(Tổ Quốc) - Quả sơn tra được biết tới với nhiều cái tên gọi khác nhau như quả chua chát hay táo mèo. Sơn tra có tác dụng cực tốt trong việc giảm mỡ máu mà ít người biết tới.
Vị thuốc tốt, sạch mỡ máu
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ăn quá nhiều thực phẩm có nhiều cholesterol, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng nguy cơ phát triển cholesterol cao. Các yếu tố lối sống khác cũng có thể góp phần vào cholesterol cao bao gồm lối sống lười vận động và hút thuốc.
Cholesterol cao có thể gây ra mảng bám tích tụ trong động mạch. Theo thời gian, mảng bám này có thể thu hẹp động mạch. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như tai biến, đau tim, đau thắt ngực (đau ngực), huyết áp cao, bệnh mạch máu ngoại biên, bệnh thận mạn tính…
ThS. Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết trong Y học cổ truyền có rất nhiều dược phẩm đã được chứng minh có tác dụng làm giảm mỡ máu như lá sen, táo mèo, húng quế, cần tây, bồ công anh, quế, đinh hương, gừng, nhâm sâm, ngưu tất, trà xanh, bưởi, nho, thì là…
Đây đều là những loại cây, quả khá quen thuộc với người dân Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết tới tác dụng tốt cho sức khoẻ của các loại cây, quả trên để sử dụng đúng cách và phát huy tác dụng.
Trong các loại cây và trái cây ăn quả trên, ThS. Lương y Vũ Quốc Trung đặc biệt nhấn mạnh tới công năng của quả táo mèo. Trong Y học cổ truyền, sơn tra Việt Nam (táo mèo) có vị chua, ngọt, tính hơi ấm đi vào kinh tỳ, vị, can. Táo mèo có tác dụng giúp tiêu hoá, hành ứ, trừ đờm; chữa các chứng bệnh như đầy hơi, ăn không tiêu, đờm ẩm, giảm mỡ máu, an thần…
Táo mèo - vị thuốc quý (Ảnh minh hoạ).
Cây táo mèo mọc hoang nhiều ở khu Tây Bắc nước ta như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu… Theo sách "Cây thuốc Bài thuốc và Biệt dược" (xuất bản năm 2000), quả sơn tra Việt Nam có chất tanin, acid citric, tartaric...
Theo lương y Vũ Quốc Trung, tác dụng giảm mỡ máu của táo mèo đã được chứng minh. Việc dùng táo mèo giúp tăng bài tiết cholesterol ra ngoài cơ thể (hạ lipid máu) và phòng ngừa xơ vữa động mạch. Có thể dùng táo mèo 10-20g sắc nước uống hoặc tán bột hoàn viên, dùng liên tục trong 15 ngày.
Một bài thuốc khác có tác dụng hạ mỡ máu hiệu quả được lương y Trung giới thiệu đó là dùng táo mèo và mạch nha, cô chế thành dạng trà, ngày uống 2 lần, mỗi liệu trình 2 tuần.
Bên cạnh đó, người có mỡ máu cao cần hạn chế ăn các thịt mỡ, nội tạng động vật, tăng cường vận động để có hiệu quả tốt nhất.
Dược liệu tốt cho tiêu hóa
Đại tá, Lương y Bùi Hồng Minh , Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, cho hay táo mèo là loại quả dược liệu có nhiều công năng nhưng người dân chưa biết đến để dùng. Lâu nay, người dân chỉ dùng táo mèo để ngâm rượu uống hoặc là thứ quả ăn vậy khi buồn miệng. Việc không hiểu rõ được những công năng của táo mèo khiến cho uổng phí rất nhiều dược liệu tốt trong loại quả này.
Theo vị lương y Minh, ngoài tác dụng làm sạch mỡ máu, táo mèo còn được biết tới là một vị thuốc rất tốt cho tiêu hoá. Dùng táo mèo nấu cháo ăn giúp kích thích ăn ngon miệng, giảm khó tiêu và đầy hơi, tăng cường enzyme,...
Theo kinh nghiệm dân gian thường dùng 200g táo mèo, rửa sạch, ngâm với 300 ml rượu trắng. Sau một tuần đem hỗn hợp này ra uống, liều dùng ngày 2 lần, mỗi lần 10-15 ml. Bài thuốc này có tác dụng kích thích tiêu hoá, giúp tiêu hoá thức ăn tốt và tăng cường hấp thu thức ăn trong dạ dày.
Lương y Bùi Hồng Minh cho hay trường hợp ăn uống không tiêu do ăn quá nhiều chất đạm hoặc tiệc tùng triền miên, dùng táo mèo lượng vừa đủ, sắc uống giúp giảm tình trạng khó tiêu. Hoặc để hiệu quả tốt nên dùng táo mèo kết hợp với các vị thuốc khác như: táo mèo 10g, chỉ thực 6g, trần bì 5g, hoàng liên 2g, sắc và chia uống 3 lần/ ngày.
Táo mèo còn được biết đến là vị thuốc an thần hỗ trợ giấc ngủ, tăng cường sức khoẻ hiệu quả. Có thể dùng táo mèo khô hãm lấy nước uống giúp đi vào giấc ngủ nhanh hơn.
Ở một số nơi, người dân còn dùng quả táo mèo nấu thành nước để tắm rửa giúp chữa mụn ghẻ, lở trên da.
Viên bi trong mũi, cánh gà ngang thực quản: Những ca mắc dị vật khiến bác sĩ thót tim
Ngọc Minh