Trang Chủ > Sức khỏe > Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư

Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư

Đại Đoàn Kết
27/08/2022 09:53:07
Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư-1

Tầm soát ung thư tại Bệnh viện K.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao

Cũng theo số liệu từ GLOBOCAN, tại Việt Nam các bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại - trực tràng. Ở nữ giới các bệnh ung thư phổ biến nhất là: Ung thư vú, ung thư đại - trực tràng, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư gan. Cụ thể hơn, ung thư gan ở nam giới chiếm 20,5% các ca mắc còn tại nữ giới, tỷ lệ này là 25,8%. Đối với ung thư phổi, tỷ lệ lần lượt là 18,9% ở nam và 9,1% ở nữ. Còn ung thư dạ dày chiếm 11,2% tỷ lệ mắc bệnh ở nam và 8,2% ở nữ. Bên cạnh đó, tính riêng ở nữ giới thì ung thư vú chiếm tỷ lệ áp đảo với 25,8% trường hợp mắc bệnh.

Theo nhận định từ các chuyên gia y tế, so với tỷ lệ chung trên thế giới thì Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất đối với: Ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại - trực tràng. Việt Nam cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nước có tỷ lệ ung thư dạ dày cao nhất thế giới. Bên cạnh đó, tỷ lệ ung thư gan tại Việt Nam cũng thuộc mức cao nhất thế giới, đặc biệt ở nam giới.

Đáng lo ngại hơn, số ca mắc và tử vong do ung thư tại nước ta đều tăng theo từng năm và hầu hết các bệnh ung thư phổ biến thường gặp tại Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Do môi trường sống và thói quen ăn uống

Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, GS. TS Mai Trọng Khoa - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nước ta đang ở giai đoạn già hóa dân số, người lớn tuổi nhiều hơn thì số ca mắc ung thư cũng cao hơn, bên cạnh đó, dân số nước ta vẫn đang tăng trưởng nên kéo các bệnh chung tăng theo, trong đó có ung thư.

Một nguyên nhân khác là kiến thức của người dân về các bệnh ung tăng lên và chất lượng cuộc sống được cải thiện. Người dân quan tâm sức khỏe nhiều hơn, chủ động thăm khám hoặc tham gia các chương trình thăm khám, tầm soát ung thư của xã hội, cộng đồng. Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển. Nếu như trước đây, chúng ta không có máy móc, xét nghiệm để phát hiện ung thư, hiện nay máy móc, thiết bị nhiều và kỹ thuật công nghệ cao giúp phát hiện khối u rất nhỏ ở giai đoạn rất sớm. Do đó, nhiều người phát hiện sớm ung thư.

“Bên cạnh đó, nguyên nhân số ca mắc ung thư tăng còn do môi trường sống - đây chỉ là một yếu tố trong rất nhiều nguyên nhân bởi có những quốc gia tiên tiến, môi trường được đảm bảo tỷ lệ ung thư vẫn tăng. Nhưng môi trường (nước, không khí…) ô nhiễm, kém chất lượng chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng gây nên ung thư và cũng không thể không nhắc tới nguyên nhân từ thói quen ăn uống của người Việt” - ông Khoa nói.

Trẻ hóa độ tuổi bệnh nhân mắc ung thư

Không chỉ tăng về số ca bệnh và số ca tử vong, một thực trạng đáng lo ngại tại nước ta là độ tuổi mắc ung thư đang ngày càng trẻ hóa. Mới đây, Bệnh viện K thông tin về trường hợp bệnh nhân nam (34 tuổi) vừa đến cơ sở y tế này khám do chán ăn, đau tức vùng hạ sườn phải... Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc ung thư gan giai đoạn muộn, khối u to 6-8 cm và nhiều khối u nhỏ xung quanh, tiên lượng nặng. Tại Bệnh viện Bạch Mai cũng từng ghi nhận bệnh nhân nữ (25 tuổi) bị tê yếu nửa người trái, co giật, nhập viện Bạch Mai phát hiện ung thư phổi di căn não giai đoạn 4. Bệnh nhân không có các triệu chứng như sốt, đau ngực, khó thở, ho ra máu..., tiền sử gia đình cũng không có bất thường.

Trong khi đó, những loại ung thư phổ biến khác như ung thư vú, ung thư dạ dày, thực quản, đại tràng đều đã ghi nhận những bệnh nhân còn rất trẻ. Thực tế tại Việt Nam hiện nay, độ tuổi khuyến cáo tầm soát ung thư dạ dày, thực quản, đại trực tràng hiện nay từ 40 đến 45 tuổi, thay vì trên 60 tuổi như trước.

Đặc biệt, số ca trẻ em mắc ung thư cũng đã có xu hướng gia tăng. Thông tin từ khoa Ung thư, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, so với những năm trước nơi này ghi nhận khoảng 400 bệnh nhi mắc ung thư mới mỗi năm thì hiện này con số này đã gia tăng lên khoảng 500-600 ca bệnh mới mỗi năm.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phát hiện bệnh ung thư ở trẻ sớm, người nhà phải cho các bé khám định kỳ thường xuyên. Nếu nghi ngờ con bị bệnh, phụ huynh cần đưa con đi làm các xét nghiệm máu, siêu âm để phát hiện các khối u kịp thời, khi bệnh chưa chuyển sang di căn thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Đối với người trẻ tuổi, cần có lối sống lành mạnh, tăng cường vận động và dinh dưỡng cân bằng. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá cũng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Tránh ăn nhiều mỡ, gia vị hay thức ăn bị mốc; tăng cường hoa quả, rau và các loại vitamin. Tiêm vaccine ngừa một số bệnh nhiễm trùng như viêm gan B, C và tiêm phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung.

Theo bác sĩ Hà Hải Nam - Bệnh viện K, có 3 tác nhân gây ung thư chính gồm: Tác nhân vật lý (tia bức xạ, ánh nắng mặt trời...); tác nhân hóa học (phẩm nhuộm...); tác nhân sinh học (vi khuẩn HP, viêm gan B...) có trong bia rượu, đồ ăn uống. Lối sống lười vận động, lệ thuộc máy tính, điện thoại, đi ngủ muộn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Chế độ ăn uống không lành mạnh ít rau quả, nhiều đạm, nhiều muối... Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lạm dụng chất kích thích... cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều.