Từ năm 2021, Mạng lưới Chương trình Đào tạo dịch tễ học và Can thiệp y tế công cộng (TEPHINET) toàn cầu đã phát động ngày 7/9 hàng năm là Ngày Dịch tễ học thực địa thế giới (#WorldFieldEpidemiologyDay). Năm nay, chủ đề cho ngày Dịch tễ học Thực địa Thế giới là "Trao quyền tới các nhà dịch tễ học thực địa vì các hệ thống y tế mạnh mẽ hơn".
Ngày Dịch tễ học trên thực địa thế giới là một phong trào toàn cầu nhằm công nhận và nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của các nhà dịch tễ học thực địa trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân và thúc đẩy an ninh y tế toàn cầu, đồng thời vận động tăng cường đầu tư vào đào tạo, nghiên cứu và các chuyên gia.
Nhân dịp hưởng ứng ngày Dịch tễ học Thực địa Thế giới 2022, chúng ta cùng tìm hiểu những hoạt động của các Chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa (FETP) trên thế giới và ở Việt Nam để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ, vai trò và đóng góp đối với hệ thống y tế, đặc biệt là trong bối cảnh phòng, chống đại dịch COVID-19 như hiện nay.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển (đeo kính) cùng nhóm điều tra dịch tễ học thực địa tại Đắk Lắk họp bàn kế hoạch trước khi triển khai tại thực địa
Mỗi quốc gia phải có năng lực dịch tễ học thực địa hiệu quả để bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân
FETP là chương trình đào tạo dựa trên năng lực nhằm cải thiện kỹ năng dịch tễ học của các cán bộ y tế và rộng hơn là cải thiện năng lực của hệ thống y tế nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra và ứng phó với dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng ưu tiên. Nguyên tắc của Chương trình là "Học thông qua thực hành" hay còn gọi là "Học thông qua cung cấp dịch vụ" với yêu cầu trên 75% thời gian học là tại thực địa.
Để bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, mỗi quốc gia phải có năng lực dịch tễ học thực địa hiệu quả. Chương trình FETP được khởi nguồn từ năm 1951 tại Mỹ do US CDC thực hiện bằng mô hình EIS (Epidemiology Intelligent Services - Dịch vụ đáp ứng vói dịch bệnh dựa trên các bằng chứng dịch tễ học)
Từ thành công của chương trình EIS, US CDC và WHO đã hỗ trợ các quốc gia và khu vực thành lập Chương trình FETP bắt đầu từ năm 1980. Cũng giống như chương trình EIS, các Chương trình FETP cũng tổ chức thực hiện đào tạo theo mô hình 2 năm, ưu tiên chú trọng đào tạo thực hành với sự hỗ trợ của chuyên gia và cung cấp dịch vụ về y tế cho Bộ Y tế thông qua việc tiến hành điều tra dịch bệnh, đánh giá chương trình hoặc hệ thống giám sát, nghiên cứu thực địa và đề xuất các biện pháp phòng chống phù hợp.
Cho đến nay đã có hơn 80 quốc gia trên toàn cầu thành lập Chương trình FETP. Mặc dù ban đầu được hình thành đơn giản là một chương trình đào tạo tạo ra các nhà dịch tễ học thực địa, trong những năm qua, rõ ràng là tác động của chương trình lớn hơn nhiều và quan trọng hơn số lượng sinh viên tốt nghiệp. Bản chất FETP ngày nay là cung cấp các dịch vụ y tế công cộng và an ninh y tế toàn cầu, thông qua phương pháp tiếp cận có hướng dẫn, vừa học vừa làm nhằm cải thiện hiệu quả của các dịch vụ y tế công cộng.
Sứ mệnh của các FETP là trao quyền và huy động lực lượng cán bộ dịch tễ học có năng lực để phục vụ tất cả mọi người dân thông qua đào tạo chuẩn hóa, học tập kinh nghiệm, cải tiến chất lượng chương trình đào tạo, cố vấn và trao đổi kiến thức nhằm kết nối các nhà dịch tễ học tốt hơn, nhanh hơn và có chất lượng trên toàn cầu.
Tầm nhìn của FETP toàn cầu là "Mọi quốc gia trên thế giới đều có năng lực dịch tễ học ứng dụng cần thiết để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân của mình, và hợp tác với những người khác để thúc đẩy sức khỏe toàn cầu". Mục tiêu FETP là tăng số lượng và chất lượng cán bộ y tế công cộng có kiến thức và kỹ năng dịch tễ học thực địa; Tăng cường năng lực giám sát, phát hiện nhanh, điều tra và đáp ứng kịp thời với các sự kiện công cộng trong nước và quốc tế;
Củng cố khả năng thu thập dữ liệu công cộng từ các hệ thống giám sát bệnh và sử dụng hiệu quả các dữ liệu thu thập được; Tăng cường sử dụng bằng chứng để đưa ra các quyết định và chính sách y tế công cộng.
Nhóm điều tra dịch tễ học thực địa tại Đắk Lắk phỏng vấn người dân tại xã Ea Wy, huyện Ea H’leo
Góp phần nâng cao chất lượng giám sát, phát hiện, điều tra và đáp ứng kịp thời với dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng ở Việt Nam
Trong 15 năm qua, FETP Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế và sự giúp đỡ kỹ thuật và tài chính của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và các tổ chức quốc tế, đã tổ chức đào tạo dịch tễ học thực địa cho hàng ngàn cán bộ y tế dự phòng các tuyến, góp phần nâng cao chất lượng giám sát, phát hiện, điều tra và đáp ứng kịp thời với dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng ở Việt Nam như: Cúm gia cầm A(H5N1), dịch tả, cúm đại dịch A(H1N1, bệnh viêm da dầy sừng bàn tay bàn chân, sởi, bệnh do vi rút Zika (ZVD) và các bệnh dịch lưu hành khác như: bạch hầu, sốt xuất huyết, dại, viêm gan, viêm não, lỵ, than,.. đặc biệt gần đây là COVID-19.
Trong thời gian tới, để đáp ứng các yêu cầu của Điều lệ Y tế quốc tế 2005 theo đó mỗi quốc gia phải có ít nhất 1 cán bộ dịch tễ học thực địa/200.000 dân như vậy Việt Nam cần phải có ít nhất 500 cán bộ dịch tễ học thực địa được đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế (trong khi hiện nay mới chi có khoảng 50 cán bộ), Chương trình FETP Việt Nam đã lập kế hoạch, với những mục tiêu chính như củng cố và phát triển hệ thống đào tạo và ứng dụng dịch tễ học trên phạm vi toàn quốc, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của đào tạo và ứng dụng dịch tễ học trong công tác phòng chống dịch bệnh, các vấn đề sức khỏe và cung cấp dịch vụ công về y tế dự phòng;
Xây dựng và triển khai mô hình đào tạo và ứng dụng dịch tễ học liên thông 3 cấp độ (Ngắn hạn 3 tháng, trung hạn 9 tháng và nâng cao 12 tháng) nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo dịch tễ học thực địa tại Việt Nam;
Học viên chương trình đào tạo dịch tễ học thực địa thực hiện phỏng vấn sâu đối với cán bộ y tế tại trạm y tế xã Mường Hoong- tỉnh Kon Tum
Phát triển và củng cố mạng lưới dịch tễ học thực địa gồm các cơ sở đào tạo dịch tễ học thực địa, các nhà dịch tễ học và các chuyên gia trong hệ thống y tế; tham gia kịp thời trong đáp ứng dịch bệnh và các sự kiện y tế công cộng tại địa phương, quốc gia và khu vực;
Tăng cường ứng dụng dịch tễ học trong hoạt động điều tra, nghiên cứu, giám sát và đáp ứng dịch bệnh và các vấn đề y tế công cộng, xây dựng và phát triển các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật và chính sách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và giải quyết các vấn đề y tế công cộng.
Duy trì tính bền vững của chương trình dịch tễ học thực địa tại Việt Nam thông qua đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo, chính sách về phát triển nhân lực dịch tễ học trong hệ thống nhân lực y tế.
Sáng 7/9: Biến thể phụ BA.5 đang dần chiếm ưu thế, 3 yếu tố quan trọng trong điều trị COVID-19
SKĐS - Nước ta đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Theo Bộ Y tế, bệnh nhân COVID-19 nặng đang gia tăng, cần 3 yếu tố quan trọng trong điều trị COVID-19.