Trang Chủ > Sức khỏe > Ngộ độc thực phẩm từ những thói quen sai lầm

Ngộ độc thực phẩm từ những thói quen sai lầm

Hà Nội Mới
26/06/2022 12:06:21

(HNMCT) - Thời tiết nắng nóng, thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn cộng với thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm gia tăng nỗi lo ngộ độc thực phẩm.

Ngộ độc thực phẩm từ những thói quen sai lầm-1

Ăn chín, uống sôi, chế biến thực phẩm sạch đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.

Vô tình gây họa

Ngộ độc thực phẩm xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó việc sử dụng một số loại thực phẩm "lạ" thời gian qua chiếm tỷ lệ cao. Đầu tháng 6, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mặc dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng bệnh nhân N.T.T. (60 tuổi, Hà Nội) đã tử vong do bị nhiễm nấm Aspergillus fumigatus sau khi ăn mối rang - món ăn “đặc sản” của địa phương, dẫn đến suy hô hấp, phải thở máy nhưng phổi co thắt nhiều, máy thở không thể giúp thông khí được.

Bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, nấm Aspergillus fumigatus ký sinh trên nhiều loại động vật, côn trùng và trong môi trường, khi cơ thể bị suy giảm miễn dịch, nấm có cơ hội phát triển và gây bệnh với các triệu chứng rất nặng (đặc biệt là hô hấp) với tỷ lệ tử vong rất cao. Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không ăn thức ăn được chế biến từ côn trùng.

Việc sử dụng côn trùng, củ quả rừng làm thức ăn khá phổ biến ở vùng cao, dễ gây ngộ độc và thậm chí là gây tử vong cho người sử dụng. Cách đây chưa lâu, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, điều trị cho 2 bệnh nhân nam 50 tuổi và 60 tuổi nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống một loại rượu ngâm với rễ cây tự đào trên rừng. Trước đó, một vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng đã xảy ra ở tỉnh Gia Lai khiến 1 người tử vong, 2 người phải nhập viện cấp cứu do ăn sâu ban miêu mình đen đầu đỏ. Hay như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn củ ấu tẩu.

Bên cạnh đó, thủ phạm gây ra ngộ độc còn là thức ăn đường phố, các hàng quán vỉa hè, quán “cơm bụi” thường sử dụng lại thức ăn thừa từ nhiều ngày, không bảo quản riêng thức ăn chín và thực phẩm sống. Ngoài ra, thói quen lưu trữ thức ăn từ sáng tới chiều tối, thậm chí để qua đêm trong môi trường bên ngoài hay tích trữ thức ăn sống - chín, rau củ, thịt cá... trong tủ lạnh cũng là nguyên nhân gây ngộ độc.

Đó là chưa kể một số người có tâm lý “tiếc của”, thấy thực phẩm có dấu hiệu bất thường nhưng vẫn tìm cách sử dụng, hoặc ăn đồ lưu cữu mà không đun lại...

Chuyên gia thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh cho hay, trong môi trường nắng nóng, nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, như vi khuẩn E.coli, vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột. Các thực phẩm có nguồn gốc động vật, giàu đạm và dầu như hải sản, thịt, sữa có nguy cơ ôi thiu cao nếu để trong môi trường nhiệt độ cao. Nếu để thức ăn đã chế biến mà không che đậy kỹ, các loại côn trùng có cánh (đa phần là ruồi) đậu vào thức ăn và đẻ trứng, trứng sau đó sẽ nở ra giòi.

Từ bỏ thói quen xấu

Thống kê của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm với 263 người bị ngộ độc, trong đó có 2 người tử vong. Cơ quan này cảnh báo, trong mùa hè nắng nóng, việc gia tăng sử dụng nước đá, nguyên liệu tươi sống, chế biến thức ăn không nấu chín kỹ, nấu xong không ăn ngay hoặc không đun lại sau khi bảo quản thức ăn quá 2 giờ... dễ dẫn tới ngộ độc thực phẩm.

Để hạn chế các vụ ngộ độc nguy hiểm, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, lưu ý: Người dân tuyệt đối không ăn các thức ăn lạ, không phổ biến; cần ăn chín, uống sôi. Tuyệt đối không ăn tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi, thực phẩm đóng hộp quá hạn hoặc có hiện tượng phồng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, khuyến cáo: Với rau quả ăn sống, cần phải rửa kỹ, ngâm nước muối 0,9% trước khi ăn. Các loại thực phẩm cần phải được nấu chín, khi chưa dùng đến hoặc thực phẩm thừa trong các bữa ăn mà muốn giữ lại thì chỉ để ở nhiệt độ của phòng không quá 2 giờ, sau đó cần cho vào tủ lạnh. Khi chế biến thực phẩm, cần đảm bảo vệ sinh tay, vệ sinh dụng cụ ăn uống, dụng cụ chế biến, sử dụng nguồn nước sạch. Nên ăn ngay sau khi chế biến, nếu chưa sử dụng thì cần bảo quản kỹ thực phẩm bằng cách che, đậy bằng hộp đựng, lồng bàn, tủ lạnh, tránh ruồi, muỗi, nhặng. Nếu để sau 2 giờ thì phải hâm nóng lại trước khi sử dụng.