Doanh thu không đủ chi tiền điện nước, vệ sinh...
Chiều 30/8, tại buổi khảo sát của Đoàn công tác Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM về hoạt động khám chữa bệnh, chăm lo đời sống cho y bác sĩ tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, nơi này hiện có gần 1.600 viên chức, cán bộ, trong đó có 432 bác sĩ. Năm 2021, nhân viên bệnh viện có thu nhập bình quân gần 8,1 triệu đồng/tháng.
Theo bác sĩ Thịnh, từ tháng 10/2020 đến nay, cơ sở 2 của bệnh viện tại TP Thủ Đức (quy mô đầu tư xây dựng 5.800 tỷ đồng) bắt đầu đi vào hoạt động. Doanh thu tại cơ sở này không đủ để chi cho các hoạt động thường xuyên như tiền điện nước, tiền vệ sinh, cảnh quan môi trường, bảo hành, bảo trì thiết bị...
Để đủ ngân sách duy trì các hoạt động, bệnh viện đã tiết kiệm tối đa, tạm ngưng mua sắm thiết bị văn phòng, thiết bị y tế.
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM phản ánh những khó khăn của bệnh viện và nhân viên y tế (Ảnh: Hoàng Lê).
Về công tác đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, bác sĩ Thịnh chia sẻ, phía bệnh viện gặp một số khó khăn trong việc cung ứng. Điển hình như một số thuốc điều trị ung thư (Vinblastin, Dactinomycin...) không có nguồn cung sẵn trên thị trường.
Theo bác sĩ Thịnh, phần lớn thuốc chuyên khoa ung bướu là các thuốc nhập khẩu. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu có thể dẫn đến nguy cơ thiếu thuốc ở một số thời điểm.
Lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM cũng cho biết, nơi này chưa thể nhận bàn giao thiết bị y tế tại cơ sở 2, vì phải chờ quy trình bàn giao được ban hành. Công tác nhập tài sản cũng chưa có công văn hướng dẫn cụ thể từ cơ quan chức năng.
Doanh thu tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 không đủ để chi cho các hoạt động thường xuyên như điện nước, vệ sinh, bảo trì thiết bị... (Ảnh: Hoàng Lê).
Xin cấp 158 tỷ đồng kinh phí bảo trì
Từ thực trạng trên, Bệnh viện Ung bướu kiến nghị giảm thủ tục hành chính để việc cấp số đăng ký thuốc diễn ra nhanh hơn.
Bệnh viện mong sớm thực hiện đấu thầu tập trung để có giá thuốc thống nhất, tốt nhất cho người bệnh, cũng như có thể luân chuyển thuốc, tránh được tình trạng thiếu thuốc khi bệnh nhân tăng đột biến.
Bệnh viện cho rằng cần xây dựng luật riêng cho đấu thầu thuốc, thay vì dùng chung cho tất cả các ngành. Cần có công văn hướng dẫn cụ thể về việc nhập tài sản, quy trình bàn giao trang thiết bị...
Ngoài ra, các trang thiết bị của bệnh viện dù chưa được bàn giao nhưng đã đưa vào sử dụng từ thời điểm dịch Covid-19, sắp tới sẽ đến thời gian bảo hành, bảo trì. Để đảm bảo hoạt động liên tục và hiệu quả, Bệnh viện Ung bướu TPHCM xin cấp kinh phí dự trù bảo trì cho cơ sở 2 đến năm 2023 là 158 tỷ đồng.
Trong đó, 35 tỷ đồng dành cho các hệ thống kỹ thuật (trung tâm điều hòa không khí, thang máy, xử lý nước thải...), còn trang thiết bị y tế (hệ thống xạ trị, thiết bị xét nghiệm, giải phẫu bệnh, siêu âm, nội soi...) là 123 tỷ đồng.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM vẫn chưa được nhận bàn giao trang thiết bị y tế cho cơ sở 2 (Ảnh: Hoàng Lê).
Có mặt tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, Bệnh viện Ung bướu TPHCM là một trong những đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
Số lượng bệnh nhân sau dịch giảm bình quân 40-60%, dẫn đến tất cả các nguồn thu đều giảm. Bệnh viện là đơn vị tự chủ tài chính nên việc xin hỗ trợ chi phí điện nước, tiền cây xanh, bảo trì... từ ngân sách gặp rất nhiều khó khăn.
PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, thành viên đoàn công tác nhận định, hiện nay, chi phí quản lý và chi phí khấu hao trang thiết bị y tế của bệnh viện là rất lớn. Nếu không được đầu tư hỗ trợ thì 1-2 năm nữa, máy móc có thể xuống cấp, người chịu thiệt nhất chính là bệnh nhân.
Sau khi nghe các ý kiến, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - xã hội đề nghị thành viên chuyên trách của ban ngồi lại với bệnh viện và Sở Y tế để hệ thống lại các khó khăn và kiến nghị, từ đó tham mưu cho thường trực HĐND TPHCM ra văn bản gửi đến UBND TPHCM để có sự hỗ trợ.
Về vấn đề đấu thầu, ông Bình cho rằng không nên quá cứng nhắc trong việc đấu thầu tập trung mà tùy theo tình hình để đề xuất cách thực hiện phù hợp.
Ông Bình cũng cho biết, sắp tới địa phương sẽ kiến nghị với Quốc hội để góp ý, sửa đổi Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM. Do đó, Sở Y tế cần phải phối hợp với các Sở ngành để bàn luận, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.