Việc lựa chọn môn thể thao cần phải phù hợp với độ tuổi.
Không chủ quan
Bệnh viện (BV) Thống Nhất (TP HCM ) vừa cấp cứu một trường hợp với các triệu chứng đột ngột bị cơn đau dữ dội ở ngực. Theo đó, sáng sớm 11/6, bệnh nhân T.N.K. (23 tuổi, ngụ Tân Phú, TP HCM) được người nhà đưa vào cấp cứu tại BV Thống Nhất. Theo mô tả của người thân của bệnh nhân, anh K. đột ngột bị cơn đau dữ dội ở ngực khi chạy bộ được gần 10km. Mẹ bệnh nhân K. cho hay, trước đó, mỗi lần chạy bộ xong về nhà, K. nói cảm giác nghẹn và khó thở, đau thắt ngực. Gia đình chủ quan cho rằng, do K. vận động nhiều khi tập luyện nên khuyên tập ít lại.
BV Đại học Y Dược TP HCM thời gian qua cũng ghi nhận hàng chục trường hợp cấp cứu có liên quan đến chơi thể thao. Có trường hợp liên quan tới chạy bộ sáng sớm; người đang tập thể hình thì bị ngã và bất tỉnh. Như trường hợp anh L.T.T.A. (32 tuổi, ngụ quận 5) - vận động viên nghiệp dư marathon, nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu. Anh A. đang tham gia một giải marathon phong trào tại TP Dĩ An (Bình Dương) thì đột ngột té ngã, nôn ra thức ăn, co quắp chân tay và bất tỉnh. Lúc nhập viện cấp cứu, huyết áp A. lúc cao lúc thấp, nhịp tim loạn nhanh nhiều dạng đan xen, đồng tử giãn, mất phản xạ ánh sáng, hôn mê sâu.
Sau gần một giờ được bác sĩ hồi sức tích cực, duy trì được chỉ số sinh tồn, giảm cơn co quắp, huyết áp ổn định, người bệnh qua cơn nguy kịch, nhưng bị liệt nửa người vì đột quỵ do đứt mạch máu não.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây một số bệnh viện cũng tiếp nhận các ca chấn thương khi chơi thể thao. Tại BV Hữu nghị Việt Đức vừa qua đã điều trị cho bệnh nhân Đ.V.T. ( nam, 33 tuổi, ở Bắc Ninh). Anh T. được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật do đứt dây chằng chéo trước và rách sụn. Bệnh nhân cho biết cách đây hơn 2 tháng anh có chơi bóng đá, trong lúc tiếp đất thì nghe tiếng “tách” ở chân phải và kèm theo là cảm giác đau buốt.
Sau đó, anh vẫn đi lại bình thường nhưng khi vận động mạnh thì cổ chân rất buốt, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt. Khi đến khám tại bệnh viện địa phương, bác sĩ tư vấn về tập phục hồi chức năng cho ổn định. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng tập luyện mà tình trạng này vẫn không đỡ, lúc này anh mới được giới thiệu lên BV Hữu nghị Việt Đức điều trị.
Đây không phải là trường hợp duy nhất. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao của bệnh viện, thể thao luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của con người. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, nhiều người không may bị chấn thương. Tại BV Hữu nghị Việt Đức, các bác sĩ tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp chấn thương khi chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20 - 35 (chiếm tới 70 - 80%). Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là: bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, những môn đối kháng vật bị chệch khớp vai, thậm chí có cả chạy bộ, đi xe đạp…
Khi bị chấn thương cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị.
Lắng nghe cơ thể
Sơ cứu khi thấy dấu hiệu đột quỵ
Đỡ người bệnh để không bị ngã, chấn thương; cho người bệnh nằm xuống chỗ thoáng mát, nghiêng qua một bên nếu nôn ói, móc hết đàm nhớt cho người bệnh dễ thở và tìm cách đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo: Việc lựa chọn môn thể thao cần phải phù hợp với độ tuổi. Những môn thể thao đòi hỏi vận động lớn như bóng đá, chạy đường dài ưu tiên lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở người tuổi cao hơn có thể đi bộ, đạp xe, bơi. Đặc biệt khi chơi không nên tăng nặng ngay. Ở môn chạy cần khởi động kỹ, bắt nhịp tăng dần để quả tim co bóp cần quá trình thích nghi.
Chấn thương do thể thao có nhiều mức độ. Nhẹ nhất là sưng nề phần mềm, gây đau, khó chịu. Nặng thì khiến người bệnh đau dai dẳng, kéo dài, có thể giãn dây chằng bên ở quanh khớp, đứt gân, đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau ở khớp gối, hoặc đứt dây chằng quanh khớp cổ chân.
Chấn thương thể thao không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh. Do đó, TS Khánh lưu ý khi có những biểu hiện như: đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt, người bệnh cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị.
“Người bệnh không nên chủ quan, không tự ý đi mua đơn thuốc về dùng, không dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp lên… Một số trường hợp tìm đến các thầy lang để kéo, nắn, giật rất nguy hiểm, gây khó khăn cho quá trình điều trị về sau”, TS Khánh lưu ý thêm.
Ngoài việc lưu ý chấn thương khi chơi thể thao, các bác sĩ còn cảnh báo các dấu hiệu liên quan đến đột quỵ khi chơi thể thao gắng sức. Theo BS chuyên khoa II Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Thống Nhất, mỗi ngày khoa tiếp nhận điều trị 10-15 trường hợp, trong đó 50% liên quan tới đột qụy và 1-2 trường hợp đột qụy do tập luyện thể thao gắng sức. Đáng lưu ý, khoa tiếp nhận nhiều trường hợp thanh niên 20-40 tuổi, thích đá bóng, chạy marathon… có bệnh lý tim mạch, huyết áp tiềm ẩn trước đó nhưng không đi khám sàng lọc nên không biết.
Cũng có trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngưng tim như: hội chứng Brugada (một bệnh lý hiếm gặp có tính di truyền), hội chứng QT dài (bệnh lý về tim), đây đều là những bệnh lý có tính di truyền.
“Những bệnh lý này biểu hiện khá kín nên có thể bác sĩ không chuyên về tim mạch sẽ không để ý, không phát hiện ra. Những người có bệnh lý tim mạch như vậy, có nguy cơ gắng sức trong quá trình tập luyện, rất dễ dẫn đến đột tử và đột tử chủ yếu do bệnh cơ tim phì đại”, BS Nga cảnh báo.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh nhấn mạnh: “Cơ thể con người chỉ có ngưỡng nhất định, nếu vượt quá ngưỡng phải đòi hỏi có quá trình tập luyện và thích nghi lâu dài. Nếu thúc đẩy nhanh quá trình đó cơ thể dẫn tới quá tải, quả tim bị suy không cung cấp đủ máu, phổi cần phải hoạt động liên tục mới trao đổi được oxy. Tim chỉ khoảng 90 nhịp/phút, nếu đẩy lên 180-200 nhịp/phút là quá nhanh, vượt qua ngưỡng chịu đựng của cơ thể, dẫn tới suy tim cấp và đột quỵ”.
TS.BS Nguyễn Minh Anh - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Đại học Y Dược TP HCM , lưu ý, những người bị đột qụy trong lúc tập thể thao thường có sẵn yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu não hoặc vỡ mạch máu não. Bản thân họ không kiểm soát được mức độ tập luyện, dẫn đến gắng sức. Bên cạnh đó, đột qụy cũng có yếu tố nguy cơ từ các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì hoặc có yếu tố di truyền; từ đó, tăng nguy cơ vỡ, tắc mạch máu.
Vì vậy, khi tập luyện thể chất, cần phải “lắng nghe cơ thể”, chú ý đến các dấu hiệu đột qụy sớm có thể biểu hiện qua các trạng thái: đột nhiên đau đầu, đi lại khó khăn; loạng choạng, hoa mắt, chóng mặt; hơi thở ngắn; người ớn lạnh; đột ngột tê bì hoặc yếu nửa người, nửa mặt, méo miệng. Ngay lập tức, hãy kiểm tra người nghi ngờ bệnh theo quy tắc FAST: Face (mặt), Arms (tay), Speech (lời nói) và Time (thời gian).
Nhịp tim thế nào là không vượt ngưỡng?
BS Nguyễn Tiến Lộc (Khoa Y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175, TP HCM ) cho biết, ngưỡng tim an toàn là một trong những điều được quan tâm hàng đầu đối với các môn thể thao sức bền. Để giải thích đơn giản, có thể xác định nhịp tim tối đa của một người bằng cách lấy 220 trừ đi số tuổi của họ. Hiện nay, cộng đồng những người yêu chạy bộ thường sử dụng một cách dễ nhớ rằng “lý tưởng nhất là 70% và không nên vượt quá 85% nhịp tim tối đa”.
Thực tế là nhịp tim lý tưởng còn phụ thuộc vào môn thể thao bạn chơi và cường độ tập luyện. Trong trường hợp chạy bộ thông thường, nhịp tim lý tưởng sẽ rơi vào khoảng 80% và con số này có thể lên đến 90% đối với vận động viên chạy nước rút.
Đa số các trường hợp nguy hiểm thường sẽ xoay quanh 3 nguyên nhân chính là co thắt đường thở (co thắt khí phế quản), rối loạn nước, điện giải (có thể gây phù não do bổ sung nước không đúng cách) và các vấn đề tim mạch.