Khó khăn nhưng không được bỏ lại bất kỳ ai
Khi TP.HCM trở lại guồng quay của những ngày nhộn nhịp, khi trên các mặt báo, diễn đàn các thông tin dịch bệnh dần được thay thế bởi các tin sự kiện, các dự án phát triển của thành phố, đó là lúc mỗi chúng ta cảm nhận rõ nét sự hồi sinh của một thành phố đã từng là "chảo lửa" trong mùa dịch năm ấy.
Còn nhớ những ngày tháng đó, mặc dù gặp khó khăn ngay ở những giây phút bắt đầu nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn cố gắng, cống hiến hết mình để giành giật từng sự sống, từng hơi thở cho các bệnh nhân, và rồi họ lại vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi chứng kiến mỗi bệnh nhân hồi sinh, trở về với cuộc sống.
Cho tới hôm nay, sau một năm nhìn lại, những âm thanh của tiếng máy thở, hình ảnh của những đôi mắt van lơn mong cầu sự sống, những phòng bệnh đầy ắp bệnh nhân.... một thời ám ảnh trong ký ức mỗi người thầy thuốc ... đã trở thành quá khứ. Các bác sĩ không thể tin nổi lại có được ngày hôm nay.
Với quy mô 1.000 giường Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng tại quận Tân Bình đã kịp thời phục vụ và cứu chữa cho rất nhiều bệnh nhân
PGS.TS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) kể lại: "Cách đây một năm, khoảng thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại TP.HCM chúng tôi đã gấp rút xây dựng Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng tại quận Tân Bình với quy mô 1.000 giường để kịp thời phục vụ bệnh nhân. Thời gian đầu bệnh viện chúng tôi cũng như gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn như các khu điều trị tại các Bệnh viện Dã chiến tại TP.HCM khác".
Từ những cái tưởng chừng rất nhỏ như đôi găng tay, cái khẩu trang hay những bộ đồ bảo hộ cho tới các loại máy móc, bình ôxy... đều không đủ để cung cấp cho quá trình điều trị bệnh nhân nơi đây. Rất may mắn là những khó khăn đó nhanh chóng được giải quyết. Gần như các loại máy móc, trang thiết bị tại Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng tại quận Tân Bình đều không phải mua thêm. Tất cả các loại máy móc đều được chuyển từ Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa Tân Bình, CDC Tân Bình, và các doanh nghiệp, các mạnh thường quân khác tài trợ.
Nhận được sự tin tưởng từ bệnh nhân và các mạnh thường quân chúng tôi luôn nêu cao mục đích của Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng là luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến bất ngờ, quyết tâm không bỏ rơi bất kỳ ai, không để bất kỳ ai lại phía sau.
Đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế luôn sẵn sàng "lên đường" hỗ trợ các bệnh nhân, quyết không để ai lại phía sau
Bệnh viện tiếp nhận điều trị cho tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ cho tới nặng, từ có triệu chứng cho tới những bệnh nhân đã có các triệu chứng của suy hô hấp. Lúc này bệnh viện là một hệ thống liên hoàn, nếu chẳng may bệnh nhân chuyển nặng thì sẽ được chuyển lên các tầng trên, chuyên điều trị cho các bệnh nhân nặng. Tại đây bệnh nhân sẽ được hỗ trợ kịp thời, đảm bảo nguy cơ rủi ro thấp nhất.
Sự hồi sinh kỳ diệu nơi l
ằn
ranh sinh tử
Có nhiều bệnh nhân nhập viện ở Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng tại quận Tân Bình trong tình trạng rất yếu, mắc nhiều bệnh lý nền cùng với tuổi rất cao. Có những bệnh nhân trên 100 tuổi, có bệnh nhân phải ngồi xe lăn tới điều trị, hay thậm chí có cả những trường hợp bị nhồi máu cơ tim, bệnh nhân mổ ruột thừa bị thủng dạ dày bị mắc COVID-19 cũng điều trị thành công tại nơi đây. Điều bất ngờ là chính những bệnh nhân tưởng chừng như không còn hy vọng này lại là những bệnh nhân mạnh mẽ nhất. Ở họ toát lên được sự mạnh mẽ, sự quyết tâm và nghị lực phi thường để có cơ hội hồi sinh một lần nữa. Chính họ đã tạo nên kỳ tích mới, hy vọng mới cho chính bản thân họ và cho cả ngành y tế .
Bệnh viện tiếp nhận tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 từ nhẹ tới nặng, nhiều người nhập viện trong tình trạng nguy kịch kèm nhiều bệnh lý nền nhưng vẫn được điều trị thành công.
Điển hình là GS.TS Dương Minh Đức, Nguyên Chủ tịch Hội Toán học TP.HCM cũng đã vượt qua lằn ranh sinh tử bằng sự quyết tâm, nỗ lực của chính mình cùng với sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất.
Bác sĩ Thanh kể lại, GS.TS Dương Minh Đức là giáo sư đầu ngành toán học của nước ta. Ông nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, viêm phổi lan tỏa 2 phổi, nồng độ oxy trong máu thấp. Đáng ngại là ông đã rơi vào cơn bão cytokine rất nặng. Cùng với tuổi ông cũng đã cao và mắc rất nhiều bệnh lý nền khác.
Tưởng chừng như GS.TS Dương Minh Đức không thể vượt qua thời gian khó khăn này vì tình trạng sức khỏe của ông lúc ấy rất yếu. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân ông cùng với sự hỗ trợ điều trị của đội ngũ y bác sĩ bệnh viện thì ông đã vượt qua một cách ngoạn mục. Hiện tại, GS.TS Dương Minh Đức đã có thể quay lại tiếp tục làm việc và cống hiến một cách bình thường.
GS.TS Dương Minh Đức vượt qua COVID-19 một cách ngoạn mục bằng sự nỗ lực của chính bản thân và sự hỗ trợ của đội ngũ bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến
Chúng tôi không ngờ thành phố có thể quay về được bình thường mới như ngày hôm nay. Ngày này năm trước, chỉ cần mở cửa ra là tiếng máy thở dồn dập " tít...tít...tít...", tiếng khóc luôn văng vẳng bên tai. Dường như mọi không gian trong bệnh viện từ gầm cầu thang, hành lang cho tới bãi cỏ đều được trưng dụng cho bệnh nhân điều trị.
Lúc bấy giờ đồng nghiệp chỉ nhận ra nhau bằng những cái tên được ghi sau chiếc áo bảo hộ và chỉ giao tiếp thông qua ánh mắt. Cho tới hôm nay, khi đại dịch được cho là đã tạm ổn thì chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và lấy làm tự hào vì đã góp phần nào đó vào công cuộc chống dịch thời gian qua, đã mang lại hiệu quả. Thật sự để được như ngày hôm nay là kết quả của quá trình quyết tâm, cố gắng của toàn dân tộc đặc biệt là ngành y tế, lực lượng nòng cốt, ''đứng mũi chịu sào".
Những m
ầm non hồi sinh sau
bão
Khi cơn mưa qua đi sẽ có ánh cầu vồng, khi cuộc sống dần hồi sinh là lúc lực lượng y tế cũng có bước chuyển mình để lớn dậy. Bỏ lại những mất mát to lớn mà dịch bệnh gây ra, bước qua đại dịch, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đã ngày càng trưởng thành, là điểm tựa tin cậy của ngành y tế trong công cuộc bảo vệ sức khỏe người dân. Các nhân viên giờ đây có thể sử dụng thuần thục các máy móc, trang thiết bị, nắm vững các kỹ thuật khó trong quá trình điều trị cho người bệnh.
Dịch bệnh qua đi là lúc người dân, ngành y tế và thành phố bắt đầu một hành trình mới với sự hồi sinh kỳ diệu
"Tôi thấy các nhân viên, các y bác sĩ đã vượt qua những căng thẳng trong mùa dịch, những khó khăn về vật chất để gắng gượng được tới thời điểm ngày hôm nay, tiếp tục công hiến cho ngành y tế, cho bệnh nhân và xã hội là một sự cố gắng rất lớn. Mặc kệ khó khăn, nguy hiểm họ vẫn xả thân, dám dẫn thân, dám hy sinh và đặc biệt là trong lúc nguy nan thì họ là người đầu tiên dám nghĩ dám làm" - Giám đốc BV Thống Nhất nói.
Sau dịch, bệnh viện cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng hiện nay các hoạt động khám chữa bệnh của bệnh viện cũng đã quay lại quỹ đạo như bình thường. Mọi người bệnh tới đây đều được tiếp đón một cách chu đáo, được hướng dẫn và điều trị như trước khi thành phố bùng dịch.
Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ: "Sau khi dịch bệnh qua đi, bản thân tôi nghĩ rằng tinh thần của mình, sự cống hiến của mình không thấm vào đâu so với sự hy sinh của toàn ngành y cũng như của toàn dân tộc mình. Cùng với đó là sự thay đổi cách nhìn nhận của các nhân viên y tế về dịch bệnh, về nhân dân. Nhân sinh quan của các cán bộ ngành y đứng trước cái sống và cái chết, đứng trước dịch bệnh đã thay đổi. Khát khao được cống hiến, được giúp đời, giúp người của họ ngày càng cao".
Nhà báo - cascadeur Lữ Đắc Long vượt qua "cửa tử" để trả ơn cuộc đời
SKĐS - Anh Lữ Đắc Long trải qua 6 lần "thập tử nhất sinh" bất tỉnh vì COVID-19. Nhờ các y bác sĩ và ý chí bản thân, anh đã vượt qua "cửa tử" và trở về cuộc sống, làm những điều có ích cho cộng đồng.