Trang Chủ > Sức khỏe > Một thập kỷ không để ai bị bỏ lại do thiếu máu

Một thập kỷ không để ai bị bỏ lại do thiếu máu

Zingnews
01/08/2022 08:14:37

Chiều 30/7, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm Chương trình Hành trình Đỏ (2013 - 2022). Vượt qua tất cả khó khăn từ những ngày đầu tiên, sau một thập kỷ hình thành và phát triển, Hành trình Đỏ đã gián tiếp giữ lại sinh mạng của hàng nghìn bệnh nhân.

Ra đời và trưởng thành từ cái “tâm”

Xuất phát từ tình trạng khan hiếm máu trong điều trị vào mỗi dịp mùa hè, năm 2013, Hành trình Đỏ - Chiến dịch vận động hiến máu xuyên Việt - đã ra đời với 100 tình nguyện viên tham gia.

Thời điểm này, các tình nguyện viên đã lên đường theo 2 cánh quân và hội ngộ tại Hà Nội sau 22 ngày tổ chức hiến máu tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hành trình Đỏ năm đầu tiên đó đã thu về hơn 17.500 đơn vị máu.

Chia sẻ về sự khởi đầu của Hành trình Đỏ, GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhận định ở thời điểm đó, tình trạng thiếu máu vào dịp hè vẫn còn rất trầm trọng trên quy mô cả nước. Hành trình Đỏ ra đời chính là lời giải hiệu quả cho bài toán này.

GS Anh Trí hồi tưởng: “Khi đó, nguồn lực, kinh phí, kinh nghiệm đều rất hạn chế. Sau này, ban tổ chức ngày càng củng cố nhận thức, kinh nghiệm và cách thức triển khai để quyết định đưa Hành trình Đỏ trở thành chương trình thường niên”.

Sau mỗi năm, Hành trình Đỏ lại lập kỷ lục mới về số ngày tổ chức, địa phương tham và số đơn vị máu tiếp nhận được.

Một thập kỷ không để ai bị bỏ lại do thiếu máu-1
Một thập kỷ không để ai bị bỏ lại do thiếu máu-2
Một thập kỷ không để ai bị bỏ lại do thiếu máu-3
Một thập kỷ không để ai bị bỏ lại do thiếu máu-4

Hàng triệu người đã tham gia hiến máu với Hành trình Đỏ trong suốt 10 năm qua, không phân biệt giới tính, ngành nghề, dân tộc, địa phương... Ảnh: BVCC .

Năm đầu tiên, chương trình chỉ diễn ra tại 15 tỉnh, thành phố trong 22 ngày. Tới năm 2022, Hành trình Đỏ đã có 46 tỉnh/thành phố tham gia trong 60 ngày, tổ chức 507 điểm hiến máu chính và 1.858 điểm hiến máu hưởng ứng, tiếp nhận trên 120.000 đơn vị máu, số lượng máu này cao gấp 7 lần so với năm đầu tổ chức.

Kết quả này còn trở nên ý nghĩa hơn khi trước đó, do sự xuất hiện của dịch Covid-19, chương trình năm 2020-2021 bị ảnh hưởng không nhỏ. Thậm chí, năm 2021, Hành trình Đỏ phải kéo dài tới 114 ngày.

Lượng máu tiếp nhận được của Hành trình Đỏ góp phần đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu, điều trị tại các địa phương trong dịp thiếu máu hè. Bên cạnh đó, lượng máu này còn góp phần điều tiết máu trên phạm vi toàn quốc.

Đặc biệt, lần đầu tiên, gần 17.000 đơn vị máu của Hành trình Đỏ năm 2021 (trong đó có 14 đơn vị máu hiếm) đã kịp thời chi viện, khắc phục tình trạng khan hiếm máu ở miền Nam.

Trong 10 kỳ tổ chức (2013-2022), Hành trình Đỏ thu hút hàng triệu lượt người tham dự, 462 ngày tổ chức, 2.365 buổi hiến máu, tiếp nhận gần 700.000 đơn vị máu. 58/63 tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức Hành trình Đỏ.

Tròn một thập kỷ vượt khó, Hành trình Đỏ đã đạt được mục tiêu và sứ mệnh đề ra:

Góp phần thay đổi nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện, mở rộng đối tượng hiến máu;

Cơ bản khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp hè;

Xây dựng, đào tạo lực lượng tình nguyện viên tại các địa phương;

Góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng bệnh tan máu bẩm sinh;

Giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử dân tộc, về tình yêu thương cộng đồng.

Hành trình Đỏ cũng là cơ hội để ngành y tế địa phương tập dượt và thuần thục quy trình tổ chức hiến máu với số lượng lớn, tiếp nhận máu an toàn trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, chia sẻ đây là lần đầu tiên chúng ta có chiến dịch về hiến máu quy mô nhất, kéo dài nhất.

“Một thập kỷ qua, Hành trình Đỏ vượt xa giới hạn của một chương trình vận động hiến máu đơn thuần. Thay vào đó, hành trình trở thành hoạt động xã hội nhân văn sâu sắc, huy động sức mạnh toàn dân trên dải đất hình chữ S cùng tham gia”, TS Khánh nói.

Từ đây, các cơ sở y tế cũng đã kịp thời xử lý và sử dụng hiệu quả nguồn máu tiếp nhận được từ Hành trình Đỏ cho địa phương mình, đồng thời giúp điều phối máu giữa các khu vực và phạm vi toàn quốc.

Một thập kỷ không để ai bị bỏ lại do thiếu máu-5

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: BVCC .

Liên quan vấn đề này, có mặt tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng cũng như ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước.

“Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã tác động đến mọi mặt của cuộc sống, tạo ra thách thức với ngành y tế. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn nhất, ngành y tế luôn nhận được sự quan tâm từ Đảng, Nhà nước, sự chia sẻ của các cấp và đặc biệt là tinh thần đoàn kết của nhân dân để chiến thắng dịch bệnh”, Thứ trưởng nói.

Trong đó, bên cạnh sự hy sinh, cống hiến của các y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội, thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh vai trò của hàng vạn tấm lòng đã cùng nhau hiến máu cứu người, không để người bệnh nào bị bỏ lại phía sau vì không có máu để truyền.

Giữa bức tranh đó, Hành trình Đỏ đã mang lại những giá trị nhân văn, ý nghĩa to lớn góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhận định: “Với nền y học phát triển, bên cạnh đội ngũ cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, thấm nhuần y đức, với các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến, chúng ta cần có những ngân hàng máu có chất lượng, an toàn. Đây là yếu tố quan trọng cho việc cứu chữa những ca bệnh hiểm nghèo, nạn nhân của những vụ tai nạn hay cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh”.

Việt Nam hiện có hơn 96 triệu dân. Dù mỗi năm tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, nhiều người bệnh chưa có cơ hội được tiếp cận với nguồn máu chất lượng, an toàn và còn những bệnh nhi, bà mẹ phải chờ đợi để được truyền máu.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi các đơn vị và tầng lớp nhân dân tiếp tục chung tay cùng ngành y tế trong công tác hiến máu tình nguyện cũng như chăm sóc bảo vệ sức khỏe cộng đồng vì bản thân, gia đình và đồng bào.

Những gia đình ‘3 đời hiến máu’

Không bán thuốc trị tiểu đường hay xương khớp, những gia đình này cũng có thể tự hào với câu nói “nhà tôi 3 đời…” nhưng là để hiến máu.