Trang Chủ > Sức khỏe > Khai báo y tế tại cửa khẩu ngăn đậu mùa khỉ: Có cần thiết?

Khai báo y tế tại cửa khẩu ngăn đậu mùa khỉ: Có cần thiết?

Tuổi Trẻ
30/07/2022 08:32:50

TTO - Nếu kiến nghị của TP.HCM được Bộ Y tế chấp thuận, tất cả hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu trên địa bàn TP.HCM sẽ phải khai báo y tế nhằm sàng lọc bệnh đậu mùa khỉ, sau 3 tháng việc khai báo y tế được dỡ bỏ khi dịch COVID-19 tạm lắng.

  • TP.HCM khuyến cáo người nghi bệnh đậu mùa khỉ đến bệnh viện xét nghiệm
  • Phòng đậu mùa khỉ, TP.HCM đề xuất cho người nhập cảnh khai báo việc nổi mụn nước, mụn mủ
  • WHO Việt Nam: Nguy cơ đậu mùa khỉ tại Việt Nam 'từ thấp đến trung bình'

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng việc áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh là chưa thực sự cần thiết, chưa kể nếu thực hiện không khéo có thể ảnh hưởng đến tâm lý du khách khi TP.HCM và cả nước đang mở cửa phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

"Nhanh gọn, không gây phiền hà"?

Trao đổi với Tuổi Trẻ về kiến nghị này, PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho rằng cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy không bùng phát dữ dội như dịch COVID-19 nhưng thực tế, việc nhận biết chủ thể mắc bệnh đậu mùa khỉ khá khó khăn (như nổi mụn nước - mủ kín trong cơ thể, ở bộ phận sinh dục...), do đó giám sát phát hiện sớm ca nghi/mắc bằng khai báo y tế ở cửa khẩu rất quan trọng, cần thiết.

"Nội dung khai báo y tế chỉ có 3 dòng nên rất gọn. Đây mới chỉ là kiến nghị, còn phải chờ ý kiến từ Bộ Y tế. Nhưng nếu được chấp thuận chúng tôi sẽ triển khai trên tinh thần hết sức nhanh gọn, tránh tình trạng ùn ứ như trước đây và quan trọng là không gây phiền hà cho du khách", ông Thượng nói.

Trước đó, việc khai báo y tế khi nhập cảnh là yêu cầu bắt buộc suốt một thời gian dài khi dịch COVID-19 bùng phát với nhiều biến chủng nguy hiểm lây lan khắp các nước. Và yêu cầu này được dỡ bỏ cách đây 3 tháng, sau khi Bộ Y tế ký văn bản hỏa tốc áp dụng vào ngày 27-4-2022.

Trước đó, TP.HCM cũng là một trong các địa phương đầu tiên có văn bản kiến nghị Bộ Y tế tạm ngưng khai báo y tế đối với người nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất.

Khai báo y tế tại cửa khẩu ngăn đậu mùa khỉ: Có cần thiết?-1

Trong đợt dịch COVID-19, việc quản lý khai báo y tế hành khách nhập cảnh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) đã có nhiều bài học kinh nghiệm - Ảnh: NAM TRẦN

Văn bản kiến nghị Bộ Y tế tái lập khai báo y tế với hành khách nhập cảnh tại cửa khẩu lần này, do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký, nêu căn cứ vào tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23-7.

"UBND TP.HCM nhận thấy trong giai đoạn hiện nay, việc chủ động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu nhằm truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh, xử lý không để bệnh lây lan trong cộng đồng là nhiệm vụ cấp bách", văn bản nêu.

Bằng hình thức này, các trường hợp người nhập cảnh khai báo có triệu chứng nghi ngờ hoặc có yếu tố dịch tễ sẽ được chuyển đến khu vực riêng để khám sàng lọc, đồng thời khai thác yếu tố dịch tễ gồm các nội dung thông tin cá nhân và 3 câu hỏi về tình hình sức khỏe như có bị sốt không, có tiếp xúc với người nghi hoặc nhiễm đậu mùa khỉ và có bị nổi hạch, phát ban, nổi mụn nước - mủ trên cơ thể...

WHO cũng vừa khuyến cáo Việt Nam cần kích hoạt hoặc thiết lập cơ chế phối hợp đa ngành giữa Bộ Y tế và các ban ngành khác để tăng cường sẵn sàng ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ và ngăn chặn sự lây truyền bệnh từ người sang người. Mục tiêu là ngăn ngừa sự lây truyền âm thầm của virus trong cộng đồng.

Trọng tâm của những can thiệp này là khuyến khích người dân tự khai báo và tìm kiếm cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh; tạo điều kiện tiếp cận kịp thời với dịch vụ khám chữa bệnh ban đầu, đồng thời bảo vệ quyền con người, quyền riêng tư của các cá nhân bị ảnh hưởng bởi bệnh đậu mùa khỉ.

Khai báo y tế tại cửa khẩu ngăn đậu mùa khỉ: Có cần thiết?-2

Đồ họa: TUẤN ANH

Chuyên gia nhận định "chưa cần thiết"

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau kiến nghị của TP.HCM, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho rằng dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta là có thể xảy ra. Do đó, việc tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh ngay cửa khẩu phải được ưu tiên hàng đầu.

"Đặc biệt, cần sớm phát hiện nhanh chóng những ca đầu tiên, tránh hiện tượng ca bệnh đã xâm nhập và lây lan trong cộng đồng mà không biết", ông Phu khuyến cáo.

Tuy nhiên, theo ông Phu, dù bệnh đậu mùa khỉ đã xảy ra ở hơn 70 quốc gia trên thế giới nhưng dịch vẫn đang xảy ra ở trên một số nhóm đối tượng nhất định (quan hệ đồng tính, lưỡng tính), nên chưa cần thiết thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả những người nhập cảnh đến từ vùng dịch. Việc áp dụng khai báo hàng loạt với số lượng người lớn sẽ gây tốn kém và có thể gây ách tắc quá trình nhập cảnh tại sân bay.

"Việc khai báo y tế chỉ nên áp dụng những người đi từ vùng dịch có triệu chứng nghi ngờ (có những vết loét trên cơ thể), người từng hoặc nghi ngờ tiếp xúc với ca bệnh... Người dân đã nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động khai báo tại cơ quan y tế để có biện pháp cách ly, theo dõi phù hợp, tránh dịch lây lan", ông Phu nói.

Khai báo y tế tại cửa khẩu ngăn đậu mùa khỉ: Có cần thiết?-3

Rất đông hành khách làm thủ tục tại ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM sáng 28-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

TS.BS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cũng cho rằng việc tái lập khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh ở cửa khẩu là "chưa nên", bởi có thể ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của xã hội.

Theo ông, ngoài vấn đề chưa ghi nhận ca mắc trong nước, tốc độ lây lan của bệnh này không phải như đại dịch COVID-19, do đó cần tùy vào tình hình dịch bệnh cụ thể để cân nhắc đưa ra giải pháp chặt chẽ.

"Chúng ta có hệ thống kiểm soát bệnh tật khá mạnh, do đó cần đưa ra cảnh báo khi nào áp dụng biện pháp phòng dịch một cách phù hợp, tránh vội vã. Bởi kê khai, khai báo y tế có khi chỉ là một việc nhỏ nhưng khi áp dụng có thể gây xáo trộn ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội.

Cách tốt nhất là thúc đẩy từng tổ dân phố tuyên truyền cho người dân các khuyến cáo mức độ bệnh có thể lây lan và cách phát hiện bệnh chủ động phòng ngừa, cũng như đến cơ sở y tế thăm khám sớm", bác sĩ Hùng phân tích.

Tương tự, BS Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TP.HCM - cho rằng nhiều nước có ca bệnh cũng không nơi nào áp dụng việc khai báo y tế giám sát hành khách tại cửa khẩu. Và việc kiến nghị của TP.HCM là "chưa cần thiết phải áp dụng", bởi hiệu quả phòng dịch không cao, chưa kể sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến phát triển du lịch vừa mở cửa.

"Biểu hiện triệu chứng của đậu mùa khỉ đa dạng nên dù có khai báo y tế cũng không "sàng" được bao nhiêu cả, chưa kể việc này có thể làm phiền khách. Mặt khác nếu có ca bệnh lọt vào cộng đồng cũng chưa thể lây liền một cách ồ ạt như dịch COVID-19 và việc phát hiện ca mới để giám sát ở các phòng khám, bệnh viện là điều không khó", BS Khanh nói.

Cho rằng việc chủ động các phương án ứng phó đối với bệnh đậu mùa khỉ là cần thiết, song chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đề nghị cần cân nhắc, hết sức thận trọng. "Đứng ở góc độ kinh tế, chúng ta đang thu hút khách du lịch để phục hồi kinh tế. Việc khai báo y tế với khách nhập cảnh có thể tác động đến việc thu hút du khách đến TP.

Hơn nữa, việc thực hiện hay không thực hiện khai bao y tế cũng chỉ mang tính tương đối, chưa hẳn là chính sách mà chúng ta buộc phải làm bởi các thông tin về lây nhiễm đến nay vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, thay vì tổ chức khai báo y tế một cách máy móc mang tính hành chính, TP nên chủ động các phương án để theo dõi, điều trị nếu có dịch bệnh trong TP", ông nói.

Tại sao lại giám sát 21 ngày?

Trong kiến nghị của TP.HCM gửi Bộ Y tế có mục khai báo đối với hành khách tiếp xúc với người nghi/mắc bệnh đậu mùa khỉ trong vòng 21 ngày. Lý giải điều này, các chuyên gia dịch tễ cho rằng số ngày giám sát được dựa vào thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ là từ 5 - 21 ngày.

Đây được xem là khoảng thời gian "lý tưởng" để bệnh có thể lây truyền (trên người) thông qua việc tiếp xúc trực tiếp gần, vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Thời gian 21 ngày này cũng được WHO làm tiêu chí sắp xếp mức độ bệnh đậu mùa khỉ ở 4 nhóm quốc gia hiện nay. Trong đó, các quốc gia được liệt vào nhóm 1, tức chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ hoặc không ghi nhận ca bệnh trong vòng 21 ngày. Và Việt Nam đang là quốc gia nằm trong nhóm này.

Khai báo y tế tại cửa khẩu ngăn đậu mùa khỉ: Có cần thiết?-4

Phân biệt đậu mùa khỉ và thủy đậu thế nào khi đều có bóng nước trên da?

TTO - Với biểu hiện chung là đều có bóng nước trên da, nhiều người không phân biệt được đâu là bệnh đậu mùa khỉ, đậu mùa hay thủy đậu. Biết được dấu hiệu phân biệt giữa 3 bệnh này là cần thiết khi nước ta đứng trước nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập.

HOÀNG LỘC - XUÂN MAI