Hơn một năm nay, chị Nguyễn Thị Hạnh (quận 10) có triệu chứng khàn tiếng, vướng họng kéo dài không rõ nguyên nhân, điều trị nội khoa ở nhiều nơi nhưng không thuyên giảm.
ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, ngoài khàn tiếng kéo dài, bệnh nhân nói chuyện phải gắng sức lâu ngày gây hụt hơi, đau nhức vùng cổ, ngáy nhiều, vẻ mặt mệt mỏi. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện tổn thương nang dây thanh (tổn thương dạng túi chứa dịch bên trong). Nhận thấy tình trạng nghiêm trọng, nếu điều trị chậm trễ ảnh hưởng đến chất lượng sống và kéo theo nhiều biến chứng khác, bác sĩ Hằng chỉ định phẫu thuật 2 tuần sau đó cho bệnh nhân.
Bác sĩ Hằng chia sẻ thêm, người bệnh được phẫu thuật cắt nang dây thanh bằng phương pháp soi treo vi phẫu thanh quản qua nội soi trong khoảng 30 phút. Hệ thống phẫu thuật nội soi Karl Storz của Đức với cán soi treo thanh quản cải tiến có cổng giữ nội soi, cho phép phẫu thuật viên thao tác bằng hai tay để lấy bệnh tích chính xác hơn.
Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, nang dây thanh lành tính. Sau mổ, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại và tiếp tục được theo dõi tại bệnh viện 24 giờ. Bệnh nhân phục hồi tốt và được xuất viện vào ngày hôm sau.
Bệnh nhân cần hạn chế nói chuyện ít nhất trong vòng 5-7 ngày đầu sau phẫu thuật; nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng; kiêng thức ăn cay, chua, cứng, nóng, rượu, bia, thuốc lá, tránh các thức ăn dị ứng; không la hét, ca hát, tằng hắng, ho khạc hay nói nhiều trong vòng 2 tuần sau phẫu thuật. Hiện tại, giọng bệnh nhân phục hồi gần như bình thường, nội soi kiểm tra dây thanh thẳng, khép kín, không còn tổn thương.
Đau họng, khàn tiếng có thể do bệnh lý của thanh quản. Ảnh: Shutterstock
Những lưu ý về nang dây thanh
Nang dây thanh là một tổn thương dạng túi chứa dịch bên trong, nằm sâu dưới lớp niêm mạc bề mặt dây thanh, thường có màu trắng hoặc ánh vàng. Đây là tổn thương lành tính, không tiến triển thành ung thư nhưng ảnh hưởng đến chức năng giọng nói.
Bệnh chủ yếu xuất hiện ở người trưởng thành, người sử dụng giọng nói nhiều như ca sĩ, giảng viên, kinh doanh, buôn bán, nhân viên tư vấn... hoặc có thói quen tằng hắng. Các triệu chứng thường gặp gồm khàn tiếng, nói mệt, hụt hơi. Khi các triệu chứng này kéo dài, mức độ ngày càng tăng cho thấy tổn thương diễn tiến theo chiều hướng nặng và không phục hồi giọng nói. Nếu không xử trí nang dây thanh, người bệnh gắng sức để nói dẫn đến khàn giọng, đau nhức vùng cổ, hụt hơi, mệt mỏi, vướng họng ... ảnh hưởng đến giao tiếp, tâm lý, chất lượng sống.
Theo bác sĩ Thúy Hằng, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của nang dây thanh chủ yếu do nói nhiều, nói to hoặc nói liên tục trong thời gian dài. Một số bệnh lý khác vùng tai mũi họng cũng có thể gián tiếp gây bệnh. Viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng do trào ngược dạ dày thực quản khiến cho các dịch tiết tiếp xúc với dây thanh thời gian dài dẫn đến viêm, phù nề, tạo tổn thương dây thanh như nang dây thanh.
Bác sĩ Thúy Hằng khuyên, không nên tạo thói quen tằng hắng, nói quá nhiều, quá to, hò hét, không hút thuốc lá, uống rượu bia để phòng ngừa nang dây thanh. Giai đoạn đầu khàn tiếng là dấu hiệu cho biết dây thanh đã làm việc căng thẳng, cần nghỉ ngơi. Nếu triệu chứng khàn tiếng kéo dài sau khi nghỉ ngơi hoặc ở những người có nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu bia thì nên khám tai mũi họng sớm.
Người sau phẫu thuật nang dây thanh cần thay đổi thói quen không tốt khi nói, luyện giọng, thay đổi chế độ ăn uống khi liên quan, điều trị bệnh lý nguyên nhân nếu có, điều trị triệu chứng hỗ trợ cho dây thanh phục hồi. Thuốc sẽ bao gồm nhiều loại tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh; có thể bao gồm nhóm thuốc kháng viêm toàn thân hoặc tại chỗ, thuốc loãng đàm...
Người bệnh nên thăm khám khi có các triệu chứng về tai, mũi, họng kéo dài trên 2 tuần không khỏi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Người bị nang dây thanh nếu có kèm theo bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản cần tuân thủ chế độ ăn uống hạn chế tình trạng này như tránh ăn đồ chua cay, thức ăn dị ứng, tránh uống rượu bia, thuốc lá, không ăn khuya ít nhất 3 tiếng trước khi nằm ngủ, uống nhiều nước. Mỗi lần cảm giác vướng đờm ở họng thay vì tằng hắng khạc đờm, người bệnh nên uống 2-3 ngụm nước để làm sạch dịch tiết ở vùng họng - hạ họng.
Nguyên Phương