(Báo Quảng Ngãi)- Thời tiết nắng nóng, trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết nhập viện tăng cao. Bệnh viện Sản - Nhi (BVSN) tỉnh đã tập trung nhân, vật lực để khám và điều trị cho người bệnh.
|
Bác sĩ Trương Thị Xuân Ánh, Khoa Bệnh nhiệt đới (BVSN tỉnh) cho biết, từ đầu mùa hè đến nay, bình quân mỗi ngày, khoa khám cho khoảng 20 bệnh nhân nhi. Qua khám lâm sàng, nhiều bệnh nhân nhi mắc bệnh tay chân miệng, nổi mụn nước cần phải nhập viện. Nhiều trẻ không được điều trị kịp thời, khi đến bệnh viện bệnh đã diễn biến nặng nên phải nhập viện điều trị.
Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh theo dõi sức khỏe bệnh nhân nhi.
Bác sĩ Trương Thị Xuân Ánh cho biết thêm, bệnh tay chân miệng thường phát sốt, trong miệng có đốm đỏ như phỏng rộp, sau đó trở thành vết loét. Vết loét thường nằm trên lưỡi, nướu và niêm mạc má, hoặc phát ban trên da... Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể không có biểu hiện triệu chứng, hoặc chỉ có phát ban, hay loét miệng. Một số ít trường hợp, bệnh có thể diễn biến nhanh với các triệu chứng về thần kinh, hô hấp và nhanh chóng dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi bé có triệu chứng sốt, chán ăn, mệt mỏi và thường xuyên bị đau họng, cha mẹ nên đưa bé đi khám để điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Nguyễn Mậu Thạch - Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (BVSN tỉnh), bệnh tay chân miệng thường bùng phát vào mùa hè và mùa thu. Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho bệnh tay chân miệng bùng phát. Hiện khoa tiếp nhận bệnh nhân tay chân miệng tăng gấp 3 lần so với trước. Bệnh tay chân miệng là do nhiễm vi rút cấp tính, có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần.
Bệnh có bốn mức độ nặng khác nhau, lúc đầu bệnh thường gây sốt, sau đó chân, tay nổi mụn bỏng nước, loét miệng, biếng ăn, sốt nhiều lần... Bệnh chuyển biến rất nhanh, để lâu có thể sẽ biến chứng nặng như suy tim, phù phổi, viêm não, sốt cao... Ngoài ra, khoa còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như bệnh thủy đậu, sốt xuất huyết, viêm não... với khoảng 70 bệnh nhân/ngày, trong đó có khoảng 15 - 20 bệnh nhân sốt xuất huyết. Bệnh viện đã tăng cường nhân lực, trang thiết bị bổ sung cho Khoa Bệnh nhiệt đới để các y, bác sĩ theo dõi, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.
Bài, ảnh: A.NGUYỆT