Trang Chủ > Sức khỏe > Lo lắng gây nên tình trạng tăng thông khí

Lo lắng gây nên tình trạng tăng thông khí

VnExpress
24/08/2022 08:36:13

Tăng thông khí là tình trạng xảy ra khi nhịp hô hấp trong cơ thể tăng nhanh, sâu hơn bình thường. Các triệu chứng của chứng tăng thông khí đa dạng, từ cảm giác khó thở, chóng mặt, dị ứng, cảm, đau ngực, suy nhược toàn thân, chân tay yếu hoặc ngứa ran và một số triệu chứng khác.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân phổ biến dẫn đến chứng tăng thông khí là do phản ứng của cơ thể buộc chúng ta sản sinh ra các đợt thông khí quá mức để đáp ứng với những cơn lo lắng hoặc sợ hãi. Một nghiên cứu cho thấy, có khoảng 50% bệnh nhân bị rối loạn hoảng sợ đều cho biết họ thường xuất hiện các triệu chứng của tăng thông khí. Ngoài ra, cũng có 25% bệnh nhân mắc hội chứng tăng thông khí cũng có biểu hiện rối loạn hoảng sợ.

Lo lắng gây nên tình trạng tăng thông khí-1

Tăng thông khí thường do lo lắng, hoảng sợ hoặc căng thẳng. Ảnh: Freepik

Bởi khi cơ thể bắt đầu thở nhanh, sự cân bằng giữa việc hít vào khí oxy và thở ra khí cacbonic sẽ bị mất đi. Điều này dẫn đến hiện tượng giảm nhanh lượng khí cacbonic trong cơ thể. Vì khi nồng độ cacbonic trở nên thấp đi, nó có thể làm thay đổi độ pH trong máu, khiến cơ thể cảm thấy lâng lâng. Trong một số trường hợp hiếm hoi, người mắc tăng thông khí có thể bị ngất xỉu.

Hầu hết mọi người không nhận ra rằng họ đang mắc chứng tăng thông khí cho đến khi giác khó thở và một số triệu chứng khác bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Vì vậy, người bệnh thường gặp trở ngại trong việc kiểm soát hoàn toàn tất cả cơn lo âu.

Hướng điều trị cho người mắc tăng thông khí

Nếu tình trạng tăng thông khí xảy ra do lo lắng hoặc căng thẳng, người bệnh có thể điều trị tại nhà để đưa nhịp thở trở lại bình thường. Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp điều trị chứng tăng thông khí bao gồm:

Thở 4-7-8: Bài tập thở 4-7-8 đóng vai trò như một liều thuốc an thần tự nhiên cho hệ thần kinh. Để thực hiện, bạn hãy bắt đầu bằng cách ngồi thẳng lưng. Bạn đặt đầu lưỡi dựa vào phần mô phía sau răng cửa trên và giữ chặt rồi thở ra bằng miệng, Sau đó, người tập ngậm miệng và hít vào nhẹ nhàng bằng mũi khi nhẩm đếm đến bốn và giữ hơi thở để đếm bảy. Cuối cùng, bạn thở ra hoàn toàn bằng miệng để đếm đến tám.

Thở qua lỗ mũi: thở qua lỗ mũi (ANB) là một kỹ thuật thở khác có thể được thực hiện như một phần của bài tập yoga hoặc thiền. Đầu tiên, người tập cần che miệng lại, đóng lỗ mũi bên phải và hít vào bằng bên trái. Sau đó, thay phiên bằng cách đóng lỗ mũi bên trái và hít vào bằng bên phải. Bạn lặp lại mô hình này cho đến khi nhịp thở trở lại bình thường.

Thở bằng cơ hoành: cơ hoành là một cơ lớn nằm bên dưới phổi và tim. Khi hít vào, cơ hoành sẽ co thắt lại, tạo ra nhiều không gian hơn trong lồng ngực để phổi nở ra. Khi thở ra, cơ hoành sẽ giãn nở, đẩy không khí ra ngoài. Để thở bằng cơ hoành đúng cách, bạn hãy tập luyện trước ở tư thế nằm ngửa. Tiếp đến, bạn đặt một tay lên ngực và tay kia lên xương sườn. Sau đó, người tập hít sâu đến khi bụng phồng lên và thở ra. Nếu thở đúng, xương sườn sẽ trồi lên và hạ xuống nhưng ngực, vai không cử động. Bạn lặp lại từ 5 - 10 phút mỗi ngày. Khi quen thuộc hơn, bạn hãy thở cơ hoành khi ngồi, cuối cùng là đứng.

Để ngăn ngừa chứng tăng thông khí, mỗi người có thể học các kỹ thuật thở và thư giãn như thiền hoặc các bài tập như thái cực quyền, yoga hoặc khí công. Bên cạnh đó, người chưa mắc tăng thông khí và người đã xuất hiện triệu chứng cũng cần tuân thủ tập thể dục thường xuyên (đi bộ, chạy, đi xe đạp..), xây dựng thói quen giữ bình tĩnh trong mọi tình huống.

Huyền My (Theo Healthline, Verywell Health )