Bệnh nhân nữ, 57 tuổi (Hà Nội) cho biết, cách đó vài ngày người bệnh có mua quả hồng về ăn. Sau đó chị xuất hiện tình trạng đau âm ỉ vùng bụng nên đến viện khám. Trước đó, người bệnh từng có tiền sử viêm loét dạ dày, viêm da cơ địa, từng cắt u xơ tử cung.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ đã nội soi dạ dày cho bệnh nhân phát hiện hang vị bờ cong nhỏ có nhiều ổ loét (kích thước 1,5x3cm), đặc biệt trong dạ dày có hai khối bã thức ăn lớn với kích thước lần lượt là 6x7cm và 2x3cm, rất cứng chắc.
Các bác sĩ đã nội soi dạ dày để gắp thức ăn ra tại phòng nội soi nhưng không thành công. Bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên phòng mổ, tiến hành nội soi dạ dày, dùng máy laser để phá nhỏ bã thức ăn nhưng cũng không thể xuyên phá được do khối bã thức ăn quá rắn chắc.
Ê kíp buộc phải phẫu thuật mổ mở mặt trước dạ dày để lấy khối bã thức ăn. Hiện sau mổ 1 ngày, nữ bệnh nhân đã ổn định.
Khối bã thức ăn được lấy ra từ dạ dày của bệnh nhân.
TS. BS. Đặng Quốc Ái - Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện E) cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều quốc gia đều ghi nhận các trường hợp ăn hồng gây tắc ruột.
Hằng năm đến mùa hồng, tại bệnh viện đều ghi nhận ca bệnh tắc ruột do ăn hồng. Có nhiều trường hợp tắc ruột điều trị không đỡ phải mổ để lấy khối bã thức ăn.
Cách đây một năm bệnh viện cũng ghi nhận trường hợp bệnh bệnh nhân 70 tuổi có tiền sử cắt 2/3 dạ dày nhập viện với biểu hiện tắc ruột . Được biết, trước khi nhập viện vài ngày bệnh nhân có ăn quả hồng ngâm .
Sau 2 ngày theo dõi và điều trị không đỡ, bệnh nhân đã được mổ nội soi để đẩy bã thức ăn xuống đại tràng, từ đại tràng khối bã thức ăn được đưa ra ngoài.
-
Quả hồng ngâm dễ gây tắc ruột, ai tuyệt đối không ăn?
Lý giải việc ăn hồng ngâm dễ bị tắc ruột, TS. Ái cho biết: Trong quả hồng có chất tanin gây vị chát và chất pectin, hai chất này có nhiều ở vỏ hồng. Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột.
Nếu ăn quá nhiều, nhất là vào lúc đói, các chất này cùng với hàm lượng chất xơ có trong quả hồng dưới tác dụng của axit dạ dày sẽ vón lại thành từng khối, nếu các khối bã thức ăn này không được đẩy ra ngoài theo đường bài tiết tự nhiên, chúng sẽ gây tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Do vậy, TS. Ái khuyến cáo người có tổn thương đường tiêu hóa, đã cắt một phần hoặc bán phần dạ dày, người cao tuổi, răng yếu, nhai không kỹ, nhu động ruột và tuyến nước bọt giảm thì không ăn hồng hoặc các loại thực phẩm giàu xenlulo già như măng, rau già…
Trẻ nhỏ ăn quả hồng cũng dễ bị táo bón, tắc ruột, nếu không được cấp cứu kịp thời, để lâu có thể gây thủng ruột.
Thực phẩm dành cho các đối tượng này phải được nấu chín, ninh nhừ và nhai kỹ. Ngoài ra những người sức khoẻ kém, người có bệnh mạn tính, người bệnh đái tháo đường không nên ăn quả hồng ngâm...
Những người bình thường nếu ăn quả hồng nên thận trọng: không ăn quá nhiều, nhai kỹ và không nên ăn quả hồng lúc đói.
Bão lũ còn diễn biến khó lường, Bộ Y tế yêu cầu cung ứng đủ thuốc chữa bệnh, duy trì phòng chống dịch
SKĐS - Những tháng cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó có 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11/ 2022. Bộ Y tế yêu cầu cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu, duy trì phòng chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết...