC
"Việc bị sốt do cúm A khiến nhiều người nghĩ mình bị sốt xuất huyết nếu không đi bệnh viện xét nghiệm. Tôi bị lây từ bạn cùng phòng, bạn ấy bị sốt 4 ngày, sau đó bạn ấy khỏi được gần 1 tuần thì tôi mới phát bệnh. Ban đầu tôi chỉ bị rát họng rồi đến tối bắt đầu sốt, dần dần bắt đầu cơn sốt cao hơn 39 độ, tôi uống thuốc cũng không hạ là bao nên quyết định đi bệnh viện. Trước khi đi tôi tự test Covid-19 xem có bị mắc lần 2 không nhưng vẫn âm tính nên quyết định đi bệnh viện", chị T. kể lại.
Theo chị T., bị cúm A khiến chị rất mệt, đau đầu, chóng mặt, sốt cao không hạ, khó thở… Sau khi có kết quả biết mình bị cúm A vì cũng chưa đến mức phải nhập viện nên chị T. được về nhà tự theo dõi.
"Tôi nghĩ nếu có biểu hiện sốt cao không hạ nên đi bệnh viện xét nghiệm để biết mình bị mắc bệnh gì, từ đó các bác sĩ sẽ tư vấn điều trị. Các triệu chứng này Covid-19 và sốt xuất huyết đều như vậy rất dễ nhầm lẫn nếu không xét nghiệm. Từ lúc tôi bị cúm A đến giờ cũng đã 12 ngày nhưng chưa thấy đỡ mệt chút nào. Triệu chứng sốt và rát họng không còn nữa, nhưng tôi lại chuyển sang ho. Hiện tại tôi vẫn chưa thể ăn được nhiều vì mệt, hắt hơi sổ mũi, xì mũi quá nhiều nên có lúc tôi bị chảy máu mũi nữa", chị T. mệt mỏi chia sẻ.
Khu vực cách ly cho bệnh nhân mắc cúm tại bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm
Một bệnh nhân cúm khác là chị Hoàng B. (29 tuổi, tại Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chị B. cho biết ngày 29/7, chị thấy ấm người, họng rát, ho, không sổ mũi. Đến đêm thì nhiệt độ lên 38,5 độ. Như thường lệ, chị tìm đến thuốc giảm đau hạ sốt nhưng đến nửa đêm thì đầu bắt đầu đau như búa bổ. Cơn đau đầu khiến chị không ngủ được và thức đến sáng.
Đến hôm sau, người chị vẫn sốt 38 độ, chị cố gắng uống nhiều nước, ăn hoa quả, oresol, hạ sốt, giảm đau. Lúc này cơ thể chị vẫn còn cố gắng được nhưng cũng thức trắng đêm vì đầu đau không thể ngủ nổi.
"Nhưng đến ngày thứ 3 thì mọi thứ khủng khiếp, mình không chịu được nữa. Mình cứ nghĩ rằng cúm thông thường không thể nào mà lại đau đầu khủng khiếp đến như vậy, đau không từ nào diễn tả nổi (uống hạ sốt, giảm đau không hề đỡ, phải nằm im một chỗ, chỉ cần cử động nhẹ là cái đầu như kiểu ai đánh trăm phát)", chị B. hãi hùng nhớ lại những ngày đầu.
Vì không chịu được nữa, chồng chị đã đưa ra phòng khám gần nhà kiểm tra, kết quả là cúm B. Bác sĩ dặn chị uống thuốc theo đơn và chịu khó ăn nhiều. Nhưng hơn một ngày đổi các loại đồ ăn từ hoa quả, nước, bún, phở, cháo... chị cũng không thể làm cho cái bụng yên ổn, ăn vào là nôn, hơn 1 ngày không thể nhồi nhét gì vào bụng, chị cảm tưởng như mình nghén lần 2 vậy.
"Sợ phải vào viện vì lời bác sĩ dặn không ăn được phải nhập viện, sợ kim tiêm quá nên lúc nào hết cơn nôn tôi lại ăn. Sau 4 ngày các triệu chứng đỡ hơn", chị B. chia sẻ.
Bác sỹ lưu ý khi điều trị cúm A tại nhà và cách phòng tránh cúm hiệu quả
Theo bác sĩ Phạm Thị Kiều Loan, Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hà Nội, bệnh cúm đặc trưng bởi sự khởi phát đột ngột của các triệu chứng như: sốt, ho, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, đau họng và chảy nước mũi. Tuy nhiên không phải trường hợp nào mắc cúm đều có đầy đủ các triệu chứng của bệnh, ước tính có khoảng 75% các ca nhiễm cúm không có triệu chứng điển hình.
Bác sĩ tiến hành lấy ven tay cho bệnh nhân. Ảnh: Gia Khiêm
Tuy nhiên, bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao mắc bệnh như: người cao tuổi, người mắc các bệnh mạn tính (như bệnh mạn tính ở tim, phổi, thận, gan hoặc máu), phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi và người có tình trạng ức chế miễn dịch (như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất hoặc Corticosteroid).
Trao đổi với
PV Báo
, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa cấp cứu, bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, việc cúm A hiện đang gia tăng có thể kéo theo các loại dịch bệnh khác cũng ngấp nghé xuất hiện trở lại. Trong đó, cúm B cũng đang là một trong những loại dịch có thể sẽ trở lại trong thời gian tới. Khi miễn dịch cộng đồng bị yếu đi, việc cúm B xuất hiện trở lại là điều tất yếu.
Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền từ động vật sang người như cúm A. Cúm B chỉ có thể gây bệnh cúm thông thường, không gây ra đại dịch. Tuy không phổ biến như cúm A và ít có khả năng gây dịch, nhưng cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với các nhóm đối tượng sức đề kháng yếu.
Với bệnh do virus cúm gây ra, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị riêng mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể kết hợp với việc bác sĩ xác định tình trạng bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra.
Ngoài ra, bác sĩ Thiệu khuyến cáo người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều hơn; giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát; uống nhiều nước, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày; bổ sung các loại khoáng chất, vitamin giúp tăng đề kháng, tăng miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng do virus.
Nguồn Tin: