Đau chân thường là do đau cơ xương khớp, vấn đề thần kinh hoặc mạch máu. Hầu hết các cơn đau chân đều thuộc 1 trong 3 dạng này, theo tạp chí y khoa Medical News Today (Anh).
Nếu cơn đau chân không rõ nguyên nhân kèm theo các biểu hiện như da nhợt nhạt, lạnh, sưng đau thì cần đến bác sĩ để kiểm tra ngay SHUTTERSTOCK
Cơn đau có thể nhẹ, xuất hiện liên tục hay bùng phát dữ dội và đột ngột. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà cảm giác có thể là tê, ngứa ran, nóng rát hay đau nhức. Bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân cơn đau đề từ đó có cách điều trị phù hợp.
Đau chân do đau cơ xương khớp thường xảy ra do té ngã, chấn thương thể thao . Các vấn đề thường gặp là đau nhức bắp chân, gãy xương, bong gân hoặc chuột rút.
Nếu đau chân là do chấn thương nhẹ thì có thể sớm phồi phục sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, nếu bị gãy xương, bong gân nặng hoặc nghe tiếp khớp xương kêu lộp cộp ngay khi chấn thương thì phải đến gặp bác sĩ ngay.
Trong khi đó, đau chân do vấn đề thần kinh và mạch máu thường do bệnh tiềm ẩn. Nếu đau chân kèm theo cảm giác giống như kim chích, tê, ngứa ran, thì có thể do chèn ép dây thần kinh .
Với nguyên nhân mạch máu, một trong những bệnh cần lưu ý nhất là huyết khối tĩnh mạch sâu. Huyết khối ở tĩnh mạch chân sẽ gây cảm giác đau, sưng và nóng ở chân. Huyết khối này nếu xuất hiện hoặc di chuyển đến mạch phổi sẽ gây thuyên tắc phổi. Triệu chứng thường gặp của thuyên tắc phổi là khó thở, đau ngực, đôi khi ho ra máu.
Động mạch ngoại biên là căn bệnh mạch máu khác cũng có triệu chứng đau chân. Động mạch lưu thông đến chân bị thu hẹp do các mảng xơ vữa, làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ. Triệu chứng điển hình của bệnh là đau chân khi hoạt động thể chất, vết thương lâu lành và chân lạnh.
Các chuyên gia khuyến cáo nếu bạn đau chân không rõ nguyên nhân mà kèm theo các biểu hiện như da chân nhợt nhạt, lạnh, sưng, đau bắp chân, cơ thể bị sốt và nhiễm trùng thì cần phải đi khám ngay. Đây là những dấu hiệu cảnh báo đang có bệnh tiềm ẩn gây đau chân, theo Medical News Today.