6h sáng, anh Nguyễn Văn Cường (Hà Nội) chuẩn bị hàng hoá để người giao hàng đến lấy mang đi. Mồ hôi nhễ nhại, chạy vào - ra, liên tục ghi chép, anh nói rất vui vì ngày càng nhiều người đặt hàng. Anh Cường bắt đầu công việc bán hàng online được ba tháng nhưng mọi thứ đều thuận lợi.
Bỏ bệnh viện, bán hàng online
Anh Cường chưa từng nghĩ bản thân sẽ làm công việc này. Cách đây 3 tháng, anh công tác tại một bệnh viện công ở ngoại thành Hà Nội. Vợ anh cũng làm ở đây. Gia đình anh từng là mơ ước của nhiều người vì không chỉ vợ chồng mà và cả bố cũng công tác trong ngành y. Anh cũng xác định gắn bó với công việc kỹ thuật viên phòng X-quang đến tuổi nghỉ hưu. Nhưng sau dịch COVID-19, anh gửi đơn xin thôi việc.
Người đàn ông này bảo quyết định đó không hề đơn giản. Thu nhập chỉ 4 triệu đồng/tháng, thời điểm tăng thêm cao nhất khoảng 6 triệu đồng/tháng. Cả cả 2 vợ chồng tính ra gần 10 triệu đồng/tháng. Giá cả ngày một leo thang, với đồng lương này, vợ chồng anh không đủ trang trải cuộc sống. Có đêm 2 vợ chồng cùng ca trực, con nhỏ phải gửi ông, bà chăm sóc.
Sau nhiều đêm trăn trở, anh rời bỏ “vùng an toàn” để đi tìm công việc mới với mong muốn có nguồn thu nhập tốt hơn để lo cho gia đình, con cái.
“Khi không thể trang trải cuộc sống thì dù có yêu nghề đến mấy, tôi cũng không thể tiếp tục cống hiến bởi còn gia đình, 2 con nhỏ, 3 tuổi và hơn 1 tuổi”, anh Cường tâm sự.
Hình ảnh người cha của mình đã nghỉ hưu sau bao năm công tác với mức 4 triệu đồng/tháng nhưng vẫn đi làm thêm để tăng thu nhập khiến anh xót xa. Anh từng nghĩ nếu tiếp tục công tác ở bệnh viện, một ngày nghỉ hưu, anh cũng như bố mình bây giờ.
Anh bắt đầu với công việc bán hàng online, đồ gia dụng và thời trang. “ Tháng cao điểm, thu nhập từ việc bán hàng online có thể bằng một năm làm ở bệnh viện” , anh nói.
Do đơn hàng nhiều, anh Cường phải thuê thêm 5 nhân viên khác để phụ giúp. Mức lương anh trả cho mỗi người khoảng 6 triệu đồng/tháng. Anh tự hào vì bây giờ có thể chăm lo tốt hơn cho gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần.
Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Minh Duy, bác sĩ hồi sức ở một bệnh viện công lập, xin nghỉ việc vì áp lực công việc quá nhiều mà thu nhập không tương xứng. Thu nhập của anh Duy khoảng 10 triệu đồng/tháng. Anh đang tìm hiểu làm một ngành nghề khác đỡ áp lực hơn mà thu nhập vẫn ổn định.
Nhân viên y tế làm công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Hà Nội. (Ảnh minh hoạ: Người Lao Động).
Bỏ viện công ra viện tư
Chị Ninh, nhân viên tại một trạm y tế, sau nhiều đêm trăn trở, cũng có quyết định mang tính bước ngoặt là rời bỏ vị trí đã gắn bó gần 10 năm. Công việc của nhân viên y tế tại trạm y tế rất vất vả, bận rộn với khám, chữa bệnh, truyền thông, tiêm phòng…
Đợt cao điểm của dịch COVID-19, mỗi ngày đơn vị xét nghiệm mấy trăm ca. Chị cùng đồng nghiệp ở trạm nhiều hơn ở nhà nhưng khi về, cũng không đủ tự tin để ôm con mình vào lòng, dù nhớ con da diết. Nhiều lúc, nước mắt cứ ứa vì thương và thấy có lỗi với con.
Sau 6 năm gắn bó tại một bệnh viện ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Tuấn (SN 1983) cũng mới viết đơn xin nghỉ việc. Lương thấp, áp lực công việc lớn, khiến anh ngày càng chán nản khi không lo được cho gia đình. Anh tìm đến bệnh viện tư, công việc cũng vất vả nhưng mức lương gấp ba lần hiện tại. Anh Tuấn tâm sữ đã suy nghĩ rất nhiều trước khi bỏ bệnh viện công sang cơ sở y tế tư nhân.
Thu nhập là vấn đề khiến nhiều nhân viên y tế trăn trở. Ông Đồng Đạo Khánh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội), chia sẻ, công việc tại trạm y tế thường ngày đã vất vả với các đầu việc như an toàn thực phẩm, tiêm chủng, truyền thông. Dịch COVID-19 bùng phạt, sự vất vả nhân lên gấp bội.
Đợt cao điểm, ông Khánh và đồng nghiệp phải chia nhau xuống cơ sở lẫy mẫu xét nghiệm đến đêm khuya. Xã Cổ Loa có trên 6.000 bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà, lực lượng y tế mỏng mà thường xuyên phải giám sát ngày đêm khiến họ gần như kiệt sức.
Nguy hiểm luôn rình rập nhưng thu nhập của họ rất thấp (khoảng 5-6 triệu đồng). "Thu nhập này chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu", ông Khánh nói.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc. (Ảnh: Sức Khoẻ Đời Sống).
"Rất buồn nhưng không còn cách nào khác"
Tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc không chỉ ở Hà Nội mà diễn ra trên cả nước. Theo TS Phạm Văn Dũng - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) - các y, bác sĩ, nhân viên xin nghỉ việc phần lớn do không chịu nổi áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại thấp, không đủ trang trải cuộc sống gia đình. Thực tế này không phải chỉ mới đây mà đã diễn ra từ nhiều năm nay tại các bệnh viện công lập hạng I của tỉnh Đồng Nai.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cũng nêu các lý do khiến nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt. Có người nghỉ do môi trường làm việc, thu nhập không như mong đợi.
"Qua đợt dịch, thu nhập của y, bác sĩ sụt giảm, việc nhân viên y tế nghỉ việc là điều khó tránh khỏi. Ngành y tế TP.HCM đang tập trung tham mưu các chính sách để hỗ trợ cho nhân viên y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở", bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, nói tại một cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM.
Theo GS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - nhiều bác sĩ đang làm việc trong tình trạng "không có cuốc để cày, hoặc giá cái cuốc 10 nghìn đồng thì chỉ cho người ta được dùng loại 3-4 nghìn đồng".
Bác sĩ lại phải đi lo thuốc, bảo hiểm y tế, họp hành, đề xuất mua thiết bị, trong khi lẽ ra họ phải được trang bị. Ở cơ sở tư nhân, họ không phải làm việc đó. Họ không dành ¾ thời gian đi làm những công việc không phải trách nhiệm cứu chữa người bệnh.
Chứng kiến các bác sĩ trong khoa ra bệnh viện tư làm, ông Bình nói rất buồn nhưng không còn cách nào khác. Ai cũng phải chăm lo cho gia đình, vì thế, cơ sở y tế công lập khó giữ được khi họ muốn ra đi tìm cơ hội tốt hơn.
Trong khi đó, theo PGS Nguyễn Hoài Nam - Giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM - bác sĩ nghỉ việc sau đại dịch là điều dễ hiểu. Dù là chuyển dịch thế nào thì tất cả cũng để phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân. Do đó, chúng ta không nên coi là chảy máu chất xám trong ngành y vì bản thân bác sĩ vẫn phục vụ người bệnh là người Việt.
Không chỉ vấn đề lương, bác sĩ dịch chuyển còn do môi trường công việc. Nhiều bác sĩ trẻ mới ra trường phải chứng kiến áp lực trong đại dịch khiến họ sợ. Chưa kể, nhiều bệnh viện chuyên khoa như mắt, sản cũng được điều đi chống dịch. Tuyến y tế cơ sở lại càng khó vì thu nhập thấp, bác sĩ ở đó cũng không thể mở phòng khám, làm thêm được và sau đại dịch người ta muốn rời bỏ để tìm công việc khác là điều dễ hiểu.
Tại một cuộc họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu.
Ông Tuyên cũng chỉ rõ nguyên nhân do áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay. Bình thường nhân viên y tế đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, hết dịch lại phát sinh việc khác, cộng với những thứ phát sinh, tồn đọng. Đặc biệt, môi trường làm việc có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua..
Theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022), 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong đó, năm 2021 là 5.284 người. 6 tháng đầu năm 2022 là 4.113 người (3.756 viên chức thuộc quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).
Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…
* Tên nhân vật đã được thay đổi