Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng , trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân nhập viện mắc cúm A . Hầu hết bệnh nhân khi vào viện đều đã trong tình trạng khá nặng vừa sốt cao kèm ho nhiều, mệt mỏi, bỏ ăn.
Tình trạng trẻ mắc cúm A ở Hải Phòng có chiều hướng gia tăng.
Tại Khoa Truyền nhiễm, BV Trẻ em Hải Phòng , bệnh nhi Nguyễn Thu Ng., 54 tháng tuổi (An Thái, An Lão, Hải Phòng) nhập viện ngày 25/7 trong tình trạng sốt cao, thi thoảng có ho. Trước đó, ngày 22/7, bệnh nhi có triệu chứng sốt cao liên tục 39 độ, đau bụng từng cơn, cứ ăn là đau, kèm húng hắng ho.
Ban đầu, gia đình và bệnh viện tuyến dưới nghi ngờ cháu bị viêm ruột nhưng qua theo dõi thì đã loại bỏ được yếu tố này. Sau 3 ngày điều trị dưới tuyến huyện, tình trạng không thuyên giảm nên bệnh nhi được chỉ định chuyển lên BV Trẻ em Hải Phòng ngày 25/7.
Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán cháu bị cúm A kèm viêm họng cấp. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi đã cắt được sốt, ăn được, ngủ được và không còn mệt mỏi như trước.
Tại Khoa đơn nguyên điều trị quốc tế, bệnh nhi Bùi Nguyễn An Nh., 25 tháng tuổi (trú tại xã Hồng Thái, An Dương) - một trong những trường hợp mắc cúm A kèm tay chân miệng. Khoảng 18 giờ ngày 24/7/2022, bé An Nhiên được gia đình cho vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục 39 - 39,5 độ, kèm ho và nổi mụn nước ở lòng bàn chân, tay và niêm mạc miệng.
Một trong những bệnh nhi vừa mắc cúm A, vừa bị tay chân miệng đang điều trị tại BV Trẻ em Hải Phòng.
Theo mẹ của bệnh nhi kể lại, trước đó 3 ngày, An Nhiên có biểu hiện nổi mụn khắp người và trong miệng nên gia đình đưa tới cơ sở y tế tư nhân khám. Bác sĩ phòng khám chẩn đoán bé mắc tay chân miệng nên điều trị kháng sinh tại nhà. Sau 4 ngày uống thuốc, tình trạng sốt cao vẫn tiếp diễn nên gia đình đã đưa bé vào Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng. Tại đây, bệnh nhi được các bác sĩ test nhanh dương tính với cúm A và chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 2A.
Qua 4 ngày điều trị tại bệnh viện, sức khỏe của bệnh nhi có nhiều chuyển biến tích cực, ăn ngủ tốt, các mụn nước vùng tay chân đã liền, giảm ho, tự chơi. Hiện, các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi và có thể cho bé xuất viện trong thời gian tới.
Trước tình trạng bệnh nhi nhập viện do mắc cúm A gia tăng trong hè, BSCK2 Hoàng Sơn - Trưởng khoa truyền nhiễm bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết: "Năm nay, tỉ lệ trẻ mắc cúm A lớn hơn so với mọi năm. Virus cúm A lây qua đường hô hấp và phát tán rất nhanh nên khi trẻ bắt đầu có biểu hiện như ho, sốt, viêm long đường hô hấp, đau người…, đó có thể là triệu chứng của cúm A. Khi trẻ đã sốt cao, khó thở kèm ho, nghĩa là tình trạng bệnh đã vào giai đoạn nặng. Vì thế, để test cúm A, cha mẹ có thể cho con em đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra và có các biện pháp can thiệp sớm tránh những di chứng sau này".
TIN LIÊN QUAN
Triệu chứng cúm A cần chú ý, cách phòng ngừa cúm cho cả gia đình
Cũng theo bác sĩ Sơn, mọi năm, dịch cúm thường khởi phát trong khoảng thời gian Thu Đông nhưng năm nay, ngay trong hè dịch cúm đã xuất hiện. Và có một điểm dễ nhận thấy là những trẻ bị cúm A có biểu hiện nặng thường từng mắc COVID-19. Việc điều trị với nhóm bệnh nhân nặng theo đó kéo dài hơn, lâu khỏi hơn.
Phần lớn bệnh nhân mắc cúm A bị viêm phổi đều từng mắc COVID-19
Tại Bệnh viện đa khoa Kiến An, Hải Phòng, số lượng bệnh nhân nhập viện do dịch này đang có chiều hướng tăng.
Đơn cử sáng ngày 28/7, trong số 4 bệnh nhân vào Khoa truyền nhiễm thì có 3 bệnh nhân mắc cúm A.
Khác với mọi năm, bệnh nhân mắc cúm A năm nay có biểu hiện bệnh nặng hơn so với mọi năm.
Theo bác sĩ Phạm Thị Liệu – Phụ trách Khoa Truyền nhiễm – BVĐK Kiến An, năm nay số bệnh nhân mắc cúm A tăng cao và có triệu chứng nặng hơn mọi năm. Tại Khoa Truyền nhiễm, khoảng 70% bệnh nhân nhiễm cúm A có tổn thương về phổi, đặc biệt những trường hợp từng mắc COVID-19.
"Quá trình điều trị với những bệnh nhân có triệu chứng nặng gặp nhiều khó khăn hơn, thời gian điều trị dài hơn. Thường điều trị bệnh nhân mắc cúm A từ 5-7 ngày là ra viện nhưng với những bệnh nhân này, thời gian điều trị có khi lên tới 10-15 ngày" - BS. Liệu thông tin.
Để chủ động phòng tránh cúm A và giảm tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn đường hô hấp, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm phòng cúm mùa hằng năm.
Khi bệnh nhân có các triệu chứng như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám và kê đơn thuốc. Đặc biệt, sau 3 ngày vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, cần nhập viện để điều trị kịp thời.
Hiện tại virus gây bệnh cúm ở người được chia làm 3 chủng cúm A, B, C. Trong đó, cúm A là loại cúm rất phổ biến, có thể lây truyền từ động vật sang người. Các đại dịch cúm trong lịch sử phần lớn do chủng cúm A gây ra, như A/H5N1, A/H3N2, A/H1N1… Cúm C có hiểu hiện bệnh rất nhẹ, ít lây nhiễm ở người. Cúm B cũng có khả năng tạo thành nhóm dịch bệnh theo mùa và có thể lây truyền quanh năm.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Trẻ mắc cúm A và đang điều trị tại BV Trẻ em Hải Phòng có chiều hướng gia tăng