Thông tin tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trên thế giới, hiện biến thể Omicron đã ghi nhận chiếm chủ đạo với các nhánh phụ BA.2, BA.2.3, BA.2.3.2. Biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta. Điều này có thể làm tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới.
Tại Việt Nam, số mắc Covid-19 trong thời gian qua có xu hướng giảm mạnh nhưng số mắc mới tăng nhẹ trở lại trong những ngày qua tại một số tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế cho biết với diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới có thể xảy ra 2 tình huống.
Thứ nhất, chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng.
Thứ hai, xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả của vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh và tiếp tục truyền thông để người dân luôn có ý thức phòng, chống dịch.
Tồn đọng nhiều vaccine, nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ
Theo Bộ Y tế, tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 còn chậm, nhất là tiêm mũi 3, mũi cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine tại Trung ương và các địa phương dẫn tới nguy cơ hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Chẳng hạn tại Điện Biên, đến ngày 14/6 các địa phương trong toàn tỉnh còn tồn khoảng 51.000 liều vaccine phòng Covid-19; tiến độ tiêm rất chậm, nguy cơ cao phải hủy số vaccine này do quá hạn sử dụng. Trong khi đó, theo thông tin báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến hết ngày 16/6, tỷ lệ bao phủ mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên của tỉnh là 65%, vẫn còn khoảng 30% số đối tượng chưa tiêm mũi 3.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đến nay Tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia đều xác định vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch Covid-19. Trên thế giới, nhiều nước đã tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho người dân. Hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và một số quốc gia đã tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi.
"Hiện nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào khẳng định vaccine Covid-19 ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe người dân. Trong khi hiệu lực của vaccine giảm tương đối nhanh. Vì vậy, để duy trì hiệu quả bảo vệ, cần phải tiêm mũi 3, mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế", Thứ trưởng Hương nói.