Ông N.P.K 70 tuổi, trú tại Hà Nội được người nhà đưa vào cấp cứu tại BV Lão Khoa Trung ương trong tình trạng hôn mê. Ông K. có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Buổi sáng ngủ dậy ông thấy mệt, tay chân yếu nhưng con cái bận đi làm. Đến chiều về thì ông rơi vào trạng thái hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán ông bị tai biến mạch máu não thể nhồi máu não.
Thời gian vàng cấp cứu đã qua, bác sĩ chỉ còn sử dụng các biện pháp hồi sức cấp cứu khác để cứu bệnh nhân.
Trường hợp khác là bệnh nhân nữ 72 tuổi vào viện trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân cũng có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường. Bệnh nhân được chẩn đoán hôn mê do hạ đường huyết vì người bệnh vẫn uống thuốc đường huyết đều nhưng nắng nóng chán ăn không ăn uống gì gây hạ đường huyết.
Bệnh nhân điều trị tại BV Lão khoa Trung ương.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn các bác sĩ cũng ghi nhận tình trạng trẻ nhập viện vì nắng nóng. Đa số bệnh nhi nhập viện vì các triệu chứng viêm hô hấp trên, nôn ói và tiêu chảy.
Theo bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Khoa Nhi và đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Thanh Nhàn, hơn tháng trở lại đây, lượng bệnh nhi đến khám, điều trị tại khoa tăng đột biến, khoảng 150-200% so với 2 tháng trước.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nắng nóng bất thường, khiến trẻ em mắc các bệnh mùa hè gia tăng, trong đó có bệnh tay-chân-miệng. Đáng lo ngại nhiều cha mẹ chưa hiểu rõ về bệnh này dẫn tới trẻ được đưa đi cấp cứu muộn khi xuất hiện biến chứng.
BS Trần Đình Thắng, khoa Cấp Cứu, BV Lão khoa Trung ương cho hay, đợt nắng nóng này số bệnh nhân tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3 so với ngày thường. Đột quỵ chiếm 30-40% số bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ nặng nhiều hơn trước.
Cách phòng bệnh
Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhìn chung, mùa hè là thời điểm rất thích hợp cho trẻ học tập, khám phá, vui chơi và hoạt động thể chất, nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho nấm và các siêu sinh vật có hại phát triển, sinh sôi và lây lan mầm bệnh rất nhanh.
Bệnh mùa nắng nóng không thực sự đáng sợ nhưng nếu lơ là, chủ quan, không phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh sẽ có thể chuyển biến nặng.
Vì vậy, ngoài việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ môi trường sống lành mạnh, các bậc phụ huynh cũng cần chú ý theo sát trẻ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện và xử trí kịp thời.
Còn BS Thắng khuyến cáo trong đợt nóng nắng người cao tuổi cần hết sức thận trọng, nên hạn chế ra ngoài trời nắng. Người cao tuổi nên sử dụng điều hoà ở mức 25 độ C tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, đồng thời tăng cường dinh dưỡng bằng các món dễ ăn như canh, súp.
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần cho trẻ đi khám khi thấy con có biểu hiện như sốt cao từ 2 ngày trở lên, ho, khò khè, chảy mũi kéo dài, nôn, tiêu chảy. Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh, khó thở là những dấu hiệu phải đưa đến cơ sở y tế ngay. Bên cạnh đó, sai lầm lớn nhất các mẹ thường gặp là tự ý đi mua thuốc điều trị cho con trước khi đến bệnh viện khám, được bác sỹ tư vấn, chỉ định. Việc làm này có thể vô tình kéo dài thời gian điều trị bệnh, chẩn đoán muộn.
Ngọc Hà