Ông Nguyễn Hữu Ngôn đặc biệt đam mê sưu tầm các bài báo viết về Bác Hồ
Quả ngọt tinh thần
Khệ nệ vác một chiếc thùng xốp to bọc kín, ông Ngôn cho biết, có hơn chục chiếc đều dùng để đựng báo cũ. Trước đây, ông xếp trên giá nhưng sợ mối mọt và thời tiết làm hư hỏng nên gần đây đã tìm cách bảo quản bằng thùng xốp.
“Nhiều người đến cứ tưởng tôi buôn hoa quả vì nhìn thấy 2 hàng thùng xốp chất cao hơn đầu người. Tôi nói đùa, đó cũng là một thứ quả nhưng là quả ngọt tinh thần”, ông Ngôn ví von.
Quả ngọt là bởi gần nửa thế kỷ, từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò Hữu Ngôn của miền quê văn vật Hoằng Hóa đã say mê đọc báo, sưu tầm báo.
Ông Ngôn nhớ lại những năm học chuyên văn Hàm Rồng, ở cùng với người bác ruột là một nhà báo trong khu tập thể.
“Thời điểm đó, sách báo quý lắm. Bởi thông tin gần như ngoài chiếc radio ra thì chỉ có thể tiếp nhận được từ sách, báo. Mà sách, báo thì vô cùng hiếm. Chính vì thế, khi được đọc nhờ một tờ báo, một bài báo, có khi phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Cũng vì thế, tôi bắt đầu có thói quen gìn giữ, sưu tầm sách báo. Có những bài báo tôi đọc từ thuở thiếu niên, giờ vẫn còn giữ được. Cái gì có được trong gian khó mới thấy càng quý hiếm”, ông Ngôn lý giải khởi nguồn đam mê sưu tầm báo giấy của mình.
Báo giấy được ông Ngôn lưu giữ bằng cách bọc kín trong các thùng xốp
Dù rất đam mê nghề báo nhưng theo định hướng của người cha, vốn là cán bộ công đoàn giáo dục huyện, chàng trai Hữu Ngôn theo học sư phạm Văn rồi trở thành thầy giáo. Sau này, khi chuyển sang một số lĩnh vực công tác khác như: văn hóa, tuyên giáo, xuất bản nhưng chưa bao giờ ông Ngôn “dứt tình” với các trang báo.
Ngồi bệt xuống nền nhà, ông mải miết trải các trang báo cũ ra khoe. Theo cách ví von của ông, gia tài bộ sưu tập báo cũ của ông không thể tính số tờ, số trang mà phải hàng ngàn m2. Từ các tờ báo thời kỳ đầu của cách mạng như: Sự Thật, Độc Lập, Cứu Quốc, Nhân Dân, Lao Động đến các tờ Thiếu niên Tiền Phong, Người Giáo viên Nhân dân, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… đều được ông Ngôn xếp ngay ngắn trong các “hộp ký ức” của mình. Khách đến, chỉ cần nhắc “từ khóa”, ngay lập tức các thùng xốp sẽ được mở ra, không nhầm lẫn một tờ báo nào.
Gia tài báo cũ của ông Ngôn phải đo bằng... m2
Ông Ngôn đặc biệt thích sưu tầm báo Xuân và các bài báo viết về Bác Hồ. Cho đến nay, số báo sưu tầm được mà ông quý nhất chính là báo Nhân Dân số 5621, phát hành thứ 6, ngày 5/9/1969 đăng Thông cáo đặc biệt về lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Tôi đã sưu tầm được rất nhiều sách, báo, tem, tranh, ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Trong số đó, số báo đăng thông cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần được tôi giữ gìn cẩn thận hơn cả. Bởi đó là một thời điểm vô cùng xúc động cần phải được lưu giữ lại như một cách để bày tỏ niềm biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc”, ông Ngôn xúc động nói.
Đam mê sưu tầm báo đến mức những gì liên quan đến báo chí, ông Ngôn đều yêu quý. Vì thế, bộ sưu tập của ông còn có cả thẻ nhà báo qua các thời kỳ, các phong bì đựng báo gửi qua đường bưu điện từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Đặc biệt, món quà quý nhất trong bộ sưu tập báo chí của ông Ngôn chính là chiếc thẻ thông tín viên (tương tự như thẻ cộng tác viên ngày nay) của cha mình, một nhà giáo ham mê viết báo.
Thẻ nhà báo cũ của người bác ruột được ông Ngôn gìn giữ như "báu vật" của gia đình
Nuối tiếc những vàng son
Vẫn biết, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu của báo chí hiện đại. Bản thân cũng đã và đang là cộng tác viên cho một số tờ báo điện tử. Mặc dù vậy, theo ông Ngôn, viết bài cho báo giấy, đọc báo giấy vẫn có cái thú riêng của nó.
“Hồi xưa, chờ đợi một tờ báo giấy luôn có cảm giác hồi hộp như chờ một món quà tinh thần. Lên thành phố, nghe người bán báo dạo cất lên một tiếng rao: Ai báo đi! cũng cảm thấy xốn xang. Mấy năm gần đây sạp báo cũng dần thưa vắng”, ông Ngôn nuối tiếc chia sẻ.
Như để minh chứng cho sức hút của báo giấy, ông Ngôn dùng thao tác ghép măng sét qua các thời kỳ của một tờ báo địa phương để so sánh sự thay đổi tư duy biểu đạt của các họa sỹ thiết kế.
Ông Ngôn dùng thao tác ghép măng sét qua các thời kỳ của báo Thanh Hóa để so sánh sự thay đổi tư duy biểu đạt của các họa sỹ thiết kế
Là một người say mê nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống, ông Ngôn cho rằng, báo chí bây giờ tuy nhanh nhạy thông tin nhưng thông tin có chiều sâu văn hóa đang ngày một ít.
“Ngày xưa, có những bài trên báo giấy mang tầm vóc của một chuyên luận, chuyên khảo. Tờ báo không chỉ là phương tiện truyền tải thông tin mà còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa. Không ít tờ báo giấy thực hiện các chuyên đề giá trị như những pho sách quý”, ông Ngôn bày tỏ sự nuối tiếc.
Tiếc nuối là vậy nhưng theo ông, báo điện tử và truyền thông đa phương tiện đang là một xu thế tất yếu. Thế nên, để có thể lưu giữ lâu dài bộ sưu tập báo giấy khổng lồ của mình, ông Ngôn đang dần số hóa các trang báo cũ, lưu giữ thành các thư mục điện tử.
Mấy năm gần đây, ông cũng hiến tặng nhiều hiện vật quý, trong đó có tư liệu báo chí cho các bảo tàng, nhà truyền thống, thư viện khắp cả nước. Là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông Ngôn mong muốn những giá trị truyền thống được lan tỏa nhiều hơn đến cộng đồng.
Ông Nguyễn Hữu Ngôn, sinh năm 1961, tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Trước khi nghỉ hưu, ông là Giám đốc NXB Thanh Hóa. Ông Ngôn đam mê nhiều lĩnh vực như làm thơ, viết phê bình văn học nghệ thuật, viết báo, nhiếp ảnh, sưu tầm hiện vật cổ nhưng nổi bật hơn cả là nghiên cứu văn hóa truyền thống. Hiện ông đã xuất bản 14 đầu sách, nhận nhiều giải thưởng của trung ương và tỉnh Thanh Hóa.