ThS.BS.CKII Trịnh Quang Trí - Phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, hiện nay số lượng người bị cận thị, độ tuổi ngày càng trẻ hóa và chi phí cho việc điều trị cận thị ngày càng cao.
Nếu ngày xưa học sinh lớp 9, lớp 10 mới bị cận thị thì nay lớp 3, lớp 4, thậm chí mẫu giáo đã có trẻ đeo kính cận rồi. Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để kiểm soát cận thị (điều trị giúp làm chậm sự phát triển cận thị).
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, người châu Á dễ bị cận thị hơn người châu Âu, và những trẻ có thời gian nhìn gần trên 3 giờ mỗi ngày, ít thời gian vui chơi ngoài trời sẽ có nguy cơ cận thị cao hơn các bé khác.
Biểu hiện cận thị ở trẻ cũng dễ nhận thấy: trẻ thường kéo sách gần lại, ngồi gần tivi, hoặc thường nhức đầu, chóng mặt do mắt phải điều tiết nhiều. Do đó phụ huynh để ý thấy con mình có những dấu hiệu này thì nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa mắt để khám. Nếu không phát hiện và điều trị cận thị, có thể dẫn đến các biến chứng: bong võng mạc, nhược thị, thoái hóa hoàng điểm, mù mắt…
Cũng theo ThS.BS.CKII Trịnh Quang Trí, hiện nay các phương pháp “kiểm soát cận thị”, giúp làm chậm sự phát triển cận thị: dùng thuốc Atropine liều thấp (0,01%), kính hai tròng, kính áp tròng mềm đa tiêu, kính áp tròng ban đêm.
Đồng thời, các bác sĩ có thể dự đoán độ cận theo tuổi dựa theo: sắc tộc, tuổi, tật khúc xạ hiện tại, phương pháp kiểm soát… để tiên lượng độ cận thị của một cá nhân sẽ tiến triển như thế nào, từ đó đưa ra phương án theo dõi phù hợp. Thông thường là cứ sau 6 tháng bệnh nhân cần tái khám để cắt kính khác, vì lúc này độ cận đã tăng.
ThS.BS.CK2 Trịnh Quang Trí nhấn mạnh không có phương pháp nào giúp chặn đứng việc tăng độ, mà chỉ có thể giúp việc tăng độ chậm lại. Ví dụ: nếu không đeo kính, 10 năm trẻ tăng 10 độ, còn có đeo kính sẽ chỉ tăng 5 độ.
Các phương pháp kiểm soát độ cận thị được đưa ra theo các cơ chế: thuyết điều tiết, thuyết khúc xạ ngoại vi… Có 4 phương pháp kiểm soát cận thị: dùng thuốc Atropine liều thấp (0.01%), kính hai tròng, kính áp tròng mềm đa tiêu, kính áp tròng ban đêm ORTHO-K.