Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ Mỹ, độ dài trung bình của một chu kỳ kinh nguyệt sẽ là 28 ngày hoặc kéo dài từ giữa 21-38 ngày. Những người có chu kỳ kéo dài hơn thường có xu hướng rụng trứng muộn hay không rụng trứng trong mỗi chu kỳ. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai và kinh nguyệt vì khó xác định ngày rụng trứng. Dưới đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng rụng trứng muộn.
Căng thẳng
Trạng thái căng thẳng có thể tác động tiêu cực theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả nội tiết tố. Theo các nhà khoa học, tỷ lệ rối loạn kinh nguyệt đã tăng gấp đôi ở một nhóm phụ nữ tại Trung Quốc sau trận động đất 8 độ richter.
Tăng prolactin máu
Một nghiên cứu cho thấy tăng prolactin trong máu là nguyên nhân hiếm gặp của việc rụng trứng muộn. Theo các nhà khoa học, tình trạng này xảy ra khi cơ thể sản xuất mức prolactin cao hơn bình thường. Theo bài báo, tỷ lệ tăng prolactin máu dao động từ 0,4% trong dân số nói chung.
Cho con bú
Khi bước vào giai đoạn đang cho con bú, cơ thể của người mẹ sẽ ngừng kinh nguyệt và không xảy ra quá trình rụng trứng một cách tự nhiên. Do không bài tiết kinh nguyệt nên nhiều thai phụ thường xem giai đoạn này như một hình thức kiểm soát sinh sản. Theo các chuyên gia y tế, giải pháp này không hoàn toàn hiệu quả vì có khoảng 2% phụ nữ đã mang thai trong 6 tháng sau khi sinh.
Rụng trứng muộn thường dẫn đến nguy cơ vô sinh ở nữ giới. Ảnh: Freepik
Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp thường tác động đến tuyến yên. Đây là một vùng ở não chịu trách nhiệm về một số các hormone cần thiết cho quá trình rụng trứng. Khi tuyến giáp hoạt động kém hoặc hoạt động quá mức có thể gây ra các vấn đề về rụng trứng.
Hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang (PCOS) là một trong các nguyên nhân gây vô sinh phổ biến cho phái nữ. Hội chứng này ảnh hưởng từ 5-12% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở Mỹ. Theo các chuyên gia y tế, đây là tình trạng hormone testosterone được sản xuất quá mức; từ đó gây ngăn cản buồng trứng phóng thích trứng và mang đến hiện tượng rụng trứng muộn.
Hướng điều trị
Việc rụng trứng muộn diễn ra thường xuyên có thể làm giảm khả năng sinh sản của một người và gây ra kinh nguyệt ra nhiều. Nếu các chị em nhận thấy các dấu hiệu như chu kỳ kinh nguyệt dưới 21 ngày hoặc kéo dài hơn 40 ngày; chu kỳ kinh dừng đột ngột; chu kỳ đau và chảy máu nhiều,... hay các triệu chứng của PCOS, suy giáp hoặc tăng prolactin trong máu thì nên đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Theo các chuyên gia y tế, khi các phụ nữ được chẩn đoán mắc PCOS hoặc suy giáp, việc điều trị có thể giúp điều chỉnh sự rụng trứng. Trong những trường hợp không xác định được nguyên nhân, các bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp điều chỉnh quá trình rụng trứng như: clomiphene (Clomid), letrozole (Femara),...
Cách cải thiện chu kỳ rụng trứng và kinh nguyệt
Ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn đầy đủ protein, sắt, kẽm, vitamin C và vitamin D sẽ giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra bình thường và giảm nguy cơ sẩy thai. Do đó, bạn hãy xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tránh rượu bia và không hút thuốc lá để giữ gìn sức khỏe. Bởi rượu có thể làm thay đổi nồng độ estrogen và cản trở quá trình cấy ghép của trứng.
Theo dõi cân nặng: Chất béo dư thừa trong cơ thể có thể gây ra sản xuất quá mức một số hormone làm gián đoạn quá trình rụng trứng. Do đó, mỗi người nên xây dựng thói quen rèn luyện cơ thể đều đặn để tránh tăng cân và cải thiện quá trình rụng trứng. Tuy nhiên, đừng cố sức tập quá mức vì có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.
Huyền My (Theo Medical News Today, Healthline)
Những quan niệm sai lầm về chu kỳ kinh nguyệt
Làm sao thụ thai khi kinh nguyệt không đều?