Theo Reuters , ngày 23/6, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla xác nhận với báo giới về ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này.
Bệnh nhân là nam giới, 30 tuổi, đến từ Johannesburg, Nam Phi, không có tiền sử du lịch nước ngoài. Do đó, nguồn lây không phải đến từ bên ngoài Nam Phi. Giới chức y tế đang tiến hành truy vết, tìm kiếm những người tiếp xúc ca bệnh này.
Đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu ở một số nước tại châu Phi nhưng không phải Nam Phi. Triệu chứng của nó giống bệnh cúm, kèm theo các tổn thương trên da như phát ban, mụn nước.
Trong khi đó, tại Đài Loan (Trung Quốc), Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) chính thức xếp đậu mùa khỉ vào nhóm bệnh truyền nhiễm loại 2. Điều này đồng nghĩa các bác sĩ cần phải báo cáo về ca mắc, nghi mắc cho CDC trong vòng 24 giờ. Bệnh nhân có thể bị cách ly để điều trị nếu cần.
Tại Đài Loan, các bệnh được xếp vòa nhóm truyền nhiễm loại 2 gồm sốt xuất huyết, sốt Zika, sốt thương hàn, sởi và Chikungunya. Khu vực này chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ.
Ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên phát hiện ca mắc, là phi công quốc tịch Anh. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng đã cách ly 2 công dân nhập cảnh sân bay Incheon với dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus đậu mùa khỉ.
Theo thống kê của Our World in Data, tính đến ngày 22/6, toàn cầu đã phát hiện 3.337 ca mắc đậu mùa khỉ tại 42 quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới sẽ quyết định có tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hay không sau cuộc họp vào 12h ngày 23/6 tại Geneva, Thụy Sỹ (theo giờ địa phương). Điều này dấy lên những lời chỉ trích từ một số nhà khoa học hàng đầu về châu Phi. Bởi theo họ, đây là cuộc khủng hoảng với một số quốc gia trong khu vực này nhiều năm qua.