(Tổ Quốc) - Những người trẻ tuổi thường chủ quan, ít quan tâm đến chăm sóc sức khỏe. Nhất là đối với các cơ quan nội tạng như gan, thận hay bàng quang.
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất, nằm trong nhóm quan trọng nhất nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất của cơ thể con người.
4 chức năng chính của lá gan
Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều thiếu kiến thức, chủ quan trong bảo vệ, bồi bổ cũng như phòng tránh bệnh gan. Trong khí đó, lá gan đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và duy trì sự sống con người với 4 chức năng chính sau đây:
Chức năng chuyển hóa:
- Chuyển hóa glucid: được thực hiện thông qua quá trình tổng hợp glycogen dự trữ cho cơ thể và tăng phân giải glycogen để cung cấp cho cơ thể.
- Chuyển hóa lipid: Khi các axit béo đến gan sẽ được tổng hợp thành triglyceride, phospholipid, cholesterol ester sau đó từ các chất này gan sẽ tạo lipoprotein rồi vận chuyển đến các tế bào khắp cơ thể.
- Chuyển hóa protid: Gan dự trữ protein dưới dạng protein enzyme và protein chức năng, các protein phân giải thành axit amin vào máu rồi cung cấp cho tế bào trong cơ thể.
Chức năng tạo và tiết mật:
Mật được gan sản xuất ra, trung bình một ngày gan bài tiết 1 lít mật để nhũ tương hóa lipid và hấp thu vitamin tan trong dầu. Sau đó các ống dẫn mật sẽ đưa mật chảy xuống dự trữ ở túi mật, cô đặc túi mật và xuống tá tràng khi tiêu hóa.
Chức năng chống độc, thải độc:
Gan được ví von như hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các yếu tố độc hại nhờ khả năng chống độc và thải độc. Cơ chế chống độc của gan như sau:
- Giữ lại kim loại nặng như chì, đồng, thủy ngân… và thải ra ngoài
- Biến các chất độc thành chất không độc hoặc ít độc tố hơn bằng các phản ứng hóa học rồi thải ra ngoài theo đường mật hoặc đường thận
Chức năng dự trữ:
Ngoài việc cung cấp năng lượng cho cơ thể, gan còn đảm nhiệm chức năng dự trữ vitamin và khoáng chất như vitamin A,B,C,D,E, sắt và đồng.
5 việc cần làm để bảo vệ gan
Các bệnh về gan, bao gồm cả ung thư gan đang ngày càng trẻ hóa nhanh hơn do môi trường độc hại và nhất là lối sống không lành mạnh. Những người trẻ tuổi bị cuốn theo nhịp sống hiện đại, ăn uống thất thường, theo sở thích hoặc sinh hoạt không điều độ khiến bệnh gan có nhiều cơ hội tấn công hơn.
Vì vậy, nếu muốn gan trẻ lâu, hoạt động tốt và ngăn ngừa bệnh tật thì hãy thay đổi lối sống và tập cho mình 5 thói quen sau đây:
Sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý:
Sau mỗi bữa ăn, gan phải tăng cường hoạt động để chuyển hóa và dự trữ các chất dinh dưỡng. Vì vậy, sau khi ta ăn nên nghỉ ngơi yên tĩnh 30 phút để gan hoạt động tốt nhất.
Buổi tối nên đi ngủ trước 23 giờ để có được giấc ngủ sâu vào 1 - 3 giờ sáng. Bởi đây là thời gian tốt nhất để dòng máu trở về gan và nuôi dưỡng gan. Một số người vì công việc mà luôn phải làm việc vào ban đêm, những người này có nguy cơ mắc bệnh gan khá cao và hệ thống miễn dịch cũng sẽ bị giảm sút nhiều.
Duy trì tâm trạng tốt:
Áp lực, stress trong thời gian dài sẽ khiến cho quá trình thải độc của gan bị ảnh hưởng. Các nghiên cứu y khoa cũng chỉ ra rằng, việc hay cáu gắt, dễ nổi nóng không tốt cho sức khỏe nói chung và gan nói riêng. Chính vì vậy, bạn cần phải có phương pháp giải tỏa căng thẳng một cách hợp lý và hiệu quả.
Ảnh minh họa
Bạn có thể nghỉ ngơi, nghe nhạc, đọc sách báo, đi ngủ sớm, trồng cây hoặc tập luyện thể dục thể thao điều độ,… Miễn sao tạo cho mình một tâm lý vui tươi, lạc quan để không gây áp lực cho gan của bạn.
Không lạm dụng thuốc:
Ngày nay người trẻ có thói quen lạm dụng thuốc, chỉ hơi mệt mỏi, đau đầu… đã bắt đầu dùng đến thuốc kháng sinh. Điều này gây ra gánh nặng và làm tổn thương gan.
Đặc biệt, đối với một số thuốc gây hại cho gan như thuốc kháng sinh, tiểu đường, cao huyết áp, thuốc hạ mỡ máu, thuốc điều trị ung thư. Do đó trước khi dùng thuốc chúng ta cần tham khảo ý kiến bác sĩ, có thể sử dụng thêm các thuốc bổ gan, giải độc gan để bảo vệ gan khỏi tác hại của các thuốc.
Tránh xa rượu bia, thuốc lá:
Rượu bia và thuốc lá đều rất hại đối với toàn bộ cơ thể, nhất là với lá gan. Không chỉ làm suy giảm chức năng, lão hóa gan mà còn gây ra ung thư gan.
Nếu không thể tránh xa hoàn toàn thì người trẻ cũng cần học cách hạn chế hết mức có thể. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì chỉ nên uống tối đa 25ml/ngày (rượu 40 độ) và tuyệt đối không nên uống rượu khi đang mắc các bệnh về gan.
Bổ sung thực phẩm tốt cho gan:
Ngoài việc ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý, bảo đảm vệ sinh thì cũng nên bổ sung 1 số thực phẩm giúp thanh lọc, bồi bổ gan sau đây:
Ảnh minh họa
- Cà phê với lượng vừa phải.
- Bột yến mạch.
- Trà xanh.
- Tỏi, dầu ô liu.
- Quả hạch.
- Các trái cây như nho, bưởi, cam, táo, đu đủ.
- Một số loại rau củ như củ cải đường, mướp đắng, bông cải xanh, cà rốt.
Đặc biệt là nên tiêm vaccine phòng ngừa viêm gan và duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh về gan kịp thời.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Healthline, MSN
Khuê Lăng