Các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc điện tử trước ngày 1/12/2022. Ảnh minh họa.
Thông tư nêu cụ thể: Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022; đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 1/12/2022.
Tiết kiệm thời gian
Đây là một trong nhiều bước tiến của ngành y tế với tầm nhìn tới năm 2030 mà ngành y tế đặt ra là việc ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh.
Thực tế cho thấy, việc áp dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử bệnh viện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Từ hơn 1 năm nay, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã triển khai phần mềm kê đơn thuốc điện tử. Từ khi ứng dụng phần mềm kê đơn thuốc điện tử kết hợp với phầm mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, việc khám chữa bệnh của các bác sĩ trở nên chính xác, tiết kiệm được thời gian cho cả bệnh nhân và bác sĩ.
TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang chia sẻ: “Lợi ích của việc triển khai đơn thuốc điện tử về 2 khía cạnh, lợi cả cho bệnh viện và lợi cả cho người bệnh. Đầu tiên, đối với người dân đó là có thể giảm đi thời gian chờ đợi để mua thuốc. Có thể hình dung thế này, trước đây bác sĩ ra đơn thuốc cho người bệnh thì cần in đơn thuốc đó, rồi người bệnh cầm đơn đó xuống nhà thuốc để mua còn bây giờ, bác sĩ ra đơn thuốc bằng phần mềm và nhà thuốc bệnh viện cũng nhận được đơn đó ngay. Thời gian người bệnh di chuyển xuống nhà thuốc cũng là thời gian nhân viên nhà thuốc chuẩn bị các loại thuốc, tránh thời gian chờ đợi. Một lợi ích khác dù nhỏ nhưng rất thiết thực đó là hướng dẫn sử dụng thuốc. Trước đây những hướng dẫn này thường do nhân viên bán thuốc viết tay, từ đó dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh nhưng khi triển khai kê đơn thuốc điện tử, những hướng dẫn này sẽ được in kèm cùng các loại thuốc. Còn về phía bệnh viện, tôi cho rằng lợi ích lớn nhất là giúp tối ưu hóa công tác quản lý. Có thể dễ dàng theo dõi việc xuất, nhập của các loại thuốc”.
Giảm tình trạng kê đơn tràn lan
PGS. TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, hình thức hình thức kê đơn thuốc điện tử khắc phục tình trạng tái bán các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và thuốc kiểm soát đặc biệt; thống kê, tổng hợp, phân tích việc kê đơn nhằm truy suất nguồn gốc và trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân trong trường hợp vi phạm và hỗ trợ công tác thanh kiểm tra.
Đồng thời, trên cơ sở dữ liệu của kho đơn thuốc có thể tạo ra báo cáo đánh giá đúng về hiện trạng sức khỏe của người dân cũng như các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, đưa tới dự báo tình hình, xu hướng bệnh tật, nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân trong hệ thống khám chữa bệnh.
Về phía người dân, bệnh nhân có thể mua thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam mà đảm bảo có đơn thuốc (bằng mã đơn của chính mình), hoặc có thể truy suất được bác sĩ đã kê đơn của mình, từ đó có thể kiến nghị phản hồi hoặc xin tái kê đơn. Người dân cũng được cảnh báo về các loại thuốc phải tái kê đơn, thuốc kháng sinh, các loại thuốc cấm khác và được cảnh báo về các đơn thuốc quá hạn, cần phải tái khám…
Được biết, mới đây, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản khẩn gửi đến phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức và các cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc) về việc quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Sở Y tế đề nghị phòng y tế quận, huyện, TP Thủ Đức hướng dẫn các nhà thuốc và người hành nghề trên địa bàn thực hiện tiếp nhận đơn thuốc điện tử. Các nhà thuốc trên địa bàn TP tiếp nhận đơn thuốc điện tử và liên thông dữ liệu bán thuốc thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trước đó, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 27/2021/TT-BYT về việc quy định kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Cụ thể, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 1/12/2022. Riêng các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022. Đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú.
Các cơ sở khám, chữa bệnh phải gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện.