Trang Chủ > Sức khỏe > Mối liên hệ giữa giấc ngủ và ung thư phổi

Mối liên hệ giữa giấc ngủ và ung thư phổi

VnExpress
16/09/2022 09:20:49

Ngủ ngon là yếu tố quan trọng giúp người bệnh chống chọi với ung thư. Ngủ đủ giấc có thể giúp bệnh nhân giảm căng thẳng, cải thiện khí sắc, tăng cường năng lượng cho hoạt động hàng ngày. Các vấn đề về giấc ngủ có thể gia tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi.

Các triệu chứng của ung thư phổi (tức ngực, ho khan, đau đầu, khó thở...) và tác dụng phụ của hóa trị, phẫu thuật gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, dễ khiến bệnh nhân khó ngủ ngon. Nghiên cứu về tỷ lệ mất ngủ ở bệnh nhân mắc 10 bệnh ung thư phổ biến nhất do Trung tâm Y tế Asan, Đại học Y Ulsan (Hàn Quốc) thực hiện năm 2016 cho thấy, hơn 15% người mắc ung thư phổi bị mất ngủ, nhiều hơn người mắc các loại ung thư khác.

Nhiều người mắc ung thư phổi phải vật lộn để có cảm giác buồn ngủ, ngủ đủ giấc. Thời lượng ngủ trung bình của một người mỗi đêm có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển ung thư phổi. Cụ thể, người ngủ ít hơn 7-8 giờ mỗi đêm có nguy cơ phát triển căn bệnh này. Điều này có thể liên quan đến mức độ melatonin, một loại hormone điều chỉnh giấc ngủ.

Những người gặp vấn đề về hơi thở, mắc chứng ngưng thở khi ngủ (OSA) có thể khiến cơ thể giảm nồng độ oxy, tạo điều kiện cho khối u phát triển. Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ liên quan đến khó thở khi luồng không khí bị chặn một phần hoặc toàn bộ. Khi các khối u ung thư phổi phát triển, việc thở của bệnh nhân có thể gặp khó khăn. Trong một số trường hợp, tình trạng này xuất hiện do người bệnh bị viêm, kích ứng hoặc sưng tấy tại chỗ. Các khối u cũng có thể đè lên đường thở, khiến không khí ít không gian di chuyển, gây khó thở.

Mối liên hệ giữa giấc ngủ và ung thư phổi-1

Người ung thư phổi dễ gặp tình trạng khó ngủ. Ảnh: Freepik

Nhằm khắc phục các vấn đề về giấc ngủ liên quan đến ung thư phổi , các chuyên gia nhận định việc điều trị tình trạng này tương tự như cách điều trị các vấn đề về giấc ngủ nói chung. Tuy nhiên, bác sĩ cần thận trọng xem xét các phương pháp điều trị đang được sử dụng cho bệnh ung thư, không gây cản trở quá trình điều trị. Người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có thể điều trị bằng thiết bị tạo áp lực đường thở dương. Đây là một loại máy sử dụng áp lực đẩy không khí vào phổi qua mũi, miệng bằng mặt nạ hoặc dụng cụ xông mũi.

Bệnh nhân cũng có thể sử dụng liệu pháp nhận thức hành vi cho chứng mất ngủ. Đây là một hình thức trị liệu tâm lý bằng cách trò chuyện, tập trung vào sự kết nối giữa suy nghĩ, cảm xúc và hành vi, được thiết kế để điều trị chứng mất ngủ. Một số trường hợp có thể uống thuốc để điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần cân nhắc kỹ do một số loại thuốc ngủ khiến bệnh nhân chậm nhịp thở, giảm mức oxy trong cơ thể.

Bên cạnh các biện pháp điều trị, bản thân bệnh nhân cần thay đổi lối sống nhằm cải thiện giấc ngủ. Mỗi người cần đi ngủ đúng giờ, có lịch trình ngủ đều đặn, giảm độ sáng đèn trước khi ngủ 30 phút, tránh căng thẳng. Bệnh nhân không nên sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, tập thể dục vào buổi sáng hoặc đầu giờ chiều. Không gian phòng ngủ đóng vai trò quan trọng giúp ngủ ngon. Do đó, bệnh nhân nên lựa chọn giường thoải mái, tạo thói quen thư giãn trước khi ngủ, hạn chế uống cà phê, rượu, bia.

Minh Thúy

(Theo Very Well Health )