Xử lý biến chứng cho bệnh nhân làm đẹp tại cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng.
Nguy cơ cao từ chất làm đầy không rõ nguồn gốc
Thông tin từ Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, gần đây Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận và chỉ định nhập viện 2 trường hợp bệnh nhân môi bị sưng phồng, căng cứng, đau nhức sau tiêm filler.
Trường hợp thứ nhất là chị L.N.H.T., 25 tuổi (ở huyện Bình Chánh, TPHCM) đến khám trong tình trạng môi sưng nề, bầm tím, sờ vào có khối căng cứng trong môi.
Chị T. cho biết, do vùng môi có nhiều nếp nhăn nên trước đó có đến spa để tiêm filler xóa nhăn. Tại đây, chị được nhân viên tư vấn tiêm 1ml filler Hàn Quốc với giá 3.500.000 đồng để làm đầy môi. Qua 3 ngày, môi chị gặp tình trạng căng cứng và phù nề, ngày càng nhiều hơn nên chị ra nhà thuốc mua giảm sưng về uống nhưng tình trạng không cải thiện.
Tương tự, trường hợp thứ hai là chị T.H., 30 tuổi (ở Bà Rịa - Vũng Tàu), cũng nhập viện trong tình trạng môi sưng to, đau nhức, sờ vào có khối cứng lổn nhổn bên dưới môi. Chị H. cho biết do môi chị nhỏ lại nhiều nếp nhăn nên chị muốn sửa để có được bờ môi hài hòa, cân đối hơn... Vì vậy, trước đó 1 ngày chị đến spa ở Vũng Tàu và được tư vấn tiêm 0.5ml filler với giá 2.500.000 đồng. Tuy nhiên sau 2 ngày tình trạng này vẫn không cải thiện, ngược lại ngày càng đau nhức nhiều hơn, môi sưng to, căng cứng.
Được biết, trong nhiều năm trở lại đây, filler được sử dụng phổ biến trong chuyên ngành da liễu, thẩm mỹ. Nó giúp làm đầy các rãnh nhăn sâu vùng mặt, nâng mũi, hõm má, hõm thái dương, rãnh mũi má, tạo hình cằm, tạo hình môi, tạo khuôn mặt V-line... Tuy nhiên, chuyên gia y tế cho hay, nếu người dân lựa chọn cơ sở spa không tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn lúc tiêm, thực hiện vô trùng không đúng cách khiến vi khuẩn xâm nhập vào nơi tiêm. Ngoài ra, việc sử dụng các loại chất làm đầy kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường, sản phẩm sản xuất, đóng gói không đảm bảo vô trùng cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm trùng.
Do quá tin quảng cáo trên mạng
Tương tự, một trào lưu khác đang phổ biến trong vài năm trở lại đây là sử dụng thuốc giảm cân tại nhà cũng đã khiến không ít người rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.
Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho trường hợp bệnh nhân N.T.A. (42 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng nôn ra máu, mồm cứng, lở loét do nhiễm độc toan chuyển hóa sau khi sử dụng thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc.
Theo lời kể của người bệnh, với mong muốn giảm cân để cơ thể đẹp hơn, chị thấy trên mạng quảng cáo thuốc giảm cân Thái Lan nên mua về sử dụng. Sau 1 tháng đều đặn uống 2 viên vào buổi tối mỗi ngày, chị A giảm được 3kg nên tiếp tục uống thuốc. Tuy nhiên, sau một thời gian chị A. xuất hiện triệu chứng buồn nôn, rồi ra máu tươi, cục máu đen… và được gia đình đưa đi cấp cứu. Tại Trung tâm y tế, chị được chẩn đoán và theo dõi viêm loét dạ dày, đại tràng, nghi nấm thực quản. Nhưng những ngày sau đó bệnh không đỡ, tiến triển nặng hơn, mồm cứng và lở loét nên chị được chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhân nói trên hẹp toàn bộ thực quản và dạ dày, không thể tự ăn uống được và tình trạng suy kiệt sức khỏe nghiêm trọng. Sau 3 tháng điều trị tích cực, hiện sức khỏe người bệnh đã dần hồi phục
“Đây là một ca bệnh điển hình về biến chứng rất nặng sau khi uống thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường đã được cấp cứu và điều trị thành công, dù để lại không ít hậu quả nặng nề” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Thực tế, nhu cầu làm đẹp, giảm cân của cả phái nữ và nam là chính đáng và nhu cầu này rất lớn. Nắm bắt tâm lý này, cơ sở làm đẹp, cơ sở sản xuất đã cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ trong khi chưa đủ điều kiện thực hiện hay sản xuất các loại sản phẩm giảm cân không rõ nguồn gốc và người kinh doanh sản phẩm này bất chấp lợi nhuận đã quảng cáo sản phẩm mà không hề tính đến hậu quả đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của rất nhiều người nhẹ dạ cả tin.
Tỉnh táo để không “mắc bẫy” làm đẹp
PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương nhận định, có 2 nhóm chính dễ “mắc bẫy” làm đẹp. Đầu tiên là các bạn trẻ bắt đầu đến tuổi làm đẹp, tuổi mới lớn. Nhiều bạn trẻ làm đẹp theo thần tượng, theo đánh giá rất nhiều sản phẩm trên Tiktok, Facebook mà chưa hiểu rõ cơ chế, tác dụng, cách dùng thế nào để hiệu quả nhất. Nhóm thứ 2 là những người ở độ tuổi 30-40. Đây là nhóm tuổi bắt đầu nhận ra rằng, thời gian làm cho sắc đẹp giảm sút so với tuổi thanh xuân và người ta thấy lo lắng hơn về vấn đề lão hóa. Các thông tin làm đẹp họ tiếp cận được rất nhiều chiều, nếu không được tư vấn bởi các bác sĩ có chuyên môn thì dễ gây hậu quả nặng nề.
“Một thực tế đáng buồn, Bệnh viện Da liễu trung ương đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp vì tin quảng cáo nên đã gặp tai biến phải đến bệnh viện để sửa chữa. Không ít người dân vẫn còn mang quan niệm làm đẹp, can thiệp thẩm mỹ thì đến các cơ sở spa, thẩm mỹ viện mà không cần quan tâm cơ sở có được cấp phép, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ hay không. Khi gặp biến chứng, tai biến họ mới đến bệnh viện để sửa sai” - bác sĩ Doanh chia sẻ.
Cùng với đó, theo bác sĩ Doanh, đối với các thủ thuật làm đẹp liên quan đến việc đưa các hoạt chất, hay thuốc vào trong cơ thể hoặc đơn giản nhất chỉ là làm đẹp liên quan đến cấu trúc làn da… thì người dân cần đến các cơ sở y khoa, các cơ sở được cấp phép để thực hiện. Đồng thời cần quan tâm tìm hiểu thông tin về người thực hiện dịch vụ phải được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ cũng như các danh mục kỹ thuật thực hiện ở cơ sở đó phải công khai, minh bạch, được cơ quan quản lý cho phép thực hiện...