Các địa biểu chúc ảnh lưu niệm trong lễ khai mạc Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 và Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội điện quang và y học hạt nhân
Tại Hội nghị khoa học thường niên lần thứ 23 và Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam tổ chức trong hai ngày 19 /20/8/2022, GS.TS Phạm Minh Thông, Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam, nguyên phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, đánh giá:
"Ngành Điện quang và y học hạt nhân của Việt Nam từ xuất phát điểm chỉ có kỹ thuật X –quang đến nay đã phát triển cả kỹ thuật siêu âm, CT, cộng hưởng từ; Đặc biệt không chỉ có kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mà rất nhiều kỹ thuật điện quang và y học hạt nhân can thiệp đã được triển khai. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh cũng được đào tạo bài bản ở trong nước và ở các nước tiên tiến như: Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, liên tục được cập nhật chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và có trang thiết bị máy móc hiện đại. Nhìn chung, chúng ta đã có thể đuổi kịp được các nước phát triển. Hàng nghìn bệnh nhân ung thư, đột quỵ, tim mạch …được cứu sống nhờ kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y khoa ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng điều trị".
Với chủ đề: "Hướng tới kỷ nguyên mới của hình ảnh y khoa" , Hội nghị đưa ra hai thông điệp mang tính thời sự: Thế giới đang bước vào kỷ nguyên công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), từng hội viên và toàn ngành cần làm gì để nâng cao chất lượng chẩn đoán hình ảnh?; Sau dịch Covid 19, có nhiều vấn đề mới cần được nghiên cứu, trong đó bao gồm cả chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh.
GS.TS Phạm Minh Thông cho biết, với tiêu chí đó, Hội nghị lần này có sự tham gia của nhiều giáo sư, bác sĩ đến từ các quốc gia có nền y học tiên tiến như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc …cùng với các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và hơn 1.300 hội viên trên cả nước. Gần 40 bài giảng của các giáo sư, chuyên gia trong nước và quốc tế cùng với 70 báo cáo khoa học tiêu biểu được trình bày tại Hội nghị. Trong đó, những có những kỹ thuật mới trong chẩn đoán về tim mạch, thần kinh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên được trình bày, trao đổi, cập nhật.
GS-TS Phạm Minh Thông Chủ tịch Hội điện quang va Y học hạt nhân và các đại biểu chụp ảnh bên cạnh hệ thông máy chụp PET/CT uExplorer của United Imaging Healthcare
Bên cạnh đó, các trang thiết bị y tế mới nhất của thế giới đã được triển lãm và giới thiệu tại hội nghị. GS-TS Mai Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Điện quang và y học hạt nhân, nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, giám đốc trung tâm y học hạt nhân vạ ung bướu cho hay sự kết hợp giữa điện quang và y học hạt nhân đã tạo ra những thiết bị, những công nghệ có độ nhạy, độ đặc hiệu cao nhất hiện nay, điển hình là hệ thống máy chụp PET/CT uExplorer của United Imaging Healthcare được giới thiệu tại Hội nghị lần này.
GS-TS Mai Trọng Khoa nhấn mạnh: "Hệ thống máy chụp PET/CT uExplorer là một bước đột phá về công nghệ trong lĩnh vực y học hạt nhân, cho phép chụp PET/CT toàn thân chỉ với một lần chụp duy nhất, thay vì phải chụp nhiều nhóm hình ảnh, sau đấy dùng phần mềm nối ảnh như các hệ thống PET/CT thông thường. Hệ thống máy chụp PET/CT uExplorer giúp giảm thời gian chụp từ 20 - 30 phút xuống còn 30 giây cho 1 lần chụp, giảm được chất phóng xạ đưa vào cơ thể nhưng lại cho ra kết quả hình ảnh sắc nét hơn, tăng khả năng phát hiện tổn thương. Từ đó giảm thiểu chi phí cho mỗi ca chụp PET/CT. Đây là công nghệ mới nhất trên thế giới, hy vọng sắp tới sẽ được nhập về Việt Nam để các bác sỹ, nhân viên y tế cũng như người dân được tiếp cận với hệ thống máy hiện đại này".
Tiến sĩ – bác sĩ Lê Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm chẩn đoán hình ảnh và can thiệp điện quang, Bệnh viện đại học Y Hà Nội, phó Chủ nhiệm bộ môn chẩn đoán hình ảnh trường Đại học Y Hà Nội, chia sẻ: Trong 2 năm dịch bệnh Covid-19 vừa qua về mặt công nghệ, ngành chấn đoán hình ảnh vẫn đang liên tục phát triển cả phần cứng lẫn phần mềm. Xuất hiện các thế hệ máy với công nghệ tiên tiến như máy chụp PET/CT uExplorer có thể chụp một lúc toàn thân cùng một thời điểm để thu hình, những máy có bộ phận đầu thu có độ phân giải cao hơn, mềm hơn, nhẹ hơn, thuận tiện hơn trong vận hành. Ngoài ra, còn nhiều tiến bộ công nghệ khác liên quan đến X quang và siêu âm. Về phần mềm, có nhiều bước tiến, đặc biệt có những công nghệ hình ảnh được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, cài đặt trong các máy nhưng cũng có thể phát triển độc lập để cài vào các hệ thống phần mềm xem hình ảnh ở trong các bệnh viện. Những công nghệ này hỗ trợ các bác sĩ chẩn đoàn hình ảnh làm việc nhanh và chính xác hơn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Linh, những công nghệ và kỹ thuật mới nhất cùng các trang thiết bị hiện đại nhất được giới thiệu tại Hội nghị lần này cho thấy thế giới phẳng trong y tế và Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để tránh nguy cơ tụt hậu. Được biết, United Imaging Healthcare đang nghiên cứu về cơ chế chính sách, từng bước xây dựng kế hoạch để sớm giới thiệu và cung cấp những thiết bị cùng công nghệ mới nhất trong chuyên ngành Điện quang và Y học hạt nhân như máy chụp PET/CT uExplorer tới ngành Y tế cũng như người dân Việt Nam theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong giai đoạn hiện nay. Hi vọng rằng, ngành Y tế nói chung, chuyên ngành Điện quang và Y học hạt nhân nói riêng sớm phục hồi sau giai đoạn khó khăn dịch bệnh COVID-19 để tiếp tục phát triển hơn nữa, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.