Trang Chủ > Sức khỏe > Hoại tử loét bàn chân, suy vỏ thượng thận, sốc nhiễm khuẩn chỉ vì lý do quá phổ biến

Hoại tử loét bàn chân, suy vỏ thượng thận, sốc nhiễm khuẩn chỉ vì lý do quá phổ biến

Infonet
25/06/2022 12:11:24

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, Uông Bí vừa tiếp nhận người bệnh nam 57 tuổi nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, hoại tử loét bàn chân trái. Được biết người bệnh có tiền sử đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, gút nhiều năm nay.

Trước khi nhập viện khoảng 2 tuần người bệnh có xuất hiện sưng đau bàn chân trái. Sau đó sưng tấy lan rộng toàn bộ bàn chân và cẳng chân trái, có điểm hóa mủ kèm theo sốt nóng, sốt rét từng cơn.

Hoại tử loét bàn chân, suy vỏ thượng thận, sốc nhiễm khuẩn chỉ vì lý do quá phổ biến-1

Ổ mủ lở loét ở bàn chân, suy vỏ thượng thận, sốc nhiễm khuẩn ở người đàn ông 57 tuổi mắc đái tháo đường

Đáng lưu ý, trước tình trạng sức khoẻ khá nghiêm trọng nhưng người bệnh không đi khám mà tự mua và dùng thuốc nam. Sau khi dùng thuốc tình trạng bệnh không đỡ mà thấy mệt nhiều, sốt, sưng đau, chảy mủ chân tăng lên. Lúc này người bệnh mới đến viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để điều trị.

Người bệnh được nhập viện điều trị với chẩn đoán Sốc nhiễm khuẩn/ Nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)/ Loét hoại tử bàn chân trái/ Đái tháo đường type 2/ Tăng huyết áp/ đợt cấp gút mạn/ Suy vỏ thượng thận do thuốc nam.

Theo Th. Bs. Nguyễn Thùy Dung – Khoa Nội tiết cho biết: trường hợp người bệnh là tình trạng nhiễm khuẩn rất nặng có nguy cơ cắt cụt chi. Nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Người bệnh đã được sử dụng kháng sinh chống viêm, nhiễm trùng, kết hợp với sử dụng thuốc để kiểm soát đường máu, huyết áp, lipid máu, hormone tuyến thượng thận. Bên cạnh đó là chăm sóc vết loét bàn chân bằng cách cắt lọc tổ chức hoại tử.

Trao đổi với phóng viên, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ Bệnh viện Xanh pôn cho biết, loét bàn chân là một biến chứng quan trọng của bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) với tỉ lệ mới mắc hàng năm là khoảng 2% tổng số bệnh nhân. Tỉ lệ này tăng từ 5-7.5% ở những bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý thần kinh ngoại biên.

Điều đáng lo ngại là có đến 15% bệnh nhân ĐTĐ sẽ bị loét tại một thời điểm nào đó trong toàn bộ cuộc đời của họ. Biểu hiện nhiễm khuẩn là một dấu hiệu quan trọng và báo cáo cho thấy khoảng 60% các ca cắt cụt chi khởi phát do vết loét nhiễm khuẩn. Tỉ lệ tử vong sau 5 năm của bệnh nhân bị cắt cụt chi dưới là 50-60%.

Một số yếu tố nguy cơ được xác định gồm có tổn thương thần kinh ngoại biên, bệnh lý mạch máu ngoại vi và nhiễm khuẩn. Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Vi chấn thương, dị dạng cấu trúc, giới hạn vận động khớp, xuất hiện các vết chai, tăng đường huyết kéo dài, tăng đường huyết không kiểm soát được, tiền sử loét bàn chân hoặc cắt cụt chi.

TS. BS Đỗ Đình Tùng cho biết thêm, tổn thương thần kinh ngoại biên là một biến chứng thường gặp của bệnh ĐTĐ, xuất hiện ở khoảng 50-70% bệnh nhân ĐTĐ. Các bệnh lý thần kinh do ĐTĐ làm ảnh hưởng đến các sợi thần kinh cảm giác, vận động và tự chủ.

Tổn thương bệnh lý tại các sợi cảm giác khiến bàn chân không còn nhạy cảm với những kích thích đau thông thường, vì vậy các vết loét thường xuất phát từ những chấn thương nhỏ.

Tổn thương các sợi vận động gây yếu cơ, teo cơ và liệt nhẹ.Từ đó gây nên sự biến dạng bàn chân, xuất hiện những điểm tăng áp lực gây chai chân, chai dày kết hợp với đi nhiều dẫn đến tổn thương rách, viêm tổ chức lâu dần dẫn đến loét chân.

Một vấn đề nữa của tổn thương thần kinh làm giảm tiết mồ hôi và gây thay đổi ở da làm giảm tính chất tự vệ của da đối với sự xâm nhập của vi sinh vật từ ngoài vào, da khô nứt nẻ tạo điều kiện nhiễm khuẩn bàn chân.

Mặc dù được chăm sóc có hệ thống nhưng các vết thương này thường chậm liền, nguy cơ cắt cụt rất cao nếu không kiểm soát được hoại tử và màng biofilm. Các hành động phòng bệnh cấp 2 sau khi loét rất quan trọng vì các vết thương này thường bị tái phát ở 30% trường hợp trong năm đầu tiên sau khi khỏi vết thương cũ.

Qua đây, các bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh ĐTĐ cần vệ sinh và kiểm tra bàn chân hàng ngày. Khi phát hiện tổn thương viêm loét bàn chân không được tự ý điều trị tại nhà mà người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chi.

Đặc biệt, TS. BS Đỗ Đình Tùng cũng nhấn mạnh người bệnh không tự ý sử dụng các thuốc không được bác sĩ kê đơn.

N. Huyền