Ở Nghệ An , có rất nhiều bệnh nhân bị suy thận nặng từ các huyện vùng cao phải xuống TP Vinh , sống lay lắt ở các xóm "chạy thận". Thông thường, mỗi tuần, các bệnh nhân này phải 3 lần đến các bệnh viện trên địa bàn để thực hiện chạy thận nhân tạo – lọc máu ngoài thận. Phải điều trị lâu dài, không còn nhiều thời gian và sức lực để lao động kiếm sống, cuộc sống các bệnh nhân suy thận nặng hết sức khó khăn.
Chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân. Ảnh minh họa
Đơn cử như anh V.V.N. (41 tuổi, ở thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, Nghệ An) – bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại một bệnh viện ở TP Vinh chia sẻ: "Tôi bệnh tình nặng, phải thường xuyên chạy thận, bao nhiêu tiền của cũng khánh kiệt cả. Mặc dù có thẻ BHYT nhưng hàng tháng vẫn phải mua thêm thuốc ngoài danh mục BHYT. Dù tằn tiện, hàng tháng cũng phải chi thêm 4-6 triệu đồng tiền ăn ở, thuê trọ, thuốc men; nếu bệnh tiến triển nặng còn tốn kém hơn nữa".
Cuộc sống của bản thân người bệnh chạy thận nhân tạo phải nương tựa vào người thân. Anh V.V.N. ước ao: "Giá mà Trung tâm Y tế huyện (TTYT) có máy chạy thận nhân tạo thì tôi và gia đình đỡ khổ hơn. Lúc đó, bản thân vừa được ở gần nhà; ngoài thời gian chạy thận thì cũng có thể làm những việc nhẹ, kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và chạy chữa bệnh tật".
Chạy thận nhân tạo - lọc máu chu kỳ là phương pháp điều trị bệnh suy thận cấp hoặc suy thận giai đoạn cuối, khi thận không còn khả năng lọc bỏ chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Với tần suất chạy thận trung bình 3 lần/tuần và mức chi phí khoảng từ 100 – 150 triệu đồng mỗi năm thì đây là một gánh nặng cho bất cứ gia đình nào.
Theo đánh giá của ngành y tế, chạy thận nhân tạo là kỹ thuật không quá khó song chưa thể thực hiện thường quy tại tuyến huyện. Để đưa kỹ thuật này về giúp cho những bệnh nhân suy thận mạn tính có điều kiện khám, chữa bệnh gần nhà, đặc biệt là giảm chi phí, đòi hỏi các trung tâm y tế tuyến huyện phải có cơ sở hạ tầng, máy chạy thận, nhân lực ngoại thận - tiết niệu đồng bộ.
Chạy thận nhân tạo - lọc máu chu kỳ là phương pháp điều trị bệnh suy thận cấp hoặc suy thận giai đoạn cuối. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Lang Văn Thái, Giám đốc TTYT huyện Quế Phong chia sẻ: "Trung tâm cũng rất muốn phát triển kỹ thuật này để giúp cho bệnh nhân, người dân đỡ khổ nhưng cái cái khó nhất là phải có cơ sở hạ tầng và máy chạy thận. Có máy móc, cơ sở vật chất thì mới cử cán bộ đi học được. Muốn là vậy những không có nguồn lực đầu tư thì không thể thực hiện được".
Những năm trước đây, cái khó khăn nhất của y tế các địa phương vùng cao ở Nghệ An là thiếu bác sĩ. Song nhờ các giải pháp, chính sách thu hút, đào tạo, nên thời gian gần đây khoảng trống nhân lực đã được lấp đầy. Riêng TTYT huyện Quế Phong hiện đã có trên 70 bác sĩ; 13 trạm y tế xã, thị trấn của huyện có nơi còn có tới 2 bác sĩ. Bác sĩ đã nhiều nhưng việc phát triển thêm kỹ thuật mới ở địa phương vẫn khó khăn.
"Thời điểm này, chúng tôi đã thực hiện được khoảng gần 85% danh mục kỹ thuật tuyến huyện. 15% còn lại thì đang gặp khó do thiếu các loại máy móc cận lâm sàng… Vừa qua, thực hiện Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, TTYT huyện đã có thêm được 01 bác sĩ Nội khoa từ Bệnh viện Trung ương Huế về tăng cường.
Bác sĩ này cũng đã giúp cho Trung tâm phát triển thêm được 1 số kỹ thuật mới để điều trị cho bệnh nhân. Nhiều kỹ thuật khác, trung tâm dẫu rất muốn được học hỏi thêm song không thể bởi thiếu các máy móc thiết yếu, đồng bộ" - bác sĩ Lang Văn Thái cho biết thêm.
Việc "khát" kỹ thuật cao ở TTYT huyện Quế Phong cũng là tình trạng chung của y tế tuyến huyện vùng cao ở Nghệ An. Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn có khó khăn về nhân lực chất lượng cao.
Việc phát triển thêm kỹ thuật mới ở các đơn vị y tế tuyến huyện vẫn còn nhiều khó khăn.
Bác sĩ Đặng Tân Minh, Giám đốc TTYT huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho hay: "Nguồn nhân lực có thể đào tạo, nhưng triển khai thực hiện được các kỹ thuật cao là ít. Số lượng bác sĩ trình độ đại học tuy đủ nhưng hầu hết đều là từ y sĩ học lên. Việc tuyển được bác sĩ tốt nghiệp chính quy rất khó khăn. Mỗi năm, Sở Y tế cho chỉ tiêu tuyển 7 bác sĩ mà chỉ tuyển được 2 bác sĩ. Mặt khác, nhu cầu người dân thực hiện các kỹ thuật cao ngay tại tuyến huyện cũng không lớn. Đời sống kinh tế của người dân còn khó khăn nên công tác xã hội hóa rất hạn chế".
Các đơn vị y tế ở đồng bằng khó tuyển được bác sĩ
Lâu nay, những tưởng câu chuyện khó tuyển được bác sĩ tốt nghiệp đại học chính quy chỉ diễn ra tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thế nhưng thực tế thì ngay ở các địa phương đồng bằng, vùng thuận lợi như huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (đang phấn đấu trở thành thị xã) thì việc tuyển dụng bác sĩ về công tác cũng là bài toán khó…
Bác sĩ Phan Thanh Đồng, Giám đốc TTYT huyện Đô Lương cho hay: "Hiện nay, trung tâm có 206 cán bộ, nhân viên y tế, trong đó có 10 bác sĩ công tác ở Trung tâm và 19 bác sĩ ở trạm y tế. Toàn huyện hiện có 33 trạm y tế xã, thị trấn thì mới chỉ có 19 xã có bác sĩ, đạt 56%. Thời gian qua, việc tuyển dụng bác sĩ đã nhiều lần được thực hiện nhưng không có người đăng ký về làm việc…. Khắc phục điều này, Sở Y tế Nghệ An đã điều động 5 bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa về 5 trạm y tế xã chưa có bác sĩ; TTYT huyện Đô Lương cũng phải hợp đồng thêm 2 bác sĩ để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu của người dân".
Phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân ở tuyến huyện.
Ở TTYT là vậy, việc tuyển dụng nhân lực cao tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đô Lương cũng không khá hơn là bao. Bác sĩ Lê Đức Hải, Giám đốc BVĐK Đô Lương cho biết: Năm 2021, dù rất cố gắng nhưng bệnh viện chỉ tuyển dụng được 6 bác sĩ nâng tổng số cán bộ nhân viên bệnh viện lên 218 người, trong đó có 48 bác sĩ. So với yêu cầu về số lượng giường bệnh của Bệnh viện hạng II theo Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV, nhân lực bệnh viện vẫn đang còn thiếu, đặc biệt đội ngũ bác sĩ, bác sĩ chuyên sâu trình độ cao. Nhìn chung trình độ cán bộ vẫn chưa đạt theo tiêu chuẩn quy định.
Ở thời điểm này, BVĐK Đô Lương đang gặp không ít khó khăn, thách thức, đó là: Thiếu bác sĩ có đủ thời gian để được chứng chỉ hành nghề để làm việc; đội ngũ phẫu thuật viên đã nhiều tuổi, các bác sĩ trẻ còn cần thời gian để đào tao phát triển kỹ thuật mới… Áp lực cạnh tranh cao, ngân sách bệnh viện khó khăn để thu hút và giữ cán bộ giỏi.
Thông tin từ ngành y tế Nghệ An, không riêng gì Đô Lương mà các địa phương đồng bằng thành thị khác như Nam Đàn, Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò… cũng gặp khó khăn trong việc tuyển dụng bác sĩ và điều dưỡng. Các bác sĩ khi ra trường thường có xu hướng lựa chọn những đơn vị y tế lớn, tuyến tỉnh trở lên để làm việc nhằm có được đời sống kinh tế, cơ hội phát triển chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn.
Để ngành y tế phát triển thì chiến lược phát triển con người là quan trọng nhất. Nhìn nhận rõ những hạn chế, vướng mắc đang nảy sinh, thời gian qua Sở Y tế Nghệ An đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục, bao gồm: tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, giúp đỡ và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh; triển khai thực hiện Đề án đào tạo phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao tỉnh Nghệ An; ưu tiên tuyển dụng bác sĩ, thu hút nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nhân lực cho y tế tuyến dưới; tăng cường công tác đào tạo về chuyên môn, đặc biệt là chuyên khoa sâu.
Tuy nhiên, cần phải nói rằng, sự nỗ lực của riêng ngành y là chưa đủ. Để phát triển chiến lược con người nói chung, chuyên môn kỹ thuật cao nói riêng, rất cần có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự tự vươn lên của mỗi đơn vị.
Phẫu thuật cấp cứu bệnh nhân.
Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Đại đa số các cơ sở y tế tuyến huyện mới đang thực hiện được khoảng 65% danh mục kỹ thuật tuyến huyện. Điều này là chưa tương xứng với nhu cầu của người dân. Để thay đổi điều này cần phải tăng cường hơn nữa công tác đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật, bao gồm phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị. Các đơn vị cần chủ động vận dụng tất cả các nguồn lực để mua sắm trang thiết bị, đào tạo con người; chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong việc có cơ chế hỗ trợ thu hút bác sĩ về công tác, ngoài cơ chế chung của tỉnh, của ngành.
Người đứng đầu ngành y tế Nghệ An nêu ý kiến: "Ngành y tế vẫn luôn dành suất biên chế để tuyển bác sĩ. Năm nay chưa tuyển được thì để dành năm sau, không tuyển sai đối tượng để khỏa lấp chỗ trống. Bác sĩ không về công tác thì đơn vị, địa phương cần phải đi tìm để thu hút, tuyển dụng và đưa về đào tạo; không nên thụ động chờ họ về với mình".
Thu hút nhân lực y tế về vùng sâu, vùng xa - Khó vẫn phải làm
SKĐS - Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, ngoài trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực là cốt lõi, quan trọng.