(Tổ Quốc) - Nghỉ lễ 2/9, nhiều gia đình đi du lịch hoặc tụ tập với gia đình, bạn bè. Dưới đây, PGS.TS. Trần Đắc Phu chỉ ra những điều nên và không nên làm trong dịp lễ để có một kỳ nghỉ lễ an toàn, vui khỏe.
Người dân cả nước ta chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ 2/9. Chắc hẳn nhiều người đã lên kế hoạch đi du lịch hoặc tụ tập, đoàn viên cùng gia đình, bạn bè.
Tuy nhiên, trong dịp lễ này, có không ít yếu tố nguy cơ rình rập sức khoẻ của chúng ta, trong đó bao gồm dịch bệnh, nắng nóng,... Vậy làm thế nào để có một kỳ nghỉ lễ an toàn và bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình?
Tất cả sẽ được giải đáp tại chương trình Chuyện khó có bác sĩ với chủ đề “ Nghỉ lễ an toàn, vui khoẻ: Những điều nên và không nên ” cùng sự tham gia của PGS.TS. Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế .
Dưới đây là một số nội dung chính của chương trình:
COVID-19 và các bệnh hô hấp
Hỏi: Ở thời điểm hiện tại, COVID-19 có phải là điều mà chúng ta cần lo lắng không thưa PGS?
Đáp:
COVID-19 hiện vẫn là vấn đề cần quan tâm. Thời điểm hiện tại, các ca mắc COVID-19 đang tăng trở lại. Tuy nhiên, con số ngoài thực tế có thể cao hơn bởi nhiều người bệnh mắc COVID-19 không có triệu chứng và họ không xét nghiệm hoặc xét nghiệm dương tính mà không khai báo. Nhóm này vẫn có thể trở thành nguồn lây bệnh cho người khác.
Ở thời điểm hiện tại, sự hiểu biết về COVID-19 và năng lực phòng chống bệnh đã được nâng cao nên người dân cũng không cần quá lo lắng vì chúng ta vẫn đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên chúng ta vẫn cần phải áp dụng các biện pháp phòng tránh. Chúng ta nới lỏng nhưng không buông trôi thả lỏng. Đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, người bị suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm phòng vaccine. Những đối tượng này dễ trở nặng khi mắc bệnh, thường phải nhập viện điều trị và dễ có nguy cơ tử vong
Hỏi: Các dấu hiệu của COVID-19 hiện nay có khác trước không?
Đáp:
Các triệu chứng COVID-19 cơ bản vẫn giống với trước đây. Tuy nhiên cần lưu ý rằng biến thể Omicron mới có thể gây ra các triệu chứng nhẹ hơn nhưng có thể lây lan rộng hơn và nếu số ca mắc tăng thì số ca trở nặng hoặc số ca tử vong cũng có thể tăng lên.
Không chỉ vậy, kể cả khi đã tiêm vaccine hoặc đã từng nhiễm COVID-19 thì vẫn có thể tái nhiễm sau từ 4 - 6 tháng khi miễn dịch suy giảm. Vì vậy, người dân cần phải lưu ý bảo vệ bản thân và những người xung quanh, đặc biệt là bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Hỏi: Đi du lịch thì không thể tránh chỗ đông người. Vậy chúng ta có thể làm gì để phòng tránh tối đa nguy cơ?
Đáp:
Trong kỳ nghỉ lễ này, khi đi du lịch người dân vẫn cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa “thông thái” như:
- Đeo khẩu trang khi ở trong môi trường kín như xe ô tô, máy bay hoặc khi vào siêu thị,...
- Tiến hành khử khuẩn khi vào nhà hàng,...
- Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người, đặc biệt là với người lạ hoặc với những người nghi nhiễm COVID-19.
- Lựa chọn ăn ở ngoài trời thay vì ăn ở trong nhà.
Ảnh minh hoạ: PGS Trần Đắc Phu cho biết trong kỳ nghỉ lễ này, khi đi du lịch người dân vẫn cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa “thông thái”.
Hỏi: Ngoài COVID-19, còn những bệnh về đường hô hấp nào khác nữa mà chúng ta cần đề phòng trong kỳ nghỉ lễ này?
Đáp:
Ngoài COVID-19, người dân cũng cần phòng tránh các bệnh đường hô hấp như cúm A, ho gà, sởi, viêm phổi, thuỷ đậu. Áp dụng các biện pháp phòng bệnh COVID-19 cũng hữu ích cho các bệnh này.
Hỏi: Nếu lỡ tiếp xúc với những người có dấu hiệu về bệnh hô hấp trong chuyến du lịch, chúng ta cần làm gì?
Đáp:
Nếu lỡ tiếp xúc với những người có dấu hiệu về bệnh hô hấp, người dân không cần quá lo lắng mà nên chủ động theo dõi sức khoẻ của bản thân. Khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường, người dân có thể tiến hành test nhanh để xét nghiệm COVID-19.
Ngoài ra, người dân cần tăng cường phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc với người khác sau khi lỡ tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, đặc biệt là nhóm dễ bị tổn thương để tránh lây bệnh cho người khác.
Sốt xuất huyết
Hỏi: Sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước, đặc biệt một số địa phương có nhiều dịch vụ về du lịch như Đà Nẵng. Nếu đến đây thì người dân cần lưu ý gì?
Đáp:
Sốt xuất huyết là bệnh lây qua đường muỗi truyền. Vì vậy, dù bạn có tiếp xúc hay thậm chí ăn chung với người bệnh cũng sẽ không bị lây bệnh. Biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả nhất đó là tránh để bị muỗi đốt. Do đó, khi đi du lịch ở ngoài bãi biển hoặc đến những nơi có muỗi, người dân cần mặc quần áo dài tay, sử dụng các loại kem bôi chống muỗi, lựa chọn các khách sạn đã phun thuốc chống muỗi.
Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như sốt, đau nhức cơ, mệt mỏi,... người dân cần đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
Ảnh minh hoạ: PGS Trần Đắc Phu cho biết biện pháp phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả nhất đó là tránh để bị muỗi đốt.
Đuối nước
Hỏi: Đuối nước là một tai nạn thường gặp ở mùa hè. Đi du lịch hè chắc hẳn không thể thiếu tắm biển, tắm hồ bơi, chúng ta cần làm gì để phòng đuối nước?
Đáp:
Đuối nước là một vấn đề tương đối phức tạp. Để phòng ngừa đuối nước, người dân không nên chủ quan mà cần tự bảo vệ bản thân bằng cách:
- Không đi ra các khu vực nguy hiểm như khu vực nước sâu ở biển, khu vực nước xoáy ở suối, khu vực đang có lũ cuốn.
- Tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn ở khu vực biển, sông, suối, hồ bơi,...
- Mặc áo phao nếu không biết bơi
- Đi tắm biển cùng gia đình để mọi người cùng trông chừng lẫn nhau
Hỏi: Có thuật ngữ “đuối nước khô”. Có nguy hiểm như đuối nước bình thường không? Làm thế nào để nhận biết?
Đáp:
“Đuối nước khô” không phải là thuật ngữ y học. Đuối nước thông thường là do nước tràn vào đầy phổi gây ngạt thở dẫn đến tử vong. Đối với “đuối nước khô”, thông thường nước chỉ vào đến thanh quản, gây co thắt thanh quản khiến người bệnh không thở được, thiếu oxy, tím tái, có thể dẫn tới tử vong.
“Đuối nước khô” có thể đến nhanh hoặc đến chậm, bệnh nhân có thể phát bệnh sau một khoảng thời gian. Do đó, sau khi đi tắm biển về, người dân cần đặc biệt lưu ý đến các triệu chứng bất thường như tức ngực, khó thở để nhập viện điều trị kịp thời.
Hỏi: Khi phát hiện một ca đuối nước, chúng ta cần làm gì để sơ cứu bệnh nhân cho đúng?
Đáp:
Sơ cứu người bị đuối nước:
- Nếu người dân không biết bơi, tuyệt đối không nên mạo hiểm bơi ra để cứu mà nên ném phao, dùng gậy để kéo người đuối nước, hô hoán, hoặc tìm người trợ giúp.
- Tìm cách đưa bệnh nhân lên bờ và tiến hành các biện pháp sơ cứu ban đầu như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực đúng kỹ thuật trong khi chờ xe cấp cứu.
Ảnh minh hoạ: Khi phát hiện ca đuối nước, cần tìm cách đưa người gặp nạn lên bờ và tiến hành các biện pháp sơ cứu đúng kỹ thuật trong khi chờ xe cấp cứu.
Say nắng
Hỏi: Bên cạnh đuối nước, say nắng cũng rất thường gặp. Tuy nhiên, mọi người thường chủ quan với say nắng vì cho rằng chỉ cần ngồi 1 lúc là đỡ. Có đúng là như vậy hay không? Dấu hiệu nào là điển hình ở người bị say nắng?
Đáp:
Say nắng thường đỡ sau một lúc ngồi nghỉ. Tuy nhiên, đối với những người có sức khoẻ yếu hoặc tiếp xúc quá lâu dưới thời tiết nắng nóng có thể dẫn đến tình trạng sốt cao, rối loạn tinh thần, thay đổi chuyển hóa như mất nước, mất chất điện giải gây ra nhiều vấn đề sức khoẻ khác.
Hỏi: Phòng tránh say nắng như thế nào, nhất là khi các kỳ nghỉ lễ thường có các hoạt động ngoài trời?
Đáp:
Để phòng tránh say nắng người dân cần:
- Chuẩn bị ô che nắng.
- Hạn chế đi dưới thời tiết nắng nóng quá lâu, đặc biệt là khi sức khoẻ yếu.
- Chú ý bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể như nước hoa quả, nước bù điện giải.
Ngộ độc thực phẩm và những vấn đề về đường tiêu hoá
Hỏi: Các bệnh về đường tiêu hóa rất thường gặp ở các ngày nghỉ lễ, nhất là ngộ độc thực phẩm. Có không ít những thông tin cho thấy cả một đoàn du lịch phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Dấu hiệu sớm nhất để phát hiện mình bị ngộ độc là gì, thưa PGS?
Đáp:
Ngộ độc thực phẩm được chia thành 2 nhóm là ngộ độc hoá chất và ngộ độc do virus, vi khuẩn, nấm mốc.
Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trong vòng từ vài giờ đến vài ngày sau khi ăn. Mỗi loại ngộ độc sẽ có các triệu chứng khác nhau.
Triệu chứng điển hình của ngộ độc thường xảy ra ở đường tiêu hoá như đầy bụng khó tiêu, nôn mửa, đi ngoài. Ngộ độc hoá chất không gây sốt ở bệnh nhân trong khi đó ngộ độc do virus vi khuẩn lại gây ra sốt.
Hỏi: Khi phát hiện mình bị ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần xử lý như thế nào? Khi nào thì cần nhập viện?
Đáp:
Khi phát hiện bản thân bị ngộ độc thực phẩm, người dân cần theo dõi tình trạng sức khoẻ của bản thân. Chú ý bù nước, bù điện giải nếu xuất hiện tình trạng đi ngoài. Đặc biệt, khi thấy các triệu chứng có xu hướng trở nặng, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Hỏi: Trong kỳ nghỉ lễ, đặc biệt với những người đi du lịch, làm thế nào để chủ động phòng tránh các vấn đề về tiêu hóa, nhất là ngộ độc thực phẩm?
Đáp:
Để phòng tránh các vấn đề tiêu hoá và ngộ độc thực phẩm người dân cần:
- Lựa chọn các cửa hàng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Ăn uống điều độ, tránh ăn quá nhiều một loại thực phẩm.
Ảnh minh hoạ: PGS Trần Đắc Phu chỉ ra rằng người dân cần lựa chọn các cửa hàng sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch.
Hỏi: Khi đi du lịch, người dân nên chuẩn bị những loại thuốc nào?
Đáp:
Khi đi du lịch, người dân nên chuẩn bị những loại thuốc:
- Thuốc hạ sốt.
- Thuốc giảm đau.
- Oresol (lưu ý pha đúng cách).
- Thuốc điều trị đau bụng, đi ngoài như Berberin.
- Các loại thuốc không cần kê đơn khác.
- Bông, băng gạc.
…
PV