Chuối là loại trái cây giàu dinh dưỡng, ngon miệng và tiện lợi. Tuy nhiên nhiều người cho rằng cho rằng ăn chuối có thể kích thích cơn đau dạ dày. Vậy người bị đau dạ dày có nên kiêng ăn chuối không?
1. Lợi ích của chuối đối với sức khỏe
Chuối là trái cây rất giàu vitamin và khoáng chất, chất xơ, đặc biệt là kali tốt cho sức khỏe.
Trong một quả chuối trung bình cung cấp đến 450mg kali, đáp ứng 13% nhu cầu kali mỗi ngày. Kali đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe tim mạch, kiểm soát huyết áp, làm giãn thành mạch máu và hạ huyết áp.
Một quả chuối chín cũng cung cấp cho chúng ta khoảng 3g chất xơ. Hầu hết chất xơ trong chuối là chất xơ hòa tan. Nó có thể giúp kiểm soát lượng cholesterol, huyết áp và giúp giảm viêm.
Chuối xanh có chứa nhiều tinh bột kháng, là chất có cấu trúc giống tinh bột nhưng không thể tiêu hóa ở ruột non bởi men tuỵ. Nó sẽ đi xuống và được tiêu hóa ở ruột già nhờ hệ vi khuẩn ở đây và hoạt động giống như chất xơ không hòa tan, tốt cho sức khỏe đường ruột. Tinh bột kháng cũng giúp giảm lượng đường trong máu.
Chuối rất giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Chuối cũng chứa một số vitamin quan trọng như: vitamin C, A, B6 giúp hỗ trợ trao đổi chất, cải thiện thị lực và tăng cường miễn dịch.
Khoáng chất magiê trong chuối cũng được chứng minh giúp kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu, đồng thời giữ cho xương chắc khỏe…
2. Ăn chuối có ảnh hưởng đến dạ dày không?
Theo TS. BS Trần Thị Bích Nga, nguyên Giảng viên chuyên khoa Dinh dưỡng Đại học Y Hà Nội, các nguyên nhân tiềm ẩn gây khó chịu cho dạ dày sau khi ăn chuối có thể do lượng tinh bột, do hội chứng ruột kích thích, dị ứng chuối hoặc không dung nạp fructose.
Theo nghiên cứu, độ chín có ảnh hưởng đến lượng tinh bột có trong quả chuối. Chuối chưa chín chứa lượng tinh bột nhiều hơn 12 lần so với chuối chín. Thực phẩm giàu tinh bột có thể khó tiêu hóa hơn và thường tạo ra khí trong đường tiêu hóa.
Nếu ăn chuối quá xanh hoặc chưa chín kỹ với số lượng lớn có thể gây ra các triệu chứng đầy hơi và chướng bụng. Điều này có thể dẫn đến cơn đau tương tự như đau dạ dày.
Chuối có chứa chất xơ hòa tan và sorbitol, có thể gây đầy hơi và khó chịu ở bụng ở những người có vấn đề về tiêu hóa. Chất xơ hòa tan hòa tan trong nước và dễ dàng lên men trong ruột già hơn chất xơ không hòa tan. Điều này có thể dẫn đến đầy hơi và chướng bụng ở một số người.
Những người bị hội chứng ruột kích thích có thể không thích hợp với một số loại thực phẩm khác nhau. Chuối thường gây ra vấn đề ở những người bị hội chứng ruột kích thích, bởi vì khi chuối bị phân hủy trong ruột, nó thường gây ra dư thừa khí. Đối với những người có hệ tiêu hóa bình thường, điều này thường không gây ra vấn đề gì nhưng nếu bị hội chứng ruột kích thích, bạn có thể bị đau bụng do đầy hơi sau khi ăn chuối.
Đối với trường hợp dị ứng, có một tình trạng được gọi là hội chứng dị ứng thực phẩm-phấn hoa có thể gây ra các triệu chứng dị ứng khi bạn ăn chuối. Protein trong chuối có đặc tính tương tự như phấn hoa cỏ phấn hương có thể gây thở khò khè hoặc đau bụng. Tuy nhiên có rất ít người bị dị ứng với chuối.
Một yếu tố nữa là do không dung nạp đường fructose. Fructose là một loại đường đơn được tìm thấy trong nhiều loại trái cây, trong đó có chuối. Một số người phản ứng xấu với đường fructose vì họ không thể phân hủy nó trong ruột dẫn đến đầy hơi chướng bụng và khó chịu ở dạ dày.
3. Người bị đau dạ dày nên ăn chuối như thế nào?
Thực tế thì ăn chuối rất tốt cho sức khỏe và hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu bạn có dấu hiệu khó chịu ở dạ dày sau khi ăn chuối thì rất có thể do các nguyên nhân như đã phân tích ở trên.
Để khắc phục tình trạng này, theo TS. BS Trần Thị Bích Nga, người bệnh nên áp dụng các cách sau:
- Chỉ nên ăn chuối chín, không ăn chuối xanh hoặc chưa chín kỹ vì lượng tinh bột kháng nhiều sẽ gây đầy hơi, tạo cảm giác khó chịu dạ dày.
- Nếu bạn bị đầy hơi, chướng bụng hoặc khó chịu dạ dày sau khi ăn chuối, nên cân nhắc hạn chế khẩu phần ăn. Ví dụ, thay vì ăn một hoặc nhiều quả chuối mỗi ngày, hãy bắt đầu bằng cách ăn một nửa quả chuối để xem các triệu chứng có cải thiện hay không.
- Không nên ăn chuối khi đói, nên ăn sau bữa ăn khoảng 30 phút.
- Nếu bạn không quen với chế độ ăn nhiều chất xơ, bạn nên điều chỉnh bằng cách tăng dần lượng chất xơ và uống nhiều nước hơn để giảm bớt các triệu chứng khó chịu ở hệ tiêu hóa.
Theo Thu Vân/SKĐS