Phụ huynh được theo sát trẻ trong quá trình tiêm chủng. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)
Ngày 1/7, tại Hội nghị giao ban công tác quý 2/2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố, trước những khó khăn của ngành Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã giao cho Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố và Sở Y tế phối hợp tham mưu Ủy ban Nhân dân có văn bản chỉ đạo cụ thể về các nhóm nhiệm vụ của ngành; đặc biệt tiếp tục nghiên cứu có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế, có đề xuất cụ thể về nội dung này.
Ban cán sự Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung tháo gỡ cho ngành Y tế tiếp tục tập trung phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa hè.
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và dịch bệnh mùa Hè, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết Hà Nội là một trong những thành phố chủ động và có biện pháp hiệu quả, tích cực. Hiện thành phố đang xét nghiệm, giải trình tự gene và giám sát dịch tễ dịch COVID-19. Qua giải trình tự gene xác định được biến thể Omicron vẫn là biến thể COVID-19 chủ đạo xuất hiện ở 30 quận, huyện, thị xã, chủ yếu là dòng BA.2; đã có 3 trường hợp mắc biến thể Omicron BA.5 là biến thể lây lan nhanh.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, nhờ công tác tiêm chủng, Hà Nội đã kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân tiêm mũi 4 và tiêm mũi 2 của trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi còn thấp (tỷ lệ tương ứng là 21, 69% và 33,2%), do đó cần có giải pháp cụ thể để tăng cường tiêm chủng cho các đối tượng này.
Qua tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng trên là do tâm lý chủ quan ở một số người dân; 26,3% số phụ huynh học sinh chưa đồng thuận với việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Ngoài ra, 47,5% số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mắc COVID-19 nên trì hoãn tiêm chủng.
Bên cạnh đó, theo tìm hiểu của phóng viên, một số người dân muốn đi tiêm chủng nhưng không biết đi tiêm ở đâu. Các đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 trước đây đều được Y tế phường thông báo, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, người dân bằng nhiều kênh nhưng hiện nay họ không được thông báo, hướng dẫn.
[Người từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng tái nhiễm và biến chứng]
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết để phục vụ tiêm chủng phòng COVID-19, Sở Y tế đảm bảo đầy đủ vaccine, an toàn vaccine, bố trí dây chuyền cũng như nhân lực phục vụ tiêm chủng. Ngành bố trí các điểm tiêm chủng gần khu dân cư, thuận lợi nhất cho người dân, bố trí điểm tiêm chủng lưu động linh hoạt để người dân tiếp cận thuận tiện cũng như trẻ có thể tiêm chủng ở tất cả điểm trên địa bàn.
Sở Y tế phối hợp Bộ Y tế điều tiết phân bổ vaccine đầy đủ, đảm bảo hạn vaccine phù hợp với tiến độ tiêm chủng. Sở cập nhật danh sách hàng tuần gửi các quận, huyện để nắm được tiến độ tiêm chủng trên địa bàn, có giải pháp kịp thời đảm bảo tiến độ tiêm chủng.
Để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ, Giám đốc Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với các trường để phụ huynh học sinh đồng thuận với việc tiêm chủng cho trẻ. Đặc biệt, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã rà soát cụ thể số lượng người cần tiêm chủng, huy động các tổ chức đoàn thể tham gia tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà rừng đối tượng.”
Lưu ý, tỷ kệ tiêm mũi 4 trong các khu công nghiệp cho công nhân đạt thấp (8.4%), trong khi đây là nhóm đối tượng cần bảo vệ, Giám đốc Sở Y tế đề nghị các quận, huyện phối hợp với các khu công nghiệp, khu chế xuất rà soát đối tượng, tuyên truyền vận động, tổ chức tiêm chủng cho công nhân.
Về những khó khăn trong công tác mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao của ngành Y tế, Giám đốc Sở Y tế cho biết, cơ chế trong đấu thầu, mua sắm cần được tháo gỡ từ các cơ quan Trung ương. Sở đề xuất thành phố tháo gỡ một số vấn đề thuộc thẩm quyền như nhân lực của ngành, mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao... để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong khám chữa bệnh.
Để giải quyết nhân lực cho ngành, bà Trần Thị Nhị Hà cho biết Sở Y tế sẽ tổ chức thi tuyển ngay. Sở giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, nâng cao trách nhiệm trong tổ chức đấu thầu, mua sắm kịp thời hóa chất, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh; tập huấn nâng cao năng lực quản lý quản trị Giám đốc bệnh viện, tạo môi trường nâng cao trách nhiệm trong đấu thầu mua sắm, tránh xảy ra trường hợp vi phạm pháp luật.
Trước nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ, viêm gan cấp ở trẻ em, Sở Y tế Hà Nội đề nghị các quận, huyện, trường học… đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn phòng bệnh; tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, phun hóa chất, diệt bọ gậy… Đối với dịch đậu mùa khỉ và viêm gan cấp ở trẻ em, Sở Y tế đã có chương trình giám sát dịch ngay tại các sân bay, cửa khẩu đảm bảo chủ động kiểm soát dịch bệnh./.
Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)