Cuộc họp khẩn "giải cứu" hơn 100 F0
1 giờ sáng, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ, bầu không khí tĩnh mịch len lỏi trên khắp các con đường của TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tôi trở về phòng sau khi kết thúc công việc hàng ngày, vừa kịp ngả lưng thì tiếng chuông điện thoại vang lên bên cạnh, ngước nhìn màn hình, cuộc gọi đến là của TS. Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM cũng là Trưởng đoàn hỗ trợ công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế tại Tiền Giang.
Giọng TS. Thượng gấp gáp: "Alo, ngủ chưa em, chút nữa có cuộc họp khẩn bên UBND tỉnh, tìm hướng giải quyết ổ dịch lớn mới phát sinh tại TTCTXH tỉnh, em tham gia cùng nhé".
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang và Đoàn công tác Bộ Y tế họp khẩn trong đêm.
Nghe vậy, tôi lập tức bật dậy khỏi giường, chuẩn bị máy tính, máy ảnh và không quên cầm theo cuốn sổ nhỏ để tiện ghi chép lại những thông tin quan trọng. Vào thời điểm giữa tháng 8 năm 2021, khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành tại các tỉnh thành phía Nam, việc xuất hiện những ổ dịch mới là điều diễn ra hàng ngày, thế nhưng, ổ dịch tại TTCTXH tỉnh Tiền Giang lại có phần đặc biệt hơn.
Đúng 1h30', các thành viên Đoàn công tác Bộ Y tế cùng với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang đã có mặt tại phòng họp. Bầu không khí trong phòng họp trở nên căng thẳng hơn khi đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) báo cáo.
TTCTXH có 86 nhân viên và 357 đối tượng dễ tổn thương được bảo trợ xã hội, trong đó chủ yếu là người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em và người già neo đơn.
Trong khi độ phủ vaccine của Tiền Giang còn chưa cao, nhiều F0, F1 tại trung tâm là người có bệnh nền, có vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, ổ dịch tại Trung tâm được đánh giá là tiềm ẩn nhiều nguy cơ lan rộng, đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Tính đến thời điểm diễn ra cuộc họp, ổ dịch tại TTCTXH đã ghi nhận tổng cộng 68 ca F0 trong tổng số 443 cán bộ nhân viên và đối tượng dễ tổn thương. Đặc biệt do F0 đầu tiên là nhân viên phục vụ ăn uống tại Trung tâm, có tiếp xúc gần với các đối tượng bảo trợ, vì vậy khiến tốc độ lây nhiễm diễn ra nhanh, nguy cơ diễn biến nặng là rất cao.
Bản thân là một phóng viên, đã từng vào ra những tâm dịch lớn, tôi hiểu được sự nguy hiểm cũng như tính cấp bách của tình huống hiện tại. Những cán bộ, nhân viên y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch đang ngồi trong căn phòng này cũng hiểu rõ điều đó, tất cả đều im lặng lắng nghe báo cáo, sự lo lắng hiện rõ trên khuôn mặt mỗi người.
Điều dưỡng tại TTCTXH trò chuyện cùng một bệnh nhi.
"Vấn đề tiên quyết lúc này chính là tìm ra nguồn lây, khoanh vùng và cắt đứt con đường lây nhiễm của dịch bệnh, cùng với đó là tích cực điều trị cho những trường hợp diễn biến nặng" - TS. Nguyễn Vũ Thượng nhấn mạnh sau một hồi suy nghĩ.
Lắng nghe ý kiến của Trưởng đoàn công tác Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Tiền Giang và Đoàn công tác đã nhanh chóng đưa ra các phương án để sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh tại ổ dịch này.
Theo đó, các ca F0, F1 sẽ được cách ly ngay tại chỗ, TTCTXH sẽ được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến, nếu các ca bệnh có diễn biến nặng sẽ chuyển qua trung tâm hồi sức tích cực của tỉnh. Sở Y tế được yêu cầu nhanh chóng triển khai tập huấn cho nhân viên tại Trung tâm về công tác chăm sóc, điều trị cho các ca F0.
Các trường hợp F1 được cách ly thành 03 khu bao gồm: Trẻ em, phụ nữ; người già; các đối tượng còn lại. Bên cạnh đó phải tiến hành song song công tác truy vết F1 của các nhân viên F0 ở ngoài cộng đồng.
Sau khi tất cả thành viên đã thống nhất phương án phòng chống dịch, cuộc họp kết thúc, lúc này đã hơn 3h sáng. Tôi vội trở về phòng, biên tập lại thông tin rồi hoàn thành bài viết để kịp giờ xuất bản. Hoàn thành xong cũng là lúc đồng hồ điểm mốc 4h sáng. Tôi và các thành viên chỉ kịp chợp mắt một lúc để lấy sức chiến đấu cho một ngày mới.
Đặt lưng xuống chiếc giường êm ái sau một ngày mệt nhoài, nghĩ về ổ dịch lớn mới phát sinh tại TTCTXH, hình ảnh những con người mà tôi chưa từng gặp qua trong đời cứ quanh quẩn trong tâm trí, vốn dĩ họ đã chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi, nay lại phải đối mặt với dịch bệnh. Tới đây thôi, tôi không dám hình dung ra những tình huống xấu hơn và nuôi trong mình một niềm tin rồi mọi chuyện sẽ qua, những điều tốt đẹp sẽ đến với những con người nơi đây.
Cảm động trước tình thương dành cho những người yếu thế
6h sáng hôm sau, được sự phân công của TS. Nguyễn Vũ Thượng, tôi cùng BS. Phạm Văn Đức, Khoa Hồi sức - Phẫu thuật tim, Bệnh viện Chợ Rẫy, thành viên tổ điều trị Đoàn công tác Bộ Y tế đã tức tốc di chuyển đến TTCTXH để nắm bắt tình hình, đồng thời nhanh chóng đưa ra những phương án xử trí thích hợp.
Sau khi phát hiện ổ dịch đã ghi nhận 02 trường hợp tử vong; 04 trường hợp diễn biến nặng đã được chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh. Nếu như chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 bình thường đã khó, thì chăm sóc cho những bệnh nhân tâm thần, người khuyết tật... mắc COVID-19 còn khó hơn gấp nhiều lần.
Có mặt tại đây tôi mới hiểu được phần nào những vất vả, hy sinh của những cán bộ, nhân viên y tế tại TTCTXH đã trải qua. Các bệnh nhân đều là người già, người có vấn đề về tâm lý, phần lớn không thể kiểm soát hành vi của mình. Trong quá trình thăm khám, một số người bệnh tỏ ra không hợp tác vì vậy gây khó khăn cho việc điều trị. Vậy nhưng những cán bộ y tế tại đây vẫn kiên trì, mẫn cán chăm sóc các bệnh nhân đặc biệt mà không một lời ca thán.
Đối với bản thân tôi, đây cũng là một trong những lần tác nghiệp "khó nhằn" nhất. Số ca nhiễm mới tăng nhanh từng giờ, lực lượng tại chỗ mỏng, vì vậy số liệu do các nhân viên y tế tại Trung tâm cung cấp không phải là con số chính xác nhất. Bên cạnh đó, đa số bệnh nhân đều là người có vấn đề về sức khỏe, tâm thần, lại đang trong trạng thái suy kiệt, việc trò chuyện, chia sẻ với họ là rất khó khăn; nhiều bệnh nhân tỏ ra sợ hãi khi thấy tôi ghi hình bằng điện thoại, máy ảnh và tìm mọi cách để né tránh.
Rất may mắn cho tôi, với sự giúp đỡ của BS. Phạm Văn Đức và BS. Ngô Văn Vũ Trọng (Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang) - người trực tiếp theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân tại đây - tôi đã vượt qua được những khó khăn bước đầu. Vì là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân, BS. Trọng đã giúp tôi "kết nối", trò chuyện được với người bệnh, lắng nghe những câu chuyện và tâm sự của họ.
Các trường hợp F0 tại TTCTXH tỉnh Tiền Giang đều là người có vấn đề về sức khỏe, tâm thần.
"Bệnh nhân P.D.H đã ngoài 90 tuổi, huyết áp cao, mặc dù đã chăm sóc và điều trị tận tình nhưng do tuổi cao, sức yếu nên bệnh diễn biến nhanh. Khi bệnh nhân khó thở nhiều hơn, chỉ số SPO2 (nồng độ oxy trong máu) là 75%, sau khi cho bệnh nhân thở oxy túi đã tăng lên trên 80%, tuy nhiên tiên lượng vẫn nặng. Ngay lập tức chúng tôi đã cho chuyển bệnh nhân lên Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh để theo dõi và điều trị", BS. Trọng thông tin thêm về một ca bệnh vừa được ê-kíp thăm khám.
Không chỉ nỗ lực về mặt điều trị, các y bác sĩ ở đây còn luôn nhẫn nại và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của những bệnh nhân có chút đặc biệt so với các F0 mà họ từng tiếp xúc. Mỗi con người, mỗi mảnh đời khác nhau, thế nhưng giờ đây như những người trong gia đình.
Kết thúc buổi làm việc, chúng tôi tạm biệt những cán bộ, nhân viên và bệnh nhân tại TTCTXH. Xe chuyển bánh, những dáng người nhỏ bé mờ dần, thế nhưng đối với tôi, hình ảnh những chiến sĩ áo trắng đi từng phòng, kiên nhẫn thăm khám, dặn dò và chia sẻ cùng bệnh nhân - những người yếu thế trong xã hội - luôn đọng lại trong tâm trí, những con người nhỏ bé nhưng mang trong mình tình yêu ấm nồng đối với đồng bào khiến chúng tôi vô cùng cảm phục.
Là một người trẻ, một trong số ít những phóng viên báo chí có cơ hội được tác nghiệp tại điểm nóng dịch bệnh, tôi hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với công việc được giao phó và đối với xã hội. Chứng kiến những mảnh đời vốn đã khó khăn, nay lại thêm cùng cực vì mắc COVID-19, tôi không khỏi xúc động, thương cảm và mong muốn chia sẻ câu chuyện của họ đến với cộng đồng, để họ nhận được nhiều hơn sự giúp đỡ, để phần nào giúp họ vượt qua được nghịch cảnh này.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng