Gần đây, Kim Yeon-ju, một người nội trợ 30 tuổi, đã làm một bài kiểm tra tính cách để biết cô ấy là ai.
"Cũng giống như nhiều người khác, tôi không biết chính xác mình là ai. Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại như vậy và tò mò điều gì khiến tôi cảm thấy tốt hay tệ. Tôi đã thực hiện một số bài kiểm tra khác nhau để hiểu bản thân hơn và MBTI là một trong số đó”, cô nói với The Korea Times .
MBTI (Myers-Briggs Type Indicator) là bài kiểm tra tính cách. Mọi người trả lời một bảng hỏi dựa trên lý thuyết tính cách được xây dựng bởi Isabel Myers và Katharine Briggs vào năm 1943. Nó đo lường sở thích mọi người về 4 chiều hướng tính cách của Myers và Briggs.
Cơn sốt trắc nghiệm tính cách
Lần đầu tiên cô Kim làm bài kiểm tra là khi còn học trung học. Giáo viên chủ nhiệm của cô muốn tìm ra kiểu tính cách của học sinh. Vì vậy, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, tất cả học sinh đã làm bài kiểm tra sẽ có được một chứng nhận MBTI.
"Tôi không nhớ loại tính cách của tôi hồi đó là gì, nhưng tôi là người duy nhất trong lớp có kiểu đó. Giáo viên đã giải thích tôi là người như thế nào dựa trên bài kiểm tra tính cách. Điều đó rất đúng tâm lý của tôi. Tôi học trường nội trú và bị trầm cảm nhẹ nên cảm thấy xúc động vì những gì giáo viên nói với tôi là thật”", cô Kim kể.
Cô Kim cho biết cô cảm thấy mình được người khác thấu hiểu khi nghe giáo viên giải thích về kết quả bài kiểm tra.
Bài kiểm tra tính cách MBTI đã trở thành trào lưu mới nhất đối với người Hàn Quốc, đặc biệt là thế hệ Millennials và Gen Z. Ảnh: Bloomberge
Một cuộc khảo sát của Hankook Research được thực hiện vào tháng 12 năm ngoái cho thấy hơn một nửa người Hàn Quốc đã làm bài kiểm tra MBTI. Cứ 10 người trong độ tuổi từ 19 đến 28, 9 người trả lời họ đã làm bài kiểm tra. Điều này cho thấy bài kiểm tra tính cách rất được chú ý trong các thế hệ trẻ.
MBTI thậm chí còn trở thành một vấn đề bầu cử tổng thống. Các ứng cử viên trong cuộc đua tổng thống đã cố gắng thu hút các cử tri trẻ hơn bằng cách chia sẻ kết quả MBTI của họ trên mạng.
Sau đó, ứng cử viên tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết mẫu người của ông ấy là ENFJ, giống như cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người có lòng vị tha, nhà lãnh đạo bẩm sinh có sức thu hút và niềm đam mê. Đối thủ của ông ấy, Lee Jae-myung cũng đã tham gia bài kiểm tra nhưng ông ấy chỉ tiết lộ "một phần" kết quả của mình.
Theo các chuyên gia, cơn sốt MBTI trong thế hệ trẻ, những người đang vật lộn với tương lai không chắc chắn, phản ánh mong muốn được chấp nhận và cảm thấy thoải mái khi biết ngoài kia có những người cùng chí hướng. Việc nhóm mọi người thành 16 kiểu khác nhau như vậy khiến họ cảm thấy không đơn độc, giúp họ xây dựng cảm giác họ thuộc về một nơi nào đó.
Lee Myung-jin, giáo sư Xã hội học tại Đại học Hàn Quốc, tác giả cuốn Bản sắc xã hội Hàn Quốc , cho biết: “Người Hàn Quốc sống trong sự cạnh tranh liên tục do đất nước có nguồn lực và địa lý hạn chế, trong khi người dân có đặc điểm cần cù và hướng tới mục tiêu”.
Theo ông Lee, mọi người tìm kiếm sự dẫn dắt sinh tồn và xã hội khi sống trong một môi trường có mức độ lo lắng cao. Do đó, họ đã dần quan tâm đến các chỉ số tính cách khác nhau đem lại cho họ sự thoải mái.
Lim Myung-ho, giáo sư Tâm lý học tại Đại học Dankook, đồng ý rằng các chỉ số tính cách có thể làm giảm mức độ lo lắng của con người bằng cách cho họ cảm giác về danh tính và nhóm họ với những cá nhân tương tự. Hơn nữa, người Hàn Quốc không chỉ tìm cách hiểu đặc điểm tính cách của họ mà còn hiểu rõ hơn về mối quan hệ với những người khác trong cộng đồng.
"Hàn Quốc là một xã hội theo chủ nghĩa tập thể, đề cao cảm giác thân thuộc và cộng đồng. Gần đây, MBTI đã được áp dụng như một công cụ để hiểu rõ hơn về người khác và giúp mọi người tìm ra cách họ nên tương tác với người khác, giảm xung đột và xây dựng sức mạnh tổng hợp trong các mối quan hệ", Kim Jae-hyoung, trưởng nhóm nghiên cứu của Viện MBTI Hàn Quốc, cho biết.
Trở thành trào lưu
MBTI không phải cảm giác phổ biến trên cả nước đầu tiên, cũng không phải cuối cùng, về một chỉ số tính cách. Người Hàn Quốc từng trải qua các xu hướng văn hóa trước đây để phân loại mình thành các nhóm dựa trên những đặc điểm nhất định.
Vào đầu những năm 2000, bốn nhóm máu A, B, O và AB không bao gồm yếu tố rhesus (Rh) là cách phổ biến nhất của quốc gia để phân loại con người và dự đoán tính cách của họ.
Học giả y khoa Lee Je-ma từng đề xuất phân loại con người.
Ngoài ra, từ triều đại Joseon của thế kỷ 19, học giả y khoa Lee Je-ma (1837-1900) đã tạo ra "phân loại tính cách sasang", phân loại 4 cấp của cơ thể con người dựa trên các đặc điểm sinh lý.
Khi MBTI phổ biến trong giới trẻ Hàn Quốc, các doanh nghiệp và phương tiện truyền thông đã bắt đầu công bố các sản phẩm sử dụng bài kiểm tra tính cách.
Kakao đã giới thiệu các mặt hàng thời trang như áo phông mang từng loại trong 16 kiểu tính cách MBTI và toàn bộ sản phẩm đều được bán hết. Công ty may mặc dành cho phụ nữ MIXXO đã trình làng áo khoác ngoài kết hợp các kiểu tính cách để thúc đẩy sự bùng nổ MBTI trong giới tiêu dùng trẻ.
Một số chương trình truyền hình khuyến khích người nổi tiếng thảo luận về các loại MBTI của họ. Trên mạng, những video có chủ đề MBTI bao gồm danh sách phát nhạc, mẹo hẹn hò và thậm chí là bắt chước giọng hát của các loại MBTI khác nhau thu hút hàng triệu lượt xem.
Tính cách không dễ đo lường, phân loại
Nhưng các chiến lược tiếp thị dùng MBTI như vậy khiến một số người trẻ khó chịu. Họ vốn chế giễu kết quả của bài kiểm tra không được các chuyên gia tán thành rộng rãi. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đồng ý không có kết quả kiểm tra nào, kể cả MBTI, có thể hoàn toàn xác định hoặc giải thích tính cách của một cá nhân.
"MBTI không phải là một công cụ chẩn đoán. Nó giải thích các đặc điểm chung của mọi người nhưng chi tiết hơn và phân loại cụ thể hơn các chỉ số tính cách khác trước đây như 4 nhóm máu, các cung hoàng đạo hoặc phân loại hiến pháp sasang", ông Kim chia sẻ.
Ông nói thêm mọi người không nên phụ thuộc quá nhiều vào kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng ý rằng sự phổ biến của bài kiểm tra cũng mang lại một vài ý nghĩa tích cực.
"Tôi tin rằng chúng ta đang ở trong một giai đoạn chuyển tiếp, nơi mọi người ngày càng quan tâm và cởi mở hơn về việc kiểm tra tâm lý. Họ cũng tìm kiếm những diễn giải chuyên nghiệp về đặc điểm của họ và quá trình tương tác bên trong. Xu hướng này có thể thúc đẩy sự khoan dung của xã hội, mối quan hệ với tư vấn tâm lý và thăm khám tâm lý trong tương lai", ông nói.
Ông Lim tại Đại học Dankook đồng ý với những ưu điểm của khao khát liên tục đối với các bài kiểm tra tính cách. Ông cũng nhấn mạnh việc làm cho các công cụ tâm lý dễ tiếp cận hơn là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu tâm trí con người.
Vị chuyên gia này nói thêm chúng ta nên hiểu và tôn trọng thực tế rằng cơn sốt MBTI đang diễn ra được thúc đẩy bởi sự tò mò.
“Các công cụ đánh giá tính cách chuyên nghiệp và được hỗ trợ bởi nghiên cứu nên trở nên cởi mở và dễ tiếp cận hơn đối với công chúng để chia sẻ sự hiểu biết về chúng ta là ai”, ông Lim nói.