T.K. (26 tuổi, ở Hà Nội) thường bắt đầu ngày mới với ly bạc xỉu. Thói quen này đã hình thành cách đây hai năm và sau 30-45 phút uống cà phê, nam nhân viên văn phòng này đều… buồn đi vệ sinh.
Anh chia sẻ: “Nhuận tràng sau khi uống cà phê cũng khá phiền toái nếu buổi sáng tôi có cuộc họp sớm. Tuy nhiên, thói quen uống cà phê rất khó bỏ, thiếu nó, tôi hầu như không thể tỉnh táo để làm việc”.
Tình trạng của K. giống với hàng nghìn người khác trên thế giới. Trong một nghiên cứu năm 1990, 29% người tham gia bị kích thích nhu động ruột sau khi uống cà phê. Tuy nhiên, không có câu trả lời chắc chắn về nguyên nhân cà phê gây nhuận tràng.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố
Theo ông Jill Deutsch, Giám đốc Chương trình Rối loạn Tiêu hóa Chức năng, Đại học Yale: “Không chỉ riêng caffeine gây kích thích nhu động ruột, nhiều yếu tố kết hợp trong cà phê là ‘thủ phạm’ gây ra tình trạng này”. Bởi cà phê là loại đồ uống chứa hơn 1.000 hợp chất hóa học, nhiều hợp chất trong số đó có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm. Và việc xác định cách chúng ảnh hưởng đến ruột là một thách thức, theo New York Times.
Đại tràng trải qua ba loại co bóp phối hợp với nhau để trộn, nhào và cuối cùng là tống chất thải ra ngoài. Sự xuất hiện, thời gian, tần suất của những cơn co thắt này chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố cơ, thần kinh và hóa học.
Healthline cho hay caffeine là chất kích thích tự nhiên giúp bạn tỉnh táo hơn. Mỗi cốc cà phê hòa tan có chứa khoảng 95 mg caffein.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra đây là chất kích thích các cơ co thắt trong ruột kết và cơ ruột. Các cơn co thắt trong ruột kết đẩy chất thải về phía trực tràng - điểm cuối cùng trong đường tiêu hóa.
Caffeine là một trong những chất góp phần khiến nhiều người cảm thấy nhuận tràng hơn sau khi uống cà phê. Ảnh: iStock.
Theo CNN, 12 người khỏe mạnh đồng ý đưa dò cảm biến vào trong ruột. Khoảng 10h ngày hôm sau, họ uống cà phê nóng, cà phê decaf, nước hoặc ăn món gì đó. Cả hai loại cà phê và bữa ăn đều gây nhiều cơn co thắt, áp lực cho ruột kết hơn so với nước. Nghiên cứu năm 1998 đã chỉ ra caffeine làm cho ruột kết hoạt động nhiều hơn 60% so với nước và 23% so với cà phê decaf (decaffeinated coffee - cà phê đã loại bỏ caffeine).
Cà phê decaf chứa nhiều Axit chlorogenic và N-alkanoyl-5-hydroxytryptamit. Các nghiên cứu đã phát hiện chúng có thể kích thích sản xuất axit dạ dày. Axit dạ dày giúp đảo thức ăn và di chuyển nhanh chóng qua ruột. Từ đây, nó khiến chúng ta cảm thấy buồn đi vệ sinh nhanh hơn.
Một nghiên cứu khác cho thấy hoạt động ruột của người uống cà phê tăng lên sau đó 4 phút, tác dụng này kéo dài ít nhất 30 phút.
Những kết quả này cho thấy cà phê không tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc ruột già mà ảnh hưởng đến nó qua hệ thống thần kinh hoặc phản ứng nội tiết. Melanoidin - hợp chất được hình thành trong quá trình rang cà phê - chứa nhiều chất xơ, giúp tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón.
Bên cạnh đó, cà phê cũng được chứng minh là có khả năng kích thích hormone, giúp đẩy thức ăn qua đường ruột. Ví dụ, nó làm tăng hormone gastrin, cholecystokinin. Những loại hormone này có thể tăng sự di chuyển của thức ăn qua ruột và liên quan phản xạ dạ dày, khiến ruột hoạt động nhiều hơn.
Nhuận tràng sau khi uống cà phê có thể mang lại lợi ích cho một số người. Ảnh: Shutter Stock.
Nhuận tràng sau khi uống cà phê có nguy hiểm?
TS Deutsch cho biết không có định lượng cụ thể bao nhiêu ml cà phê sẽ kích thích ruột, nó khác nhau ở từng người. “Không phải bất kỳ ai uống cà phê cũng sẽ nhuận tràng. Trên thực tế, một số người không bị ảnh hưởng”, ông nói thêm.
Trong khi đó, tiến sĩ Kyle Staller, Giám đốc Trung tâm thí nghiệm Dịch vụ Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, cho biết: “Trong một số trường hợp, nhuận tràng chỉ là một phần cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Không cần nhiều nghiên cứu để lý giải vì sao cà phê gây kích thích nhu động ruột nhiều hơn”.
Các chuyên gia nhận định chưa có nghiên cứu nào về việc nhuận tràng sau khi uống cà phê gây hại cho sức khỏe. Thậm chí, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng tích cực của việc này, nhất là với những người đang hồi phục sau một số phẫu thuật. Một nghiên cứu năm 2020 kết hợp 7 thử nghiệm lâm sàng phát hiện uống cà phê giúp bệnh nhân đã phẫu thuật đại trực tràng, phụ khoa tiêu hóa thức ăn rắn tốt hơn.
Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo nếu uống liên tục hơn 400 miligam caffein mỗi ngày (tương đương với một tách cà phê) có thể dẫn đến nghiện caffein. Caffeine không chỉ được tìm thấy trong cà phê mà còn có trong trà, nước ngọt và nước tăng lực. Nghiện chất này có thể gây cáu gắt, đau đầu, buồn nôn, tinh thần không tỉnh táo…