Trang Chủ > Sức khỏe > Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa

Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa

Sức Khỏe và Đời Sống
21/06/2022 23:37:36

Liên tục ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết mới

Các ca mắc sốt xuất huyết ở ở Khánh Hòa xuất hiện nhiều ở các địa phương trong tỉnh này như: Cam Lâm; Nha Trang; Vạn Ninh; Ninh Hòa; Cam Ranh…Đặc biệt, trong những ngày gần đây thời tiết có nhiều biến đổi thất thường nên ca mắc tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Vậy nên, ngành y tế địa phương xác định cần phải giám sát và khống chế dịch bệnh một cách nhanh nhất.

Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa-1

Kiểm tra, hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết ở Khánh Hòa (Ảnh CDC Khánh Hòa)

  • Hà Nội cảnh giác với sốt xuất huyết

  • 6 triệu chứng sốt xuất huyết trở nặng không thể không biết

  • Sốt xuất huyết dễ trở nặng hơn khi từng nhiễm COVID-19

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, cộng dồn từ đầu năm cho đến hết ngày 19/6, tổng số ca mắc sốt xuất huyết ở tỉnh này là 616 ca. Trong đó, riêng tháng 5 đã ghi nhận 171 ca. Từ ngày 1 đến 19/6 đã ghi nhận 262 ca. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành y tế địa phương ước tính đến hết tháng 6 sẽ tăng lên đến trên 760 ca.

Một số hộ dân ở Cam Hòa (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) cho biết: Thời tiết nóng ẩm nên dễ tạo môi trường cho muỗi gây bệnh sinh sôi. Nhiều gia đình làm vườn còn có thói quen dự trữ nước lâu ngày trong các chum nhưng không súc rửa. Cũng may khi xuất hiện các ca bệnh, nhân viên y tế địa phương đã có mặt để hướng dẫn các biện pháp phòng dịch sốt xuất huyết. Bên cạnh đó lập đoàn giám sát dịch bệnh để xử lý, không để cho dịch bệnh lây lan thêm.

Tại một số khu vực ở Ninh Hòa (Khánh Hòa) khi xuất hiện dịch sốt xuất huyết người dân cũng đã được hướng dẫn phối hợp cùng các lực lượng liên quan để diệt loăng quăng, chặn việc dịch lây lan ra cộng đồng.

Cần nâng cao ý thức phòng sốt xuất huyết

Theo ước tính của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa, riêng từ đầu tháng 6 đến hết tháng sẽ có khoảng trên 400 ca mắc sốt xuất huyết (trong khi đó cả tháng 6/2021 chỉ ghi nhận 277 ca). Vậy nên, mỗi gia đình, người dân phải nâng cao ý thức, phối hợp chặt chẽ với các nhân viên y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết.

Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa-2

Hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết đến các gia đình (ảnh CDC Khánh Hòa)

Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa thì việc giám sát dịch, hướng dẫn phòng dịch được làm kỹ. Đảm bảo việc phun hóa chất thực hiện đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc-tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại nhiều địa bàn có nguy cơ. Tuy nhiên, các hộ gia đình, người dân cũng cần chủ động giữ vệ sinh, thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, vỏ dừa, lốp xe cũ để loăng quăng không có điều kiện sinh sôi.

Cùng với các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, các cơ sở khám, chữa bệnh ở Khánh Hòa cũng chuẩn bị tốt cho việc tiếp nhận, thu dung điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Việc điều trị hay chuyển tuyến phải được tiến hành nhanh chóng, hạn chế tối đa việc chuyển biến nặng đối với bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Nguy cơ bùng dịch sốt xuất huyết ở Khánh Hòa-3

Phụ nữ mang thai có truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết cho con không?

SKĐS - Thai phụ bị nhiễm sốt xuất huyết có nguy cơ trở nặng cao hơn những đối tượng khác. Một câu hỏi được nhiều người đưa ra, virus gây bệnh sốt xuất huyết ở phụ nữ mang thai có thể truyền sang con trong thời gian mang thai và sau sinh hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả trả lời câu hỏi này.