Trang Chủ > Sức khỏe > Hành hung nhân viên y tế: Đừng để 'nhờn thuốc'

Hành hung nhân viên y tế: Đừng để 'nhờn thuốc'

Đại Đoàn Kết
11/08/2022 08:09:03
Hành hung nhân viên y tế:  Đừng để 'nhờn thuốc'-1

Liên tiếp những vụ hành hung bác sĩ gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian vừa quaẢnh cắt từ clip.

Liên tiếp vụ việc bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công

Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện

Ngày 9/8, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Bộ Công an về việc tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện. Tại văn bản, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn về một số nội dung sau:

Điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, xử lý nghiêm và truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội).

Tiếp tục chỉ đạo Công an địa phương thực hiện nội dung Quy chế số 03/QC-BCA-BYT ngày 26 tháng 9 năm 2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế; Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28/01/2019 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội về bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.

Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.

Tăng cường lực lượng tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các khu vực có bệnh viện lớn, có lượng người đến đông khám bệnh, chữa bệnh.

Thiết lập, củng cố mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho Bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự.

Đ.T

Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định, vào lúc 5h56 ngày 6/8, một bệnh nhân nữ 63 tuổi được đưa đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng khó thở. Bệnh nhân được tiếp nhận, thăm khám, chẩn đoán và nhanh chóng được nhân viên y tế cho thở ô xy qua mặt nạ, sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị.

Trong quá trình điều trị, người bệnh có nhu cầu đi vệ sinh, con trai của bà báo với nhân viên y tế trực. Tuy nhiên, đánh giá tình trạng bệnh nhân chưa thật sự ổn định và không an toàn khi phải rời giường bệnh nên bác sĩ trực yêu cầu điều dưỡng hướng dẫn và đưa bô vệ sinh cho thân nhân để người bệnh đi vệ sinh tại giường.

Lúc này, con trai của người bệnh không đồng ý, quát tháo và bỏ ra ngoài. Một lúc sau, người này quay lại khoa cấp cứu với một vật nhọn cầm trên tay và có hành động muốn tấn công bác sĩ trực. May mắn, bác sĩ trực kịp thời lùi lại và chụp tay đối phương, sau đó người này bỏ đi ra ngoài.

Trước đó ngày 27/7, một bé gái 10 tuổi, bị hóc xương cũng đã được đưa đến Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Sau khi thăm khám, bác sĩ ghi nhận sinh hiệu bình thường, trẻ hoàn toàn không khó thở, có triệu chứng nuốt vướng và đau. Bác sĩ trực cho trẻ ngồi chờ và liên hệ bác sĩ tai mũi họng để nội soi gắp xương cho bé. Trong lúc cháu bé ngoan ngoãn ngồi yên thì đột nhiên một người tự xưng là bố của bé gái đi vào Khoa Cấp cứu la hét không đồng ý chờ đợi, mặc dù bác sĩ trực giải thích nhưng người này không chấp nhận, muốn chuyển viện khẩn đến bệnh viện nào có làm nội soi ngay lập tức được.

Trước tình hình này, bác sĩ trực đã cố gắng giải thích nhưng không tạo được sự an tâm cho người bố, bất ngờ người bố bệnh nhi xông vào hành hung, đẩy bác sĩ vào tường, bóp cổ và quay clip. Ngay sau đó bảo vệ bệnh viện đã kịp thời có mặt và ngăn chặn hành vi hành hung bác sĩ.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ P.H.T. - nạn nhân trong vụ việc hành hung ngày 27/7 cho biết: “Đó là một đêm trực cấp cứu chán nản và kinh hoàng, vừa nhận ca trực lúc 21h, bệnh nhân thì đông mà còn bị hành hung, còn vừa bị bóp cổ vừa quay clip. Khi sự việc xảy ra, tôi khá bất ngờ và hoảng, đang ngồi thì bị đẩy ngay, chưa kịp phản xạ gì. May nhờ các đồng nghiệp vào kéo ông bố ra, mới cảm thấy đỡ khó thở”.

Bác sĩ T. cũng tâm sự: “Chỉ trong vòng gần 1 năm trở lại đây, bản thân tôi đã bị hành hung 3 lần có để lại thương tích. Một điều thật đáng sợ là việc lăng nhục và hành hung nhân viên y tế đã trở thành thói quen của một số người dân, đến mức mà những người dân có trí thức, được gia đình và hàng xóm nhận định là lâu nay hiền lành, chịu khó lại sẵn sàng đánh đập, đe dọa một bác sĩ hay điều dưỡng đã và đang làm tròn trách nhiệm chăm sóc điều trị bệnh nhân, thân nhân của họ, và thản nhiên không một lời xin lỗi”.

Còn bác sĩ N.C.T. - nạn nhân trong vụ hành hung ngày 6/8 cho biết, anh cảm thấy buồn vì tình trạng bạo hành nhân viên y tế ngày càng nguy hiểm. Điều này làm ảnh hưởng đến quá trình cứu chữa các bệnh nhân khác đang nguy kịch.

Hành hung nhân viên y tế:  Đừng để 'nhờn thuốc'-2

Sớm ngăn chặn nạn hành hung nhân viên y tế.  Ảnh: TL

Vấn đề an toàn bệnh viện còn lỏng lẻo

Hành hung nhân viên y tế đang trở thành một vấn nạn từ năm này qua năm khác. Thậm chí, cứ mỗi lần bác sĩ, điều dưỡng bị hành hung, dư luận lại một phen dậy sóng nhưng rồi những vụ việc tương tự lại tiếp tục diễn ra.

Trước đó, tháng 2/2021 tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, một bệnh nhân hành hung bác sĩ chỉ vì bị nhắc nhở đeo khẩu trang, tuân thủ quy tắc phòng chống dịch. Cũng trong năm 2021, một điều dưỡng và một bác sĩ tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên cũng bị nhóm đối tượng say rượu hành hung.

Thống kê từ Bộ Y tế về những vụ mất an ninh, trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, 70% bác sĩ là đối tượng bị tấn công chủ yếu và 15% là điều dưỡng. Có tới 90% số vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh (60%) và 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho người bệnh, người nhà người bệnh. Các vụ hành hung nhân viên y tế chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60% số vụ việc), tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương (chiếm 20%).

TS. BS Lê Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Những vụ việc vừa qua cho thấy vấn đề bảo vệ cho các nhân viên y tế đặc biệt ở các khoa cấp cứu của hầu hết các cơ sở y tế chưa thực sự tốt. Trước tiên là liên quan đến cơ sở hạ tầng, người nhà hoặc thân nhân người nhà rất dễ dàng đi thẳng vào trung tâm cấp cứu thường rất đông bệnh nhân, có rất nhiều trường hợp có rất đông người nhà của một hoặc nhiều bệnh nhân cùng lúc vào nơi làm việc trực tiếp gây áp lực với các nhân viên y tế đang tham gia cấp cứu. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ an ninh bệnh viện vẫn rất mỏng nên khi xảy ra vụ việc cũng không đủ nhân lực tham gia hỗ trợ ngăn cản việc hành hung nhân viên y tế. Đồng thời, đa số cơ sở y tế chưa xây dựng và áp dụng quy trình xử trí các tình huống bạo hành nhân viên y tế”.

Còn PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định: Ngành y tế không được sự hỗ trợ bởi điều luật chống, hành hung người đang thi hành công vụ, vì hiện nay các bệnh viện đã được coi là cơ sở dịch vụ y tế, các cán bộ y tế không còn là công chức. Bởi vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường biện pháp phòng vệ trực tiếp và gián tiếp (phương tiện, huấn luyện và tuyên truyền), quy trình hóa các “điểm nóng” có nguy cơ cao va chạm như khoa cấp cứu, phòng mổ, nội soi, xét nghiệm cận lâm sàng…

Bộ Y tế đánh giá, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến quyền của người hành nghề, gây tổn hại về thể chất, tinh thần và danh dự của bác sỹ trực tiếp bị hành hung trong lúc đang hành nghề cũng như các thầy thuốc, nhân viên y tế khác. Đồng thời, sự việc cũng gây mất an ninh, an toàn và trật tự tại nơi khám chữa bệnh cấp cứu, ảnh hưởng xấu đến tâm lý, thời gian khám chữa bệnh cho người bệnh khác.

Hành hung nhân viên y tế:  Đừng để 'nhờn thuốc'-3

Bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn:

Lo lắng nạn côn đồ bệnh viện

Là bác sĩ, chúng tôi không chỉ đối phó với căn bệnh và người bệnh, đối phó với số phận con người, đối phó với thế lực siêu hình có trong tay lưỡi hái tử thần, mà chúng tôi còn phải đối phó với côn đồ bệnh viện.

Hãy nhớ, thời gian với người bệnh là vàng. Nguyên tắc hoạt động chuyên môn ở đây là ưu tiên, cách bố trí ưu tiên thứ tự cấp cứu dựa vào phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng nhẹ, không ưu tiên theo thời gian vào viện. Nếu phá vỡ nguyên tắc này, nguồn lực y tế sẽ không được tập trung, đặc biệt là khi người nhà bệnh nhân đe dọa, ép bác sĩ phá vỡ quy trình ưu tiên để cấp cứu cho người nhà của họ trước, thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp cực đại, mọi bệnh nhân đều gặp nguy hiểm, có những tính mạng phải trả giá oan ức.

Tại sao gần 10 nghìn nhân viên y tế bỏ việc? Là một bác sĩ có thâm niên nhiều năm, tôi thấy nhân viên y tế bị gắn với cái mác thiên thần áo trắng, nhưng họ lại bị bệnh nhân và người nhà tấn công. Bây giờ chẳng mấy ai muốn con cái họ đi làm nghề này. Những vấn đề rắc rối y tế, hành lang pháp lý không đủ an toàn, xung đột không được giải quyết bằng pháp luật mà thay vào đó là bạo lực, rồi hòa cả làng, theo tôi cần phải xử lý nghiêm các đối tượng hành hung y bác sĩ.

Hành hung nhân viên y tế:  Đừng để 'nhờn thuốc'-4

Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Bệnh viện Bạch Mai:

Cần môi trường bệnh viện an toàn

Nạn hành hung bác sĩ thường xuyên xảy ra tại khắp các trung tâm, khoa phòng cấp cứu. Các bác sĩ tại đây luôn làm việc trong môi trường áp lực cao, suốt ngày tiếp xúc với bệnh nhân nặng và đông với nguyên tắc làm việc là phân loại người bệnh theo mức độ tổn thương để ưu tiên tập trung nguồn lực chứ không ưu tiên theo thời gian vào viện.

Thế nhưng, thói quen không muốn chờ đợi luôn hiện hữu ở khắp nơi. Việc bạo hành nhân viên y tế sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh khác cần ưu tiên hơn trong bệnh phòng. Tôi mong rằng, các bệnh viện chí ít phải tạo ra môi trường an toàn và văn minh cho nhân viên làm việc và cần có bộ phận hỗ trợ pháp lý trong các tình huống tương tự.

Nghĩa Toàn (ghi)